Chiều 9/3, UBND TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế-xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.
Báo chí đặt câu hỏi về tiến độ điều tra vụ việc giả danh nhân viên y tế, lừa đảo phụ huynh chuyển tiền để “cấp cứu con tại Bệnh viện Chợ Rẫy”.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, sau vụ việc lừa đảo “cấp cứu con ở Bệnh viện Chợ Rẫy”, công an huyện Củ Chi vừa tiếp nhận thêm hai thông tin tố giác từ các phụ huynh, phản ánh bị các đối tượng dùng thủ đoạn tương tự, yêu cầu chuyển 100 triệu vào tài khoản.
“Nhưng do được tiếp cận thông tin từ lực lượng công an địa phương và trên báo đài nên phụ huynh không chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo. Hiện, Công an huyện Củ Chi đang thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xác minh thông tin, truy xét đối tượng”, Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin.
Cũng theo Thượng tá Hà, tính đến ngày 9/3, Công an thành phố đã tiếp nhận 4 tin báo từ báo đài, cơ quan và 3 thông tin tố giác của người dân liên quan đến thủ đoạn lừa đảo nói trên.
Công an thành phố đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an quận, huyện khẩn trương rà soát, điều tra, truy xét để khám phá các vụ việc được phản ánh.
Về việc vì sao đối tượng lừa đảo có được thông tin của học sinh, theo ông Hà, có nhiều nguyên nhân:
Có thể học sinh tham gia các lớp học bên ngoài nhà trường, có khai báo thông tin, dữ liệu nên khả năng bị lọt rất cao. Còn các cơ quan Nhà nước, trong đó có Sở Giáo dục-Đào tạo, các trường học thì luôn tuân thủ chặt quy định bảo mật thông tin cá nhân học sinh và phụ huynh.
Để chủ động trong công tác phòng ngừa, theo Thượng tá Hà, khi nhận được các thông tin lừa đảo như các vụ việc nói trên, phụ huynh cần liên hệ ngay với giáo viên chủ nhiệm hoặc nhà trường để nắm thông tin của con em mình, tránh bị lừa đảo. Đồng thời, báo ngay với công an địa phương .