Nhân dịp năm mới Giáp Thìn, ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Chứng khoán KB Hàn Quốc chia sẻ về những mong đợi của một người trong nghề về vị thế mới cho thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam và những triển vọng sau khi nâng hạng lên thị trường mới nổi (emerging market).
Kinh tế phát triển mạnh, chờ một vị thế TTCK xứng tầm
Có một thực tế đáng suy ngẫm, Việt Nam là một ngôi sao đang lên trong khu vực Đông Nam Á, với tăng trưởng kinh tế liên tục thuộc hàng đầu khu vực. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 theo WB và HSBC dự báo sẽ cao thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và nằm trong top cao toàn cầu.
Tuy nhiên, TTCK Việt Nam về quy mô và vị thế mới chỉ hơn Lào và Myanmar. Các nước Philippines, Indonesia, Malaysia đã được xếp hạng là thị trường mới nổi. Thậm chí, chứng khoán Singapore được xếp ở hạng thị trường phát triển.
Trong năm 2023, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng thêm hơn 30 tỷ USD, tiệm cận ngưỡng 240 tỷ USD, tương ứng với 56% GDP.
Mặc dù kinh tế phát triển ấn tượng nhưng quy mô vốn hóa của TTCK Việt Nam có xu hướng chững lại. Trong năm 2023, không có doanh nghiệp quy mô lớn, có tên tuổi nào niêm yết cổ phiếu. Vốn hóa chứng khoán Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa với các thị trường láng giềng trong khu vực. TTCK Indonesia hiện có vốn hóa 670 tỷ USD, trong khi Singapore đã đạt ngưỡng 700 tỷ USD.
Việc nâng hạng TTCK đang được các nhà đầu tư mong đợi hơn bao giờ hết. Chính phủ và các cơ quan chức năng cũng đang nỗ lực để giúp nâng hạng thị trường.
Việc nâng hạng sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn. Việt Nam sẽ thu hút được nguồn vốn lớn trực tiếp và gián tiếp từ các nhà đầu tư nước ngoài, từ các tổ chức và định chế tài chính lớn trên thế giới. Khi đó, thanh khoản trên TTCK cũng sẽ dồi dào. TTCK sẽ thực sự trở thành kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp bên cạnh các kênh trái phiếu và tín dụng.
Vào những ngày cuối cùng của năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký quyết định phê duyệt chiến lược phát triển TTCK đến năm 2023 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng TTCK của các tổ chức quốc tế. Hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.
Với sự điều hành tích cực của Chính phủ và sự nỗ lực của các bộ, ban, ngành trong thời gian qua, việc nâng hạng TTCK với cái mốc năm 2025 không còn xa vời.
Về lý thuyết, sớm nhất TTCK có thể được nâng hạng trong kỳ đánh giá vào tháng 9 năm nay hoặc có thể là trong kỳ tháng 3/2025. Đó sẽ là cú hích lớn cho thị trường vượt ngoài triển vọng tăng trưởng lợi nhuận. Thanh khoản thị trường có thể nhanh chóng trở lại ngưỡng tỷ USD/phiên, thậm chí 2-3 tỷ USD/phiên. Chỉ số VN-Index có thể bứt phá rất mạnh. Theo thống kê trên thế giới, khi một thị trường cận biên ở mức kỳ vọng đến khi hoàn thành mục tiêu, chỉ số thường tăng ít nhất 35%. Do vậy, kỳ vọng chỉ số VN-Index vọng đạt tới 1.800-1.900 điểm khi nâng hạng là hoàn toàn có thể.
Cùng với việc nâng hạng, quy mô thị trường cũng được kỳ vọng tăng lên nhanh chóng, hướng tới mục tiêu 100% GDP vào năm 2025 và kỳ vọng 120% GDP vào năm 2030 với số lượng nhà đầu tư sẽ đạt mốc 10 triệu tài khoản hoạt động.
Cần gì để nâng hạng?
Có thể thấy, từ đầu năm 2022, Chính phủ đã mạnh tay tái cấu trúc lại TTCK, chỉnh đốn lại các phương thức hoạt động của các công ty thành viên của sở giao dịch cũng như tăng cường sự giám sát, thường xuyên thanh, kiểm tra hoạt động của các công ty niêm yết. Đồng thời, minh bạch hóa các hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nâng cao uy tín TTCK Việt Nam trên bình diện quốc tế, tạo sự yên tâm cho giới đầu tư chứng khoán Việt Nam cũng như nhà đầu tư nước ngoài.
Tất cả sự cố gắng và nỗ lực của Chính phủ, của các bộ, ban, ngành cũng như sự chung tay của các đơn vị thành viên của sở giao dịch chứng khoán nhằm mục tiêu trước mắt đưa TTCK lên thị trường mới nổi vào năm 2025.
Dù đã đạt được nhiều bước tiến nhưng trước mắt vướng mắc vẫn còn và cần được giải quyết.
Đó là một hệ thống giao dịch công nghệ Hàn Quốc KRX dù các bên liên quan đã rất cố gắng nhưng đã trễ hẹn trong năm 2023. Việc "go live" của hệ thống KRX được chuyển sang năm 2024. Đây là mục tiêu quan trọng nhất hiện nay.
Sau khi KRX đi vào hoạt động, cũng cần có một trung tâm thanh toán bù trừ đảm bảo thông suốt các hoạt động mua bán hai chiều cũng như đại diện cho cả người bán và người mua trên thị trường chứng khoán.
Và khi KRX cũng như trung tâm bù trừ thanh toán được đưa vào vận hành, các nhà đầu tư nước ngoài có thể mua bán ký quỹ thay vì phải có đủ tiền mặt cho lượng cổ phiếu muốn mua như hiện nay.
Điều này sẽ giúp tăng sức mua của các quỹ ngoại thêm nhiều tỷ USD. Hoạt động trading của khối ngoại sẽ năng động hơn, dựa vào tài sản là các cổ phiếu được mua bằng tiền mặt đang có sẵn trên tài khoản. Nó cũng chấm dứt yêu cầu "ký quỹ trước giao dịch" (pre-funding) đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Đây là rào cản chính ngăn cản TTCK Việt Nam được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi thời gian qua. Việc loại bỏ pre-funding cũng phù hợp với thông lệ quốc tế áp dụng đối với các thị trường mới nổi hoặc cao hơn là thị trường phát triển.
Bên cạnh đó còn là vấn đề room ngoại. Có thể dễ dàng nhận thấy hiện nay trên thị trường một số cổ phiếu tốt không mở room ngoại trong nhiều năm. Và nó là rào cản khiến các định chế tài chính lớn không thể tham gia, như trong trường hợp FPT, ACB, GMD, TPB, VIB…
Để khắc phục vấn đề này, có thể học nước láng giềng Thái Lan. Nước này phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết - non voting depositary receipt (NVDP), giúp các nhà đầu tư ngoại có thể đầu tư cổ phiếu họ yêu thích. Trong khi vẫn đạt được mong muốn của doanh nghiệp Việt Nam là không mất quyền sở hữu hay phủ quyết. Thái Lan đã ghi nhận thanh khoản tăng mạnh nhờ phát hành NVDR.
Vào những ngày cuối năm Quý Mão, thanh khoản trên TTCK tụt giảm như thường thấy trước mỗi dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, TTCK được kỳ vọng sẽ tăng tốc sau kỳ nghỉ. Thị trường sẽ đón năm Thìn với hình tượng con rồng đầy mạnh mẽ. Những quyết tâm của Chính phủ, của các bộ, ban, ngành cho một vị thế mới của TTCK sẽ giúp TTCK thăng hoa.
Với những tín hiệu trên biểu đồ dài hạn xuất hiện gần đây, VN-Index hứa hẹn có đợt tăng giá mạnh và dài lần thứ 3 trong lịch sử TTCK Việt Nam. Hai lần trước xuất hiện vào các năm 2005 (với kỳ vọng Việt Nam gia nhập WTO) và 2020 (do nới lỏng tiền tệ toàn cầu trong đó có Việt Nam). Mỗi lần các tín hiệu đáng tin cậy này xuất hiện, sóng tăng giá thường kéo dài 2-3 năm.
Trong lần này, Mỹ đang trong quá trình đảo chiều chính sách tiền tệ, chuẩn bị giảm lãi suất kéo dài. Nền kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực với việc nâng cấp quan hệ với nhiều đối tác lớn trên thế giới, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nhật và có mối quan hệ ngày càng tốt với Ấn Độ, Úc… TTCK cũng được kỳ vọng nâng hạng.
Nguyễn Đức Nhân