“Vai diễn” đầu tiên
Chờ tạnh mưa trong quán cà phê quen, Trần Hải (27 tuổi, TP.Thủ Đức, TP.HCM) bật nguồn chiếc điện thoại thứ 2. Sau khi kiểm tra tin nhắn, cuộc gọi nhỡ, Hải truy cập vào mạng xã hội cá nhân bằng tài khoản bí mật.
Từng đóng vai chú rể giả trong các đám cưới trên danh nghĩa, Hải vô cùng cẩn trọng khi sử dụng mạng xã hội. Chàng trai hầu như không đăng ảnh cá nhân lên tài khoản của mình. Nếu có, anh chỉ đăng tải những hình ảnh không rõ mặt hoặc mờ ảo, chắc chắn không ai nhận ra mình.
Hải đến với công việc làm chú rể giả một cách tình cờ. Đây không phải là công việc chính, đem lại thu nhập ổn định cho Hải. Bởi, có khi vài tháng, thậm chí cả năm, Hải mới được thuê đóng vai chú rể giả một lần.
Hải tâm sự: “Không ai gọi làm chú rể giả là một nghề. Và cũng không ai làm công việc này thường xuyên được. Bởi, đây là công việc đòi hỏi tính bảo mật cao. Xuất hiện càng nhiều, mình càng dễ bị lộ.
Bởi vậy, lâu lâu người ta mới gọi tôi làm chú rể giả một lần. Nhưng không phải đám cưới nào tôi cũng nhận lời. Tôi có quy tắc riêng của mình”.
Quy tắc đầu tiên của Hải là người thuê phải chi trả một mức thù lao xứng đáng. Hải giải thích, để làm việc này, anh phải đánh đổi nhiều thứ như: không xuất hiện trên mạng xã hội, không yêu đương, kết hôn trong một thời gian dài sau khi làm chú rể giả…
Ngoài ra, Hải chỉ nhận lời làm chú rể cho các cô dâu có hoàn cảnh đặc biệt. Anh không hợp tác dù được trả tiền công cao cho các đám cưới giả với mục đích lừa đảo, che giấu giới tính…
Chính quy tắc thứ 2 này khiến Hải rơi vào tình huống bi hài ngay trong lần nhận “vai diễn” đầu tiên. Đó là lần Hải được anh N., người có kinh nghiệm 10 năm trong dịch vụ cho thuê cô dâu, chú rể tại TP.HCM đề nghị làm chú rể giả cho cô gái tên Mỹ Lệ ở tỉnh Trà Vinh.
Lúc đến gặp N., Mỹ Lệ 22 tuổi. Sau khi bị bạn trai lừa tình, bỏ rơi ngay lần yêu đầu, Lệ ác cảm với đàn ông. Cô không thể yêu thêm và sống khép kín, vùi mình trong trại trồng nấm.
Tuy vậy, bố mẹ của Lệ không hề thấu hiểu những khổ tâm của con gái. Ông bà luôn mong Lệ lấy chồng, sinh cháu cho mình. Mong ước này càng được đẩy lên cao trào khi bố của Lệ phát hiện mình mắc ung thư giai đoạn cuối.
Trong những tháng ngày cuối đời của mình, ông chỉ ao ước được chứng kiến cảnh con gái lên xe hoa. Thương bố, Lệ bàn với mẹ thực hiện đám cưới giả để ông yên lòng, sống vui những ngày còn lại.
Sự cố bất ngờ
Cô gái giới thiệu với mẹ dịch vụ thuê chú rể của N. và quyết định nhờ N. tìm giúp người phù hợp. Thương chồng, mong muốn ông ra đi thanh thản, mẹ của Lệ đồng ý.
Ngay sau đó, cô gái trẻ liên hệ N. để ký hợp đồng thuê chú rể giả. Tiêu chí của Lệ đặt ra là chú rể giả phải có học thức, tính tình hiền lành, thân thể không có hình xăm.
Qua sàng lọc, N. nhớ đến Hải, cậu sinh viên chuyên ngành điện lạnh mới ra trường, chưa có việc làm. Hải thỏa mãn mọi tiêu chí do Lệ đặt ra nên N. tiếp cận, giới thiệu công việc đóng giả chú rể cho cô gái miền Tây.
Hải kể: “Sau khi gặp gỡ trực tiếp, nghe hoàn cảnh của cô gái, tôi rất xúc động, cảm thông. Tôi nhận lời làm chú rể giả cho cô ấy với mức thù lao khá lớn. Theo kịch bản, tôi sẽ là người yêu của Lệ, theo cô ấy về ra mắt gia đình.
Ba tháng sau, tôi sẽ lại về quê của Lệ để nói chuyện cưới xin với lý do bị cha mẹ thúc giục. Ngày làm lễ vu quy, công ty của anh N. sẽ cử thêm 5 người đóng vai bố mẹ, họ hàng nhà trai đến làm lễ. Sau đó, 5 người này về trước, tôi ở lại nhà Lệ thêm một ngày đêm”.
Sau khi kế hoạch được thông qua, Hải cùng Lệ về quê ra mắt gia đình. Nam thanh niên lập tức chiếm được cảm tình của gia đình nhà gái. Từ đó, mỗi tháng một lần, Hải đều đặn về thăm quê người yêu giả.
Đến tháng thứ 3, theo kế hoạch, Hải hỏi cưới Lệ. Dĩ nhiên, mẹ của Lệ đồng ý ngay. Cuối tháng đó, Lệ và Hải tổ chức lễ vu quy giả giản đơn nhưng ấm cúng tại tư gia.
Khi buổi lễ bắt đầu, Hải thấy lạ vì không thấy sự xuất hiện của bố cô dâu. Tuy nhiên, nam thanh niên không lo lắng bởi được thông báo sức khỏe ông không tốt nên không đến dự.
Hải không bao giờ ngờ rằng mình sắp lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười, không thể quên suốt phần đời còn lại. Tàn tiệc, lúc khách mời đã về hết, Hải sững sờ nghe Lệ báo tin bố của cô đã qua đời trước khi buổi lễ vu quy diễn ra ít giờ.
Vì không muốn bà con, khách mời mất vui, lo lắng, gia đình đã giấu Hải, để anh diễn cho tròn vở kịch đám cưới giả. Nói xong, Lệ và mẹ òa khóc trước nỗi đau mất cha, mất chồng.
Hải nhớ lại: “Thế rồi rạp đám cưới thành nơi viếng tang. Tôi là chú rể giả nhưng buộc phải ở lại chịu tang bố vợ trên danh nghĩa. Theo hợp đồng, tôi chỉ phải ở lại nhà gái một ngày đêm.
Nhưng vì sự cố không mong muốn và thương hoàn cảnh của Lệ, tôi ở lại giúp gia đình lo đám tang cho người đã khuất xong mới về thành phố. Mấy ngày kẹt lại trong đám tang, tôi không chỉ mệt mỏi về thể xác mà tâm can luôn bị giằng xé.
Tôi cảm thấy có lỗi với người đã khuất. Cho đến khi được mẹ của Lệ nói, dù là cưới giả nhưng tôi đã thể hiện tận hiếu như một người con rể thật trong ngày tiễn đưa chồng bà về nơi an nghỉ, tôi mới có chút nhẹ lòng”.
Tiết thu dịu mát báo hiệu mùa cưới đang rộn ràng. Đôi lứa hân hoan chụp ảnh cưới, trang trí nhà cửa, mời khách… Trong niềm vui kết đôi, mùa cưới mang đến biết bao câu chuyện cảm động nhưng cũng không ít chuyện dở khóc dở cười. VietNamNet giới thiệu tuyến bài Chuyện mùa cưới với những chia sẻ của người trong cuộc. |
*Tên nhân vật đã được thay đổi