Đề xuất cho phép các cơ sở bảo dưỡng sửa chữa ô tô 3S, 4S chính hãng thực hiện dịch vụ kiểm định phương tiện vừa được Cục Đăng kiểm Việt Nam chia sẻ với báo chí. Đây là một trong nhiều giải pháp của Cục Đăng kiểm Việt Nam nhằm quản lý tốt hơn lĩnh vực kiểm định xe ô tô trong bối cảnh mới.
Dù mới chỉ là đề xuất nhưng đã có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh phương án trên.
Anh Đỗ Thành Nam (Hà Nội) cho rằng, phương án trên chỉ hợp lý đối với lần đăng kiểm đầu tiên. Đơn cử như xe mới xuất xưởng của Toyota thì các cơ sở 3S, 4S của đại lý được cấp giấy kiểm định lần đầu cho xe của Toyota chứ không được cấp cho hãng khác, đồng thời chịu trách nhiệm về kỹ thuật phương tiện với các sản phẩm của mình trong suốt thời gian đó.
Còn ở những lần đăng kiểm tiếp theo, những xe này vẫn phải tới các cơ quan đăng kiểm có chuyên môn, được giám sát chặt chẽ, minh bạch bởi Cục Đăng kiểm để tránh tình trạng "ưu ái" cho khách hàng của mình trong quá trình kiểm định.
Ở một góc nhìn khác, anh Dương Trung Kiên (Hải Dương) lo ngại các cơ sở bảo dưỡng chính hãng sẽ lợi dụng việc này để "moi tiền" khách hàng cũ bằng cách ép sử dụng các dịch vụ bảo dưỡng hoặc thay thế phụ tùng chính hãng mới cho đăng kiểm.
"Thực tế sẽ không tránh được trường hợp nhân viên kỹ thuật sẽ vẽ ra đủ các lỗi và bắt thay thế phụ tùng chính hãng với giá cắt cổ mới cho đăng kiểm. Đây chính là 'mỏ vàng' để các cơ sở bảo dưỡng xe khai thác, chỉ có chủ xe là thiệt", anh Kiên thẳng thắn bày tỏ.
Dưới góc độ của một người kinh doanh xe cũ, anh Vũ Văn Linh (Hà Nội) cũng cho rằng, nếu ở bên ngoài, chủ xe có thể thay thế phụ tùng, phụ kiện thoải mái, miễn là phù hợp với tiêu chuẩn thì khi đăng kiểm ở các cơ sở 3S, 4S chỉ có một sự lựa chọn là mua đồ chính hãng, thường là với giá cao hơn.
"Tiêu chuẩn của các hãng xe có thể khác nhau và khác với tiêu chuẩn đăng kiểm. Ví dụ, hãng thường bắt buộc cứ 50.000 km là phải thay lốp, nhưng chủ xe thấy lốp còn mới nên chưa thay thì bị hãng "tuýt còi", bắt thay lốp mới được cấp giấy đăng kiểm. Trong khi thực tế, tình trạng lốp xe còn phụ thuộc vào cách chăm sóc, điều kiện đường sá, môi trường,... Khi đăng kiểm dù lốp đi nhiều nhưng cứ đạt một số tiêu chuẩn an toàn là qua", anh Linh dẫn chứng.
Theo ông chủ showroom ô tô cũ này, khi các cơ sở bảo dưỡng chính hãng "khám xe" có thể gây ra tình trạng độc quyền của các hãng và phần thiệt thòi thuộc về các cửa hàng kinh doanh xe đã qua sử dụng, các xưởng sửa chữa và các đơn vị phân phối phụ tùng nhỏ lẻ.
Có thể nói, khá nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi", thậm chí gây ra cục bộ "con hát mẹ khen hay" tại các cơ sở bảo dưỡng của các hãng xe, nhất là các hãng có độ phủ rộng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để phương án trên khả thi thì cần rất nhiều thời gian nghiên cứu, đánh giá cũng như đưa ra bộ tiêu chí cụ thể cho các đại lý 3S, 4S,... Đồng thời, cần phải hoàn thiện cơ sở pháp lý, trong đó sửa lại một số nội dung trong Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Khoản 2, Điều 4 Nghị định này nêu rõ: "Tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới". Đề xuất mới của Cục Đăng kiểm đang đi ngược với điều khoản này dẫn tới, nếu muốn thông qua, thực hiện thì buộc phải sửa đổi Nghị định.
Thực tế hiện nay, công tác đăng kiểm xe cơ giới đang có rất nhiều vấn đề nổi cộm, từ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thiết bị cho kiểm định đến trình độ chuyên môn, thái độ phục vụ của một số đăng kiểm viên,...
Trong đó, hàng loạt trung tâm đăng kiểm trên cả nước đang dính vào lao lý, buộc phải tạm thời đóng cửa, dẫn đến tình trạng quá tải cục bộ, gây chậm chễ cho cho chủ phương tiện khi phải đưa xe đến đăng kiểm trong giai đoạn này.
Do đó, xét về mặt tích cực, đề xuất có thêm cơ chế để các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa 3S, 4S được thực hiện chức năng kiểm định sẽ góp phần tận dụng nguồn lực có sẵn là hạ tầng, thiết bị của các cơ sở bảo dưỡng chính hãng, đồng thời giúp chủ xe có nhiều sự lựa chọn, thuận lợi hơn khi đưa phương tiện của mình đi đăng kiểm.
Ngoài phương án trên, Cục Đăng kiểm cũng đưa ra đề xuất miễn kiểm định lần đầu cho xe ô tô sản xuất mới trước khi lưu hành. Đây là giải pháp được đa phần ý kiến người dùng xe ủng hộ.
3S là viết tắt tiếng Anh của Showroom – Service – Spare parts, có nghĩa là Trưng bày – Dịch vụ - Phụ tùng. Có nghĩa, cơ sở bảo dưỡng ôtô 3S có không gian trưng bày xe mới (showroom), có dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng (service) và cung cấp phụ tùng chính hãng (spare parts). Cơ sở 4S có thêm chức năng thu thập ý kiến phản hồi từ khách hàng (survey). |
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước có 280 đơn vị đăng kiểm xe cơ giới; trong đó có 20 đơn vị thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam (ký hiệu V); 64 đơn vị thuộc các Sở Giao thông Vận tải (ký hiệu S) và 196 đơn vị trực thuộc các doanh nghiệp (ký hiệu D). Từ tháng 1/2023 tới nay, có 33 trung tâm đăng kiểm phải tạm dừng hoạt động trên cả nước để phục vụ công tác điều tra của cơ quan công an. |
Hoàng Hiệp
Bạn đang gặp vướng mắc gì khi đi đăng kiểm xe ô tô? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!