Ngay khi năm học 2022-2023 bắt đầu, các vụ bạo lực liên quan tới giáo viên, học trò đã liên tục xảy ra cả trong và ngoài trường học. Nhiều giáo viên và nhà quản lý giáo dục bày tỏ sự lo lắng rằng vấn nạn bạo lực học đường đang diễn ra ngày một phức tạp.
Bạo lực học đường luôn là nỗi ám ảnh
"Bạo lực học đường luôn là nỗi đau, nỗi ám ảnh đối với ngành giáo dục" - Đây là cảm nhận của thầy Nguyễn Quang Hợp (tỉnh Yên Bái).
Theo thầy Hợp, bạo lực học đường thường do một số học sinh không hạnh phúc gây ra, khi các em có môi trường hoặc hoàn cảnh gia đình không tốt. Do đó, thầy Hợp cho rằng cần thay đổi môi trường giáo dục dạy - học trong nhà trường bằng cách xây dựng trường học hạnh phúc, nơi người thầy và học sinh được rút ngắn khoảng cách, sẻ chia và thấu hiểu nhiều hơn.
Còn theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Ân Nghĩa (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình) - ông Hà Anh Tuấn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường hiện nay.
“Ý kiến của cá nhân tôi thấy rằng hoàn cảnh gia đình là một lý do khá lớn. Thứ nữa, học sinh có tâm lý lứa tuổi mới lớn, dễ đi theo bạn bè..." - thầy giáo này nói.
Một lý do nữa được thầy Tuấn nhấn mạnh là thời gian gần đây, mạng xã hội Facebook, Tiktok phát triển như vũ bão. Nhiều bạn trẻ thấy người khác đăng tải hình ảnh, clip đánh nhau nên cũng muốn bắt chước, thể hiện mình.
GS Peck Cho (Đại học Korea - Hàn Quốc) - Cố vấn giáo dục của Chính phủ Hàn Quốc - cũng nhìn nhận bạo lực học đường hiện nay là vấn nạn đang rất nghiêm trọng.
Theo GS Peck Cho, vấn nạn bạo lực học đường do những tổn thương các trẻ mang đến trường. Những tổn thương ấy có thể xảy đến ngay cả khi các em còn là những đứa trẻ nhỏ.
“Nếu những đứa con không thể kết nối được với cha mẹ, mất kết nối, mất niềm tin, lo lắng… thì khi chúng lớn dần lên sẽ bắt đầu thể hiện những vấn đề liên quan đến rối loạn hay tổn thương tâm lý.
Vậy nên, bạo lực học đường không phải vấn nạn ở trường, không phải vấn đề của trường học mà nó là vấn đề quốc gia. Và tất cả những nhà giáo dục cần có kiến thức, tất cả mọi người trong xã hội đều phải coi trọng vấn đề này để hành động” - ông nói.
GS Hà Vĩnh Thọ - người sáng lập Học Viện Eurasia vì Hạnh Phúc và An Lạc - thì chia sẻ: “Khi nghe tới bạo lực học đường, một điều tự nhiên đó là chúng ta thông cảm với nạn nhân và phán xét người bắt nạt. Đó là phản ứng rất tự nhiên.
Thế nhưng, chúng ta cần phải nhận thức rằng thực chất người đi bắt nạt lại là người cần được giúp đỡ, bởi vì sự mong manh, đau khổ mà người đó đang đi qua được biểu hiện qua một cách không khéo léo. Cách mà họ đang biểu hiện là tiếng khóc, tiếng gọi tôi cần được giúp đỡ”.
Theo GS Hà Vĩnh Thọ, nếu phản ứng bằng cách trách phạt, mắng nhiếc người ức hiếp thì chỉ châm thêm dầu vào lửa, làm sự đau khổ của các em leo thang.
"Vậy nên, chúng ta phải luôn luôn nghĩ rằng người bị bạo hành hay kẻ ức hiếp đều là nạn nhân, đều cần được hỗ trợ" - ông Thọ khẳng định.
Ngăn chặn bạo lực học đường như thế nào?
Để ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường, thầy Hà Anh Tuấn cho biết thời gian qua, Trường Tiểu học và THCS Ân Nghĩa đã kết hợp với các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là tổ chức Đội thiếu niên tiền phong, Hội cha mẹ học sinh tuyên truyền cho học sinh.
"Để quản lý gần 1.400 học sinh, chúng tôi có đội Sao đỏ từng khối lớp theo sát và từ lớp 3 trở lên. Trường còn lập ra đường dây nóng, khi có hiện tượng, biểu hiện bạo lực học đường học sinh sẽ gọi ngay vào số điện thoại này hoặc gọi trực tiếp giáo viên chủ nhiệm” - thầy Tuấn cho biết.
GS Hà Vĩnh Thọ chia sẻ: “Có rất nhiều phương pháp mang tính thực tiễn, thực tế để can thiệp vào vấn đề này. Một trong những công cụ có tên là công lý phục hồi, có nghĩa rằng trong phương pháp đó chúng ta tạo ra một cơ hội để cả nạn nhân cũng như người tạo sự ức hiếp đó được đối thoại, chia sẻ với nhau”.
GS Thọ cũng đưa ra giải pháp khác đó là nhà trường có thể tập huấn, hỗ trợ, xây dựng những đội ngũ học sinh là người hòa giải khi xảy ra bạo lực học đường…
“Bạo lực học đường không diễn ra ở tầm một cá nhân mà mang tính hệ thống… Vậy nên, việc chúng ta tạo ra một hệ sinh thái hạnh phúc đó là học sinh giáo viên, nhà trường quản lý nhà trường và cả chính quyền nữa là cách duy nhất để có thể giải quyết gốc rễ vấn đề. Và các thầy cô là hạt giống của hệ sinh thái đó” - GS Hà Vĩnh Thọ cho hay.
Trong khi đó, GS Peck Cho cho biết “Dựa vào kinh nghiệm của mình, tôi muốn nói là không có giải pháp nào dễ dàng với vấn nạn này.
Bạo lực học đường ở Việt Nam nếu so sánh với Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ hay châu Âu thì mới đang ở giai đoạn bắt đầu. Và tôi nghĩ những năm tiếp theo nó còn tồi tệ hơn nữa.
Vậy nên, thời điểm này chúng ta phải làm ngay, hãy làm tất cả những gì có thể, kể cả những điều nhỏ nhất…” - GS Peck Cho nhấn mạnh.
Hơn 53 nghìn học sinh Hàn Quốc bị bạo lực học đường khi trường học mở cửa hậu Covid-19 Bộ Giáo dục Hàn Quốc vừa công bố kết quả một cuộc khảo sát về bạo lực học đường do các văn phòng giáo dục địa phương trên khắp Hàn Quốc thực hiện (ngoại trừ Văn phòng Giáo dục tỉnh Bắc Jeolla do tỉnh này quyết định thực hiện một cuộc khảo sát riêng). Khoảng 3,21 triệu trong số 3,87 triệu học sinh tham gia cuộc khảo sát, đánh dấu tỷ lệ phản hồi 82,9%. Cuộc khảo sát được tiến hành từ ngày 11/4-18/5/2022. Trong cuộc khảo sát, 53.880 học sinh - 1,7% số người được hỏi - trả lời rằng các em đã từng bị bạo lực học đường trong khoảng thời gian từ học kỳ 2 năm 2021 đến học kỳ 1 năm 2022. Đây là con số cao nhất trong nhiều năm. Trước đó, mặc dù tình trạng bạo lực học đường tăng lên trong giai đoạn 2016-2019 nhưng số liệu vẫn ở mức tương đối thấp vào năm 2020 và 2021. Bộ Giáo dục Hàn Quốc giải thích sự gia tăng số lượng học sinh bị bạo lực học đường có thể là do các trường học trở lại trạng thái bình thường với các lớp học trực tiếp. Có 3,8% học sinh tiểu học, 0,9% học sinh trung học cơ sở và 0,3% học sinh trung học phổ thông cho biết họ từng bị bạo lực học đường. Trong số những người bị bạo lực học đường, 41,8% cho biết họ đã bị bạo lực bằng lời nói, 14,6% bạo lực thể chất và 13,3% bị bắt nạt. Tỷ lệ bắt nạt trên mạng, tăng lên 12,3% vào năm 2020 do có nhiều lớp học trực tuyến hơn, đã giảm xuống 9,8% vào năm 2021 và xuống 9,6% vào năm 2022. Theo Korea Herald |