Để quản lý, thúc đẩy sự phát triển trong từng lĩnh vực, quan điểm của Bộ TT&TT là cần phải có tiêu chí, công cụ để đo lường và theo dõi. Bộ trưởng Bộ TT&TT đã nhiều lần nhấn mạnh: “Muốn quản lý và thúc đẩy cái gì thì phải đo lường được cái đó”.
Với quan điểm trên, ngay sau khi Chương trình chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ TT&TT đã xây dựng và ban hành đề án xác định bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương - DTI. Sau lần đầu đánh giá và công bố DTI 2020, bộ chỉ số này đã được điều chỉnh cho phù hợp hơn vào năm 2022, đã và đang được áp dụng để đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số quốc gia, các bộ, ngành và địa phương.
Hoạt động đánh giá mức độ chuyển đổi số - DTI năm 2023 vừa được Bộ TT&TT khởi động, với việc đề nghị các bộ, ngành, địa phương cung cấp số liệu để phục vụ cho công tác này.
Theo lộ trình, từ ngày 12/4 đến hết ngày 12/5, các bộ, ngành và địa phương cung cấp số liệu, tài liệu theo các chỉ số thành phần, chỉ số chính thuộc DTI cấp bộ, cấp tỉnh. Tiếp đó, trong thời gian từ ngày 13/5 đến hết ngày 2/6, Bộ TT&TT sẽ đánh giá, thẩm định và cho ý kiến số liệu, tài liệu do bộ, ngành, địa phương cung cấp.
Sau khi các bộ, tỉnh có ý kiến giải trình về số liệu, tài liệu do Bộ TT&TT đánh giá và thẩm định, trong nửa cuối tháng 7/2024, Bộ TT&TT sẽ đánh giá, thẩm định, tổng hợp kết quả và xây dựng báo cáo đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương. Bộ TT&TT dự kiến sẽ công bố kết quả đánh giá DTI 2023 trong tháng 8/2024.
Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT) cho biết, việc hướng dẫn, cung cấp, đánh giá DTI 2023 cấp bộ, cấp tỉnh sẽ được thực hiện trực tuyến trên Hệ thống theo dõi, đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh và của quốc gia tại địa chỉ dti.gov.vn.
Mỗi bộ, ngành, địa phương được Cục Chuyển đổi số quốc gia cấp 1 tài khoản truy cập Hệ thống theo dõi, đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh và quốc gia để thực hiện cung cấp số liệu chính thức của cơ quan mình phục vụ đánh giá DTI 2023.
Trong đề án xác định bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số DTI, Bộ TT&TT đã nêu rõ mục tiêu hướng tới là theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả chuyển đổi số hằng năm của các bộ, ngành, địa phương và của quốc gia trong quá trình triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia, các chiến lược phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Theo kết quả đánh giá DTI đã được Bộ TT&TT công bố 3 năm qua, chỉ số chuyển đổi số của Việt Nam đã liên tục tăng từ 0,48 năm 2020 lên 0,61 vào năm 2021 và đạt 0,71 vào năm 2022. Cùng với đó, các chỉ số thành phần ở 3 trụ cột chính phủ số, kinh tế số và xã hội số cũng đều có sự tăng trưởng.
Kết quả đánh giá DTI qua các năm cũng cho thấy, so với năm 2021, tốc độ tăng trưởng chỉ số chuyển đổi số quốc gia năm 2022 có chậm lại. Tuy nhiên, các chỉ số thành phần về chính phủ số, kinh tế số và xã hội số vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao từ 45 - 55%. Điều này có nghĩa là càng lên mức cao, việc tăng điểm càng khó khăn.
Qua kết quả DTI 2022, chỉ số tổng hợp cấp tỉnh có mức tăng trưởng mạnh hơn chỉ số tổng hợp cấp bộ. Điều này phản ánh một cách tương đối rằng trên bình diện tổng thể, trong năm 2022, các địa phương đã có nỗ lực lớn hơn các bộ, ngành Trung ương.
Phân tích của Bộ TT&TT cũng chỉ ra rằng, trong năm 2022, 100% các bộ, tỉnh đều có chỉ số tăng so với năm 2021, phản ánh một cách tương đối trong năm 2022, cả hệ thống chính quyền các cấp đều nỗ lực, nhưng mức độ nỗ lực khác nhau sẽ có kết quả khác nhau.
Việt Nam hiện đã bước sang năm thứ tư triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia, và đến nay Bộ TT&TT đã tổ chức đo lường, đánh giá và công bố kết quả đánh giá DTI của quốc gia và các bộ, tỉnh trong các năm 2020, 2021 và 2022.
Nhìn lại chặng đường đã qua, trong kết luận phiên họp thứ 7 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số hồi cuối năm ngoái, Ủy ban đã thống nhất nhận định: Chuyển đổi số quốc gia đã được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, có kết quả thiết thực, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Trong năm 2023 - Năm Dữ liệu số quốc gia, cúng ta đã tạo được những nền tảng cơ bản trong tạo lập và chia sẻ dữ liệu trong cơ quan nhà nước, tạo nền móng cho phát triển cả 3 trụ cột chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Bên cạnh đó, phiên họp lần thứ 7 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số cũng thống nhất lựa chọn chủ đề năm 2024 là năm “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp CNTT, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.
Bộ tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số - DTI có 3 cấp: DTI cấp tỉnh; DTI cấp bộ và DTI cấp quốc gia. Trong đó, DTI cấp tỉnh được cấu trúc theo 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, bao gồm thông tin chung và chỉ số đánh giá gồm 9 chỉ số chính với 98 chỉ số thành phần. Chín chỉ số chính được phân thành nhóm chỉ số nền tảng chung và nhóm chỉ số về hoạt động. Nhóm chỉ số nền tảng chung có 6 chỉ số chính: Nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, đô thị thông minh. Nhóm chỉ số về hoạt động có 3 chỉ số chính: Hoạt động chính quyền số, hoạt động kinh tế số, hoạt động xã hội số. DTI cấp bộ bao gồm thông tin chung (để cung cấp các thông tin tổng quan về bộ nhưng không dùng để đánh giá) và chỉ số đánh giá gồm 6 chỉ số chính với 70 chỉ số thành phần. Sáu chỉ số chính được phân thành nhóm chỉ số nền tảng chung và nhóm chỉ số về hoạt động. Nhóm chỉ số nền tảng chung gồm 5 chỉ số chính: Nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng. Nhóm chỉ số về hoạt động gồm 1 chỉ số hoạt động chuyển đổi số. |