Theo quy định của pháp luật, việc hưởng lương hưu thông thường được áp dụng khi người lao động đạt đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên và đủ số tuổi theo quy định (lao động nam cần đủ 62 tuổi vào năm 2028, lao động nữ cần đủ 60 tuổi vào năm 2035).
Tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt, người lao động có thể nghỉ hưu khi 40 tuổi nếu đáp ứng điều kiện.
Điều 55 Luật BHXH 2014 quy định, khi người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế ban hành.
Điều này có nghĩa, người lao động có thể được hưởng lương hưu khi mới 40 tuổi, nếu đáp ứng đủ 4 điều kiện: Có đủ 20 năm đóng BHXH; Làm việc từ năm 20 tuổi và đóng BHXH đầy đủ mỗi năm; Có ít nhất 15 năm làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Theo quy định chi tiết tại Điều 56 của Luật BHXH 2014, việc tính toán mức lương hưu hằng tháng cho người lao động được thực hiện liên quan đến thời gian đóng BHXH và tuổi nghỉ hưu.
Mức lương hưu hằng tháng: Mức lương hưu được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng mà người lao động đã đóng BHXH. Số năm đóng để đạt được mức lương hưu tối thiểu là 18 năm đối với lao động nam nghỉ hưu từ năm 2020, 19 năm nghỉ hưu từ năm 2021 và 20 năm nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi. Đối với lao động nữ, yêu cầu là đủ 15 năm đóng BHXH để được nghỉ hưu từ năm 2020 trở đi.
Giảm mức lương hưu đối với nghỉ hưu trước tuổi: Trong trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi sẽ giảm 2% mức lương hưu. Nếu tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 6 tháng, mức giảm sẽ là 1%, nhằm đảm bảo tính chính xác và công bằng trong việc xác định mức giảm.
Tăng mức lương hưu hàng năm: Mỗi năm sau thời điểm đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội, mức lương hưu sẽ được tăng thêm 2% cho đến khi đạt đến mức tối đa là 75%.
Lao động cao tuổi khó khăn làm công việc nặng nhọc
Theo ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật và quan hệ lao động (Liên đoàn lao động TP Hà Nội), qua ghi nhận ý kiến của người lao động liên quan đến góp ý dự thảo luật BHXH sửa đổi, nhiều công nhân lao động sản xuất trực tiếp ở các doanh nghiệp mong muốn được giảm tuổi nghỉ hưu so với quy định hiện hành là 60 tuổi đối với lao động nữ và 62 tuổi đối với lao động nam.
Qua thực tiễn từ cơ sở, đa phần công nhân trực tiếp thường khó làm việc đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, thậm chí chỉ cần đến độ tuổi 45, nhiều người lao động gặp khó khăn khi phải làm việc với cường độ lớn, cần độ chính xác cao trong các dây chuyền sản xuất công nghiệp. Sức khỏe, độ nhanh nhẹn của người lao động đều giảm, rất khó để đáp ứng yêu cầu.
Đại diện Liên đoàn lao động TP Hà Nội thông tin thêm, một số doanh nghiệp cũng mong muốn người lao động được nghỉ hưu sớm, bởi những lao động lớn tuổi khi làm việc trong các dây chuyền có thể không theo kịp tiến độ, năng suất không được đáp ứng. Trong khi đó, thu nhập, tiền lương của các lao động này thường cao hơn nhóm lao động trẻ.
"Đã có trường hợp doanh nghiệp muốn sa thải những lao động trên 35 tuổi để tuyển dụng những lao động trẻ vào dây chuyền sản xuất. Nhiều người không đáp ứng được cường độ lao động đã bị thải loại sớm và không thể chờ tới tuổi để được hưởng lương hưu", ông Dưỡng nêu thực tế.
Đề xuất bổ sung công việc nặng nhọc, độc hại làm cơ sở xét điều kiện về tuổi hưởng lương hưu
Bà Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam cho biết, dệt may là ngành có đông lao động nữ, chiếm trên 67% tổng lao động toàn ngành. Tuy nhiên đa số người lao động nữ khi bước sang tuổi 40 thường không thể gắn bó với công việc làm nặng nhọc, độc hại.
Do vậy, bà Tâm đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan kết nối các ngành nghề phù hợp với từng lứa tuổi, để khi người lao động đã hết tuổi nghề ở những công việc nặng nhọc, các trung tâm dịch vụ việc làm có thể giới thiệu họ làm những công việc phù hợp để có thêm thu nhập và tham gia bảo hiểm xã hội, khi về hưu có mức lương đủ sống.
Bà Tâm cũng đề nghị Bộ LĐTB&XH và các bộ ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm cơ sở xét điều kiện về tuổi hưởng lương hưu của người lao động, trong đó có lao động nữ.
Đồng thời, phân loại hợp lý nhóm lao động trực tiếp, lao động làm công việc nặng nhọc độc hại, để người lao động, nhất là lao động nữ được nghỉ hưu sớm hơn so với lộ trình tuổi quy định nhằm đảm bảo sức khỏe và an toàn lao động.