Sóc Trăng là tỉnh có tín ngưỡng tôn giáo rất phong phú, mang bản sắc văn hóa đặc trưng ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, trong đó Phật giáo luôn là một nhân tố quan trọng góp phần làm nên những giá trị tôn giáo.
Đặc biệt, những ngôi chùa của đồng bào Khmer là sự kết tinh từ nghệ thuật truyền thống và tính sáng tạo của dân tộc với những nét văn hóa đặc sắc đầy ấn tượng, là một chỉnh thể nghệ thuật được kết hợp hài hòa các yếu tố kiến trúc, hội họa, hoa văn trang trí... Đây chính là nơi chứa đựng những giá trị tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa sâu sắc của dân tộc Khmer.
Chùa trong tâm thức người Khmer
Hiện nay ở Sóc Trăng có 92 ngôi chùa Khmer. Với người Khmer, chùa là nơi thiêng liêng, nơi thờ Phật, nơi gửi gắm niềm tin qua những việc làm hiện tại và ước mong, hy vọng ở tương lai. Ngôi chùa gắn bó với mỗi người dân Khmer gần như suốt cuộc đời, từ lúc sinh ra, trưởng thành cho đến khi lìa xa trần thế, bởi với họ, “sống vào chùa gửi thân, chết vào chùa gửi cốt”.
Các ngày tuần tiết trong tháng, mọi người đều đến chùa lễ Phật, niệm Phật, tụng kinh. Các thành viên trong cộng đồng đều tôn thờ Đức Phật, kính trọng sư sãi. Người dân dù ở lứa tuổi nào cũng đều đi chùa.
Chùa Khleang ở thành phố Sóc Trăng được xây dựng cách đây khoảng 500 năm.
Chị Thạch Thị Loan, Di sản viên tại Nhà trưng bày văn hóa Khmer tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Đời sống của người Khmer ảnh hưởng rất nhiều vào Phật giáo. Ví dụ khi mới sinh ra được 1 tháng thì phải làm cơm canh mang vào chùa để xin sư ban phước lành. Đến khi trưởng thành, đến tuổi kết hôn thì người đàn ông sẽ đến chùa để học về Phật giáo, về kiến thức.
Nhìn chung, người Khmer phát triển rất toàn diện về khoa học, kỹ thuật, chữ viết. Họ đến chùa chủ yếu để học, để tu, sau đó đến một trình độ nhất định thì họ sẽ xuất gia và dùng những kiến thức học được trong chùa để xây dựng đời sống, xây dựng kinh tế gia đình.
Đám cưới, đám tang của người Khmer đều có sự tham gia của các vị sư sãi. Người Khmer thờ tổ tiên tại các ngôi chùa”.
Ngôi chùa Khmer có rất nhiều chức năng: chùa là trung tâm tín ngưỡng, tôn giáo của người Khmer, là trung tâm văn hoá của cộng đồng, nơi diễn ra các lễ hội của phum, sóc. Chùa Khmer cũng như một trường học, là nơi giáo dục đạo đức, phong cách làm người, trường vừa dạy chữ cho trẻ em, vừa đào tạo kỹ năng lao động cho thanh niên tu học trong chùa. Chùa là thư viện, là bảo tàng lưu giữ tất cả những giá trị vật chất cũng như các giá trị về mặt tinh thần của người Khmer…
Vì vậy, việc đóng góp để xây dựng chùa được coi như một khoán ước đảm bảo hạnh phúc cho cuộc sống hiện tại và vĩnh hằng của mỗi kiếp người trên chốn trần gian. Dù ngôi nhà sinh sống hàng ngày của người dân còn đơn sơ, nhưng đồng bào Khmer không tiếc công sức, vật liệu quý để xây dựng nên những ngôi chùa nguy nga, đồ sộ giữa trung tâm phum, sóc. Những ngôi chùa cổ kính của người Khmer ở Sóc Trăng có niên đại khoảng 400 đến 600 năm như: chùa Kh’leang, chùa Bốn Mặt…
Để gìn giữ và phát huy hơn nữa giá trị của những ngôi chùa Khmer, trong những năm gần đây, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có chính sách bảo tồn và quảng bá rộng rãi hình ảnh của chùa Khmer. Nhiều ngôi chùa được tu sửa, trang trí khang trang, nhiều chùa được công nhận là di tích cấp quốc gia và được đưa vào danh sách điểm đến du lịch nhằm thu hút đông đảo du khách, phật tử trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái.
Phát huy giá trị nhân văn của Phật giáo
Với người Khmer Sóc Trăng, ngôi chùa là trường học để trẻ em đến học chữ, học nghề. Chùa là trung tâm vận động tổ chức việc đào tạo những kiến thức và hiểu biết về văn hóa, về bảo tồn và lưu giữ chữ viết, văn hóa Khmer. Bên cạnh hệ thống trường học, 92 ngôi chùa Khmer ở Sóc Trăng hiện nay thường xuyên mở các lớp dạy chữ Khmer cho con em phật tử.
Đối với những vị tu hành, đến chùa bên cạnh việc học Khmer ngữ, còn học Bali ngữ, học giáo lý, học về những truyền thống của người dân tộc Khmer. Ngoài ra, trong chùa còn đào tạo nghề, ví dụ đến chùa để học về chạm khắc hoa văn... Nhìn chung, khi đến chùa tu thì mọi người sẽ được học rất nhiều nên khi hoàn tục thì người ta biết làm thợ như thợ gỗ, thợ hồ, thợ xây, thợ vẽ, thợ kiến trúc…
Một số hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tại chùa Prey Chop, thị xã Vĩnh Châu.
Theo Thượng tọa Trần Văn Tha, Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Sóc Trăng, việc dạy chữ Khmer ở các chùa Phật giáo Nam tông đã trở thành truyền thống, giúp thế hệ trẻ biết đọc, viết chữ dân tộc mình, góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer.
“Nhà chùa là nơi để tập trung phật tử, cũng là nơi để hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, theo Phật giáo Theravada từ lâu đời. Nhà chùa còn là nơi để tập trung những văn hóa của người dân tộc Khmer, hay nhà chùa còn gọi là trung tâm văn hóa của dân tộc Khmer cho nên đối với giới Phật giáo, đối với người Khmer thì nhà chùa rất quan trọng”, Thượng tọa Trần Văn Tha cho biết.
Những năm qua, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại tỉnh Sóc Trăng được đảm bảo theo quy định của pháp luật; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có đồng bào dân tộc được củng cố, tăng cường.
Ông Lý Vol, Trưởng Ban quản trị chùa Sê Rây Tà Mơn, huyện Trần Đề chia sẻ: “Hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo luôn được chính quyền địa phương quan tâm. Không chỉ riêng chùa Sê Rây Tà Mơn mà các ngôi chùa khác trên địa bàn Sóc Trăng, đồng bào phật tử được quyền tự do tín ngưỡng, không ép buộc.
Trong các buổi sinh hoạt tôn giáo, ngoài thuyết pháp, giảng về đạo lý nhà Phật, trụ trì các chùa còn tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Nhà nước, tư vấn, định hướng bà con làm ăn, đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đất nước; tránh xa những thói hư, tật xấu”.