Chiều 7/11, Quốc hội tiếp tục hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Có nên chuyển thi sang xét tốt nghiệp THPT?
Tại phiên họp, ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định) nêu vấn đề: “Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, kiến thức phổ thông cơ bản được trang bị đến hết bậc THCS. THCS là dấu mốc rất quan trọng để tiếp tục thực hiện phân luồng học sinh. Nhưng hiện nay, khi kết thúc chương trình THCS, các học sinh không thi tốt nghiệp mà xét tốt nghiệp, trong khi kết thúc THPT lại thi tốt nghiệp. Theo Bộ trưởng GD-ĐT, có cần thay đổi lại, là tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THCS kết hợp với xét tuyển vào lớp 10 và xét tốt nghiệp THPT không?”
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, theo thiết kế chương trình giáo dục phổ thông 2018, bậc THCS là giai đoạn giáo dục mang tính cơ bản, nền tảng, tích hợp để trang bị những kiến thức cơ bản nhất của giáo dục phổ thông. Chương trình bậc THPT sẽ tăng cường yếu tố phân luồng, hướng nghiệp, tăng sự chủ động lựa chọn cho học sinh. Việc tổ chức dạy học tích hợp cũng như trang bị kiến thức ở bậc THCS đảm bảo cơ bản và nền tảng cũng đã được triển khai thực hiện trong thời gian qua.
Theo ông Sơn, nếu trong 12 năm phổ thông có quá nhiều kỳ thi sẽ rất nặng cho học sinh. Dư luận xã hội, phụ huynh và ngành giáo dục đều nhận thức cần giảm các kỳ thi khi kết thúc THCS để chuyển sang THPT.
“Kết thúc bậc THPT, dẫu đã là giai đoạn phân luồng hướng nghiệp, tuy nhiên vẫn trong phạm vi giáo dục phổ thông và để kết thúc 12 năm giáo dục phổ thông cần thiết có một kỳ thi tốt nghiệp, điều này đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục 2019.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT về mục đích và bản chất là để tốt nghiệp phổ thông, tuy nhiên còn để đánh giá kết quả học tập và là căn cứ để các trường đại học tuyển sinh. Vì những mục đích như vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn tiếp tục được tổ chức trong những năm tới”, ông Sơn nói.
Trong 2 năm xảy ra gần 700 vụ bạo lực học đường
ĐB Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) dẫn Báo cáo số 508 ngày 3/10/2023 của Chính phủ gửi đến các đại biểu đánh giá việc triển khai các nghị quyết của Quốc hội về lĩnh vực giáo dục và đào tạo và tại trang 54 có tự đánh giá tình trạng bạo lực học đường diễn ra phức tạp. “Theo Bộ trưởng, có những nguyên nhân nào gây ra tình trạng này và hướng khắc phục thật căn cơ của Bộ trong thời gian tới như thế nào?”, đại biểu đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết đây là vấn đề mà phiên chất vấn trước và trong một vài phiên trao đổi kinh tế - xã hội cũng được các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Ông Sơn cho hay, thống kê từ ngày 1/9/2021 đến ngày 5/11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường, liên quan đến 2.016 học sinh, trong đó có 854 học sinh nữ.
“Các diễn biến của bạo lực học đường khá phức tạp. Nếu tính tỷ lệ thì bình quân 50 cơ sở giáo dục xảy ra 1 vụ bạo lực học đường.
Số vụ bạo lực có nhiều học sinh tham gia xảy ra cả trong lẫn ngoài trường học. Số vụ bạo lực có số học sinh tham gia nhiều hơn, số học sinh nữ tham gia nhiều hơn... cũng là những điều khiến ngành GD-ĐT quan tâm, lo lắng, tìm mọi cách để cùng cả nước, các địa phương để xử lý vấn đề này”.
Theo Bộ trưởng GD-ĐT, có rất nhiều nguyên nhân.
“Từ phía ngành giáo dục, trong trường học là trách nhiệm trong việc phát hiện, xử lý những tình huống dẫn đến bạo lực vẫn đang giao cho giáo viên kiêm nhiệm các công việc tư vấn tâm lý và trách nhiệm của hiệu trưởng. Tuy nhiên, một phần các hiệu trưởng, giáo viên khi trực tiếp phát hiện tình huống dẫn đến bạo lực học đường vẫn còn lúng túng trong kỹ năng xử lý. Ngoài ra, qua quá trình dịch bệnh kéo dài, học sinh học online lâu nên xảy ra những vấn đề tâm lý, tâm sinh lý của lứa tuổi đang trưởng thành,...”, ông Sơn phân tích.
Bộ trưởng GD-ĐT cũng mong toàn xã hội quan tâm một khía cạnh khác.
“Theo thống kê của Tóa án nhân dân tối cao, hàng năm 220.000 vụ ly hôn có 70-80% có lý do liên quan đến xung đột, bạo lực gia đình. Với một tỷ lệ bạo lực gia đình như vậy, học sinh khi đó có thể vừa là người chứng kiến vừa là đối tượng bị bạo lực, bị bỏ rơi. Theo thống kê, số học sinh có bối cảnh bạo lực gia đình liên quan đến bạo lực trong nhà trường có tỷ lệ rất lớn. Cho nên việc ngăn chặn, giải quyết những vấn đề gia đình là việc rất quan trọng”.
Bên cạnh đó, theo ông Sơn, nguyên nhân cũng đến từ ảnh hưởng của mạng xã hội, phim ảnh với mô tip bạo lực tập thể, quay clip đưa lên mạng đang rất phổ biến. Vì vậy, Bộ trưởng GD-ĐT đề nghị các ngành liên quan hỗ trợ cùng ngành GD-ĐT giải quyết vấn đề này.