trang1.jpg
Hoàng Mai Trang luôn cố gắng nấu những mâm cơm đậm vị quê nhà khi sống ở Dubai

Sống và làm việc ở thành phố Dubai (Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất) đã 8 năm nay, Hoàng Mai Trang luôn cố gắng nấu những bữa cơm đậm chất Việt mỗi ngày. 

Người phụ nữ 33 tuổi cho biết, sang Dubai từ năm 2016, cô từng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên liệu để nấu món ăn Việt.

Không giống như bây giờ, thời điểm Trang mới sang, cộng đồng người Việt ở Dubai chưa nhiều, các ứng dụng giao hàng cũng chưa phát triển.

“Thời gian đầu, khi chưa tìm được nguyên liệu cần thiết, tôi chỉ nấu những món dã chiến với các nguyên liệu có sẵn trong siêu thị”.

com viet 3.jpg
Những nguyên liệu hết sức quen thuộc ở Việt Nam nhưng tại Dubai thì phải tìm kiếm, gom góp mất nhiều công sức

Trang thường phải đi rất xa nơi ở và tìm kiếm ở nhiều siêu thị khác nhau để có được nguyên liệu Việt, đôi khi là với giá “cắt cổ”. Cứ thấy nguyên liệu nào có thể nấu món Việt là cô gom về trữ để nấu dần. 

“Khi nào không đi mua được, tôi chỉ có thể ăn cơm nhân viên trong công ty.

Bữa ăn của công ty thời điểm đó là buffet tổng hợp ẩm thực từ vùng Trung Đông, Ấn Độ và Philippines, có khi còn không có cơm loại gạo thơm (jasmine) mà là loại gạo basmati (loại gạo phổ biến trong ẩm thực Ấn Độ và khu vực Nam Á - PV).

Người Việt mình ăn sẽ thấy không hợp lắm nên thường tôi sẽ chọn ăn món Philippines vì có vài phần tương đồng với Việt Nam. 

Khi đó, tôi làm công việc buồng phòng khách sạn – một công việc nặng nhọc. Chuyện ăn uống không hợp khẩu vị khiến tôi nhiều khi căng thẳng. Tôi chứng kiến nhiều bạn đồng hương làm chung bỏ về Việt Nam giữa chừng vì ăn uống khó khăn”. 

com viet 4.jpg
Tô bún bò chinh phục hầu hết bạn bè của Trang

Trang nhớ, lần đầu tiên để nấu được tô bún bò, cô đã phải gom góp nguyên liệu trong gần 2 tuần, phải đi tàu điện ngầm và đi bộ rất xa để mua được các nguyên liệu cần thiết ở nhiều siêu thị khác nhau. 

“Lúc đó, tôi còn ở nhà tập thể. Bếp điện chỉ có 1 cái, cũng không có nồi to, khó khăn đủ đường nhưng tôi vẫn ráng nấu được một nồi bún bò để chia cho mọi người trong nhà ăn cùng. Tô bún bò đầu tiên chẳng được đầy đủ nhưng nó ngon dễ sợ” – Trang chia sẻ.

Ở Dubai, thứ khó kiếm nhất có lẽ là nước mắm, thịt lợn và các loại rau củ quả. Trang cho biết, nước mắm ở Dubai có nhiều loại của Thái Lan, Philippines,... nhưng thường sẽ không được ngon như nước mắm Việt Nam và điều đó sẽ làm ảnh hưởng tới vị ngon của món ăn. 

“Rau thơm ở đây chỉ có ngò (mùi) và lá húng lủi (bạc hà), thì là,… còn rau răm, ngò om (rau ngổ), ngò gai (mùi tàu), kinh giới, diếp cá hầu như là phải xách tay từ Việt Nam sang hoặc phải lược bỏ bớt trong món ăn.

Nhiều khi mua được bó rau răm, tôi mừng dữ lắm. Tôi sẽ tận dụng 200 gram rau răm để nấu đủ món. Gần đây, tôi cũng lấy thân cây rau thơm trồng thử để có thể chủ động hơn”.

com viet 8.jpg
Một mâm gỏi cuốn đủ bộ 3 loại nước chấm: Nước mắm chua ngọt, tương đậu phộng, mắm nêm. Đồ chua, đậu phộng, rau thơm và hẹ là những gia vị không thể thiếu. Trang phải đi 3 siêu thị và mua thêm đồ xách tay của người Việt mang sang để nấu được bữa gỏi cuốn này.

Các loại rau củ quả ở Dubai không được đa dạng như ở Việt Nam. Đã lâu rồi Trang không được ăn canh xà lách xoong (cải xoong), canh bí đao, canh khoai mỡ, mướp hương xào,… Những loại rau rất đỗi quen thuộc ở Việt Nam nhưng rất khó tìm ở đây hoặc phải mua với giá còn đắt hơn thịt cá, Trang nói. 

Ngoài ra, vì đây là đất nước theo đạo Hồi nên việc bán thịt lợn không phổ biến và đa số là thịt đông lạnh. Hồi mới sang, cô còn tưởng ở đây hoàn toàn không bán thịt lợn. Sau này, Trang mới biết có những chuỗi siêu thị có bán và thường đặt ở một góc khuất sâu của siêu thị.

Bây giờ, Trang đã giỏi hơn rất nhiều trong việc “truy lùng” nguyên liệu Việt, đến mức bạn bè đặt biệt danh cho cô là “thổ địa Dubai”. 

Trong các cuộc tụ tập bạn bè để ăn đồ Việt, Trang thường là người tìm kiếm nguyên liệu và nấu nướng. “Tôi vừa mua hàng xách tay của chị em người Việt bán, vừa mua mỗi thứ ở các siêu thị khác nhau, ví dụ mua thịt heo thì phải vào siêu thị Philippines; mua bún, mua gà vịt thì vào siêu thị Trung Quốc".

Chính vì khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên liệu mà mỗi lần về Việt Nam và trở lại Dubai, Trang lại chất đầy 2 vali toàn đồ khô, gia vị Việt. Lần về mới đây nhất, cô còn mang sang cả một thùng đồ ăn đông lạnh, gồm: Chả cá, chả lụa, pate, sợi bánh canh, khô cá dứa,...

com viet 1.jpg
Mẹt bún đậu mắm tôm Trang tự nấu với 80% nguyên liệu xách tay từ Việt Nam, từ lòng lợn tới rau diếp cá, bún tự ép từ đêm hôm trước. Cô còn cầu kì "lùng sục" được chiếc mẹt và lá chuối để trình bày cho "chuẩn Việt"

Hiện tại, một tuần cô nấu món Việt 4 - 5 ngày. Ngoài ra, nhờ tính chất công việc nên cô cũng may mắn được ăn món Việt thường xuyên. Công việc của cô là quản lý nhân sự và là quản lý chất lượng ẩm thực cho một chuỗi nhà hàng Việt Nam có tiếng tại Dubai.

Trang cũng từng nấu món Việt mời bạn bè đến từ nhiều quốc gia khác nhau, như: Philippines, Ấn Độ, Mexico, Ai Cập, Lebanon, Nam Phi, Colombia,... “Hầu như ai cũng mê món Việt, nhất là phở và bún bò Huế” – Trang chia sẻ. 

Một số món ăn Việt Nam do Trang nấu trong các dịp tụ tập với bạn bè:  

com viet 2.jpg
Món cháo lòng đậm vị quê nhà
com viet 11.jpg
Bánh bột lọc Trang tự đổ bằng khuôn silicon
com viet 13.jpg
Bánh hỏi ăn với thịt nướng và thịt lợn quay
com viet 15.jpg
Cơm sườn có đủ chả hấp, trứng ốp, sườn rán
com viet 16.jpg
Bữa cháo lòng tự nấu có giá gần 1 triệu đồng
com viet 17.jpg
Để có được gói xôi này, tối hôm trước Trang phải làm đồ chua, hành phi, mỡ hành. Một tuần trước đó, cô phải thu thập lạp xưởng, chả lụa, chà bông, gạo nếp, kiếm thêm lá chuối để bày cho "đúng bài"
com viet 19.jpg
Một mâm cơm đủ đầy ngày Tết
com viet 20.jpg
Thứ khó kiếm nhất trong mâm bánh xèo là rổ rau Việt
com viet 21.jpg
Một bữa cơm nhà giá tiền triệu vì chỉ riêng con cá đã hết 600 nghìn đồng, một lạng bông điên điển có giá 60 nghìn đồng

Ảnh: Nhân vật cung cấp