Trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM Phan Văn Mãi đã thẳng thắn như trên khi yêu cầu các đại biểu góp ý tại Hội nghị tổng kết hoạt động của đoàn ĐBQH năm 2022, sáng 17/12.
Kiểm điểm lại hoạt động năm qua, ông Mãi cho rằng, hoạt động giám sát có tăng, các buổi tiếp xúc cử tri, tiếp dân có tăng. Nhưng theo ông, điều cần nhất trong hoạt động của Đoàn ĐBQH là chất lượng chứ không phải số lượng.
Phải thực sự đánh giá khách quan, xem cách thức giám sát tốt hơn chưa? Đã chọn đúng trọng điểm, trọng tâm để phát huy hiệu quả giám sát hay chưa?
Trong công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và ghi nhận ý kiến phản ánh, khiếu nại của công dân làm tốt chưa, nhất là kết quả giải quyết sau đó.
Theo ông Mãi, cần thẳng thắn nhìn nhận dưới mọi góc độ, để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, xây dựng kế hoạch hoạt động của Đoàn ĐBQH trong năm 2023 tốt hơn, chất lượng hơn.
Chia sẻ thêm với các đại biểu Quốc hội, ông Phan Văn Mãi cho rằng, dù đứng trên hai vai, nhưng ông luôn cố gắng hoàn thành trách nhiệm của mình.
Cụ thể, với vai trò là Trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM, ông cũng đã tham gia công tác giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân…để giải quyết các công việc đúng trọng tâm, đúng vai trò.
Với vai trò đứng đầu chính quyền TP.HCM (Chủ tịch TP.HCM), ông Mãi cho rằng, luôn lắng nghe các ý kiến góp ý thẳng thắn để hoàn thành tốt công việc. Theo ông, quan trọng nhất là xem xét đúng vấn đề, đúng trọng tâm để giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc. Từ đó, giúp việc điều hành của chính quyền tốt hơn.
“Đừng vì tôi là Chủ tịch UBND TP mà phải ngại ngần trong giám sát. Phải thắng thắn góp ý, vì chúng ta đang thực hiện công việc mà cử tri đòi hỏi”, ông Mãi thẳng thắn nói.
Về công tác xây dựng pháp luật, ông Mãi cho rằng cần quan tâm đến kết quả cuối cùng, tức là ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của người dân phải được thể hiện trong các văn bản pháp luật.
Đối với các phản ánh của cử tri, ông Mãi yêu cầu các đại biểu thể hiện trách nhiệm bằng cách đeo bám quyết liệt, đến khi có kết quả cuối cùng.
Đặc biệt, ông yêu cầu các đại biểu quan tâm đến các vấn đề tồn đọng, kéo dài. Trong đó, ông nêu bật các vụ việc tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu Công nghệ cao…đã kéo dài trên 20 năm thì từng đại biểu, kể cả ông sẽ quan tâm giải quyết.
Vì sao chưa thể xóa dự án treo trên địa bàn?
Góp ý tại hội nghị, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM) cho rằng, từng đại biểu cần rà soát lại các vấn đề ở khu vực mình ứng cử, xem các kiến nghị của cử tri đã giải quyết đến đâu?
Theo ông Nhân, có những câu chuyện nhiều năm cử tri phản ánh mà chưa giải quyết được là các dự án treo.
Ông đơn cử thực tế tại quận Bình Tân, nơi ông ứng cử, người dân phản ánh nhiều dự án 'treo quá dài', ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của họ mà chưa ai giải quyết.
Qua đó, ông đề nghị, trong năm tới, chính quyền thành phố cần chỉ đạo các quận, huyện... rà soát các dự án treo, phân loại lý do treo để xử lý.
Còn đại biểu Trần Kim Yến (Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM) cho rằng, các dự án treo kéo dài quá lâu, ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi của người dân. Cần rà soát lại, nếu dự án nào không khả thi thì thành phố mạnh dạn hủy bỏ để trả lại quyền lợi cho nhân dân.
Trước góp ý của đại biểu, ông Phan Văn Mãi cho biết, sẽ chỉ đạo các quận, huyện rà soát vấn đề này và trên tư cách Trưởng Đoàn ĐBQH sẽ đốc thúc các đại biểu đeo bám vấn đề trên quyết liệt hơn.