Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở lứa tuổi học đường tại Hà Nội tăng mạnh. Hiện tỷ lệ này ở vùng nội thành là 28,8%, ngoại thành là gần 20%, tập trung nhiều ở học sinh tiểu học.
Tại kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2030 do UBND TP. Hà Nội ban hành, nhiều chỉ số về dinh dưỡng ở thủ đô đạt vượt mức trung bình cả nước.
Hiện tại thành phố đang phải đối diện với một số vấn đề của dinh dưỡng đó là tỷ lệ thừa cân, béo phì gia tăng và khác biệt giữa nội thành và ngoại thành.
Đặc biệt là lứa tuổi học đường, tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng từ 18,6% năm 2017 lên 22,7% năm 2021 (nội thành 28,8%, ngoại thành 19,9%), trong đó tỷ lệ học sinh tiểu học bị thừa cân, béo phì cao và tăng nhanh từ 30% năm 2017 lên 37,8% năm 2021.
Như vậy, Hà Nội đang phải đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng, đó là tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng thế thấp còi còn khá cao (11,8%) và tình trạng thừa cân, béo phì ở cả trẻ em và người trưởng thành đang gia tăng một cách nhanh chóng.
Những vấn đề này cần phải được can thiệp đa dạng, đa chiều, đa ngành, đồng bộ và liên tục trong thời gian tới để giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người dân thành phố Hà Nội.
Chiều cao của thanh niên 17 tuổi ở Hà Nội đạt 168,8cm (năm 2021), cao hơn 2,4cm so với 5 năm trước đó. Con số này với nữ là 157,4cm ở năm 2021, trong khi năm 2016 là 157,2cm.
Mục tiêu của Hà Nội tới năm 2025, nam giới 18 tuổi sẽ cao 169cm, còn nữ là 159cm; tới năm 2030, con số này tăng lần lượt lên là 170,5 và 159.
Một trong những căn cứ để Hà Nội xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2030 là Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025.
Kế hoạch của Hà Nội đặt nhiều mục tiêu cụ thể. Đơn cử, về tỷ lệ các trường học có tổ chức bữa ăn học đường, thành phố đặt mục tiêu xây dựng thực đơn đáp ứng nhu cầu theo khuyến nghị của Bộ Y tế về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi và đa dạng thực phẩm đạt 70% vào năm 2025 và đạt 90% vào năm 2030.
Về kiểm soát tình trạng thừa cân béo phì, dự phòng các bệnh mạn tính không lây, kiểm soát các yếu tố nguy cơ có liên quan ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành, Hà Nội đặt mục tiêu khống chế tỷ lệ thừa cân béo phì với trẻ ở lứa tuổi học đường (từ 5-18 tuổi) dưới mức 24% vào năm 2025 và dưới mức 27% vào năm 2030.
Hà Nội cũng nâng cao khả năng ứng phó dinh dưỡng trong mọi tình huống khẩn cấp và bố trí ngân sách thực hiện Chiến lược về dinh dưỡng trên địa bàn Hà Nội đến năm 2030, triển khai mô hình can thiệp dinh dưỡng nhằm kiểm soát tỷ lệ thừa cân, béo phì ở lứa tuổi học đường đến năm 2030.
Đưa giáo dục dinh dưỡng, thể chất vào chuyên đề giảng dạy ngoại khóa cho học sinh
Để thực hiện các mục tiêu trên, Hà Nội đặt ra nhiều giải pháp, hoàn thiện cơ chế chính sách, nâng cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp liên ngành, trong đó duy trì chương trình sữa học đường; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và cung ứng các sản phẩm dinh dưỡng đặc thù hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ khó khăn.
Tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện mục tiêu giảm suy dinh dưỡng thể thấp còi, gầy còm, đồng thời kiểm soát tỷ lệ thừa cân, béo phì ở lứa tuổi học đường và người trưởng thành. Đưa một số chỉ tiêu dinh dưỡng gắn với chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố bao gồm: Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi, gầy còm ở trẻ em dưới 5 tuổi, khống chế thừa cân, béo phì ở học sinh, giảm tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn ở các nhóm đối tượng.
Tăng cường và nâng cao hiệu quả truyền thông, giáo dục, tư vấn về thực hành dinh dưỡng hợp lý theo vòng đời. Đưa giáo dục dinh dưỡng, thể chất vào chuyên đề giảng dạy ngoại khóa cho học sinh. Tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để hình thành lối sống, thói quen lành mạnh về dinh dưỡng hợp lý...