Tại diễn đàn đại hội Công đoàn Việt Nam diễn ra đầu tháng 12 vừa qua, bà Đinh Thị Hường, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH cao su Phong Thái (Bình Dương) chia sẻ, hiện công ty có 600 công nhân, phần lớn là lao động nhập cư, nhưng đến nay mới chỉ có 1 người tiếp cận được với nhà ở xã hội.
Theo bà Hường, để lao động được tiếp cận với nhà ở xã hội cán bộ công đoàn công ty đã phải "xắn tay" hỗ trợ làm hồ sơ. Sau rất nhiều lần đi lại, hồ sơ bị trả về, cuối cùng cũng có 1 lao động đủ điều kiện để vay vốn mua nhà ở xã hội.
Bà Hường cho hay, khi hay tin Quốc hội cho phép tổ chức Công đoàn Việt Nam được giao xây nhà ở xã hội, không chỉ người lao động, cán bộ công đoàn cũng phấn khởi, bởi tới đây công nhân lao động không còn canh cánh nỗi lo về nhà ở.
Không chỉ công nhân ở Bình Dương mong mỏi nhà ở xã hội, mà nhu cầu về nhà ở của công nhân lao động tại các khu công nghiệp trên cả nước hiện nay rất lớn, phần đông trong số họ đều là những gia đình trẻ. Thế nhưng khả năng đáp ứng về nhà ở của nhà nước còn hạn chế, doanh nghiệp chưa mặn mà với nhà ở xã hội.
Nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động trong khu công nghiệp.
Khảo sát của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho thấy, hiện 60% số công nhân lao động đang phải thuê trọ tại các khu nhà do người dân tự đầu tư xây dựng. Trong đó, nhiều khu trọ thiếu tiện ích, không bảo đảm an ninh, an toàn, với giá thuê khoảng 1,5 - 4 triệu đồng/tháng, chiếm 25-30% thu nhập của công nhân lao động, khiến cho cuộc sống của họ khó khăn gấp bội.
Thấu hiểu những khó khăn, nguyện vọng của người lao động, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, đa số đại biểu tham gia biểu quyết đã tán thành chính thức thông qua Luật Nhà ở sửa đổi. Tổng liên đoàn lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, thuê mua.
Mới đây nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành T.Ư Đảng ký ban hành Nghị quyết số 42 của Hội nghị Trung ương lần thứ 8 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Trong đó, chỉ tiêu đến năm 2030 có xác định, xây dựng được ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.
Đây được xem là quyết sách nhân văn, kỳ vọng sẽ giúp nhiều công nhân, người lao động thoát cảnh chen chúc, khổ sở trong những căn nhà trọ chật chội, không bảo đảm điều kiện sinh hoạt.
Đại diện Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, thời gian qua Tổng liên đoàn đã thử nghiệm xây dựng thiết chế công đoàn, trong đó có khu nhà ở xã hội tại khu công nghiệp tỉnh Hà Nam.
Bên cạnh việc đề xuất chính sách cùng với các bộ ngành để ra đời đề án một triệu căn hộ nhà ở xã hội được Quốc hội thông qua, Tổng liên đoàn lao động cũng đã có nguồn vốn của tổ chức công đoàn để triển khai thực hiện. Thời gian tới, tổ chức công đoàn sẽ tiếp tục hoàn thiện thủ tục để sớm có hướng dẫn cụ thể.