Nhân dịp về dự Lễ khánh thành Đền thờ liệt sỹ tại Chiến trường Điện Biên Phủ và làm việc tại tỉnh Điện Biên, trong hai ngày 17 và 18/5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia A1, tham quan Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; thăm, tặng gần 160 suất quà cho các cựu chiến sĩ Điện Biên trên địa bàn tỉnh.

Cùng tham gia đoàn có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; các Ủy viên Bộ Chính trị: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn thành kính dâng hương tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia A1. Được xây dựng năm 1958, Nghĩa trang là nơi yên nghỉ của 645 chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, hi sinh trong 56 ngày đêm Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954. Nơi đây mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc cho thế hệ sau luôn noi gương và ghi nhớ công lao các anh hùng liệt sĩ, phấn đấu lao động, học tập và rèn luyện để xây dựng đất nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương, hoa tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ. 
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương, hoa tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia A1. 

Tiếp đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham quan Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nơi trưng bày, giới thiệu những tài liệu, hiện vật về chiến dịch Điện Biên Phủ. Chủ tịch nước và đoàn cũng đã tham quan không gian nghệ thuật đặc biệt, đó là bức tranh tròn Panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ" đầu tiên tại Việt Nam, quy mô lớn nhất Đông Nam Á và là một trong ba bức tranh tròn lớn trên thế giới. Bức tranh tái hiện những ngày tháng vất vả, gian lao nhưng anh dũng, bất khuất, kiên cường của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, viết lên trang sử vàng của dân tộc. Bức tranh là kết quả lao động sáng tạo của tập thể gần 200 họa sỹ, kiến trúc sư, nhạc sỹ, chuyên gia kỹ thuật... 

Viết sổ lưu niệm tại đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ xúc động thăm Bảo tàng, nơi lưu giữ những hiện vật, hình ảnh, lòng quả cảm và tinh thần anh dũng của các anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên trong chiến dịch Điện Biên Phủ suốt 56 ngày đêm "khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn" đã làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", xứng đáng với "Chín năm là một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng".

Chủ tịch nước mong muốn Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tiếp tục sưu tầm những hiện vật, những câu chuyện tái hiện chiến dịch thông qua công nghệ hiện đại, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách và là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ Việt Nam. 

Theo chương trình, sáng 18/5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khánh thành Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ và làm việc tại tỉnh Điện Biên.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. 
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi lưu bút khi đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. 

Chiều 17/5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thăm, tặng gần 160 suất quà các cựu chiến sĩ Điện Biên Phủ, là những người đại diện cho khoảng 2 vạn cựu chiến binh của tỉnh Điện Biên. 

Bày tỏ cảm động gặp lại các đồng chí trực tiếp làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch nước khẳng định, chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến công chói lọi, thiên sử vàng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

Chú thích ảnh
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi đến thăm, tặng quà cựu chiến sỹ Điện Biên. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Quân đội Nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước gửi lời thăm hỏi sâu sắc và lòng biết ơn chân thành đến các cựu chiến binh cả nước nói chung, các cựu chiến binh đã tham gia chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ nói riêng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, một trong những chiến công chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. 

Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác chăm lo cho các thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng và bày tỏ vui mừng khi nhiều cựu chiến binh, nhất là các thương binh "tàn nhưng không phế", phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, có những đóng góp tích cực phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và đất nước. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ấn tượng mạnh mẽ về các phong trào hiệu quả của cựu chiến binh và những tấm gương cựu chiến binh Điện Biên Phủ, luôn đi đầu tham gia các phong trào ở địa phương với tinh thần làm gương cho các thế hệ con cháu noi theo. 

Nhân dịp này, chủ tịch nước đề nghị cấp uỷ, chính quyền các địa phương trong cả nước nói chung, địa phương có nhiều cựu chiến binh như tỉnh Điện Biên nói riêng, cần quan tâm, tạo điều kiện chăm sóc, giúp đỡ, hỗ trợ về vật chất và tinh thần để cựu chiến binh có cuộc sống tốt hơn, có cuộc sống bằng hoặc cao hơn cuộc sống của người dân địa phương, qua đó thể hiện lòng tri ân đến công lao to lớn của các thế hệ cha anh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi cựu chiến sỹ Điện Biên. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm, tặng quà cho cựu chiến sỹ Điện Biên trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Theo TTXVN

Lựa chọn cách đánh là sáng tạo then chốt trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Lựa chọn cách đánh là sáng tạo then chốt trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Thắng lợi lịch sử năm 1954 bằng đòn quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, ta đã phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó nghệ thuật chiến dịch đóng vai trò quan trọng.
Dũng sĩ Đồi Xanh gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Điện Biên Phủ

Dũng sĩ Đồi Xanh gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Điện Biên Phủ

Đại tá Đặng Đức Song - người chiến sĩ Điện Biên năm xưa xúc động khi gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngay trên mặt trận đúng vào ngày 7/5/1954.
'Mường Nhé, Điện Biên là của Việt Nam'

'Mường Nhé, Điện Biên là của Việt Nam'

“Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn vào đối thoại ở bản Huổi Khon năm 2011 thể hiện Mường Nhé thuộc chủ quyền của Điện Biên, của đất nước Việt Nam chứ đâu phải của một nhóm người nào”.