Được coi là sản vật trời cho, loại cua da được người dân đánh bắt trên dòng sông Cầu có giá vô cùng đắt đỏ. Nhiều người tranh nhau đặt mua cua da bởi đặc sản này mỗi năm chỉ có một lần.
Vừa đặt mua được 2kg cua da size 6-7 con/kg tại một cửa hàng hải sản ở gần nhà để chuẩn bị cho buổi liên hoan cuối tuần, chị Nguyễn Ngọc Anh Thư ở Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: Đầu mùa cua da không chỉ hiếm mà giá còn đắt khét. Chị muốn đặt cua cái size Vip giá 850.000 đồng/kg, nhưng nhân viên cửa hàng báo phải chờ tới cả tuần mới có hàng nên đành chuyển xuống size nhỏ hơn giá 700.000 đồng/kg.
Chị Thư được thưởng thức cua da ở sông Cầu (Yên Dũng, Bắc Giang) lần đầu tiên cách đây 10 năm. Đến giờ chị vẫn nhớ như in mùi vị của món cua da hấp. Gạch cua thơm bùi, béo ngậy. Từ đó đến giờ, năm nào vào tầm tháng 9 cho đến tháng 11 Âm lịch chị cũng tranh thủ tìm mua cua da về ăn. Bởi, khi qua mùa, có tiền cũng khó mua.
Theo chị, trước kia cua da có giá rẻ hơn bây giờ, nhưng tìm mua khá khó khăn. Đa phần đều phải nhờ người quen ở trên Bắc Giang mua và chuyển xuống Hà Nội. Khoảng 3 năm trở lại đây, buôn bán online phát triển, chị có thể tự tìm mối bán rồi đặt hàng. Song, giá loại đặc sản này ngày càng đắt đỏ.
“Cua cái size nhỏ hay cua đực mua tương đối dễ, chỉ cần đặt hôm trước thì hôm sau sẽ nhận được hàng. Còn cua cái size đại nhiều trứng, gạch vàng béo ngậy rất hiếm, lần nào ăn cũng phải đặt trước vài ba ngày”, chị nói.
Chị Nguyễn Thị Trâm, đầu mối bán hải sản ở Hai Bà Trưng (Hà Nội), cho biết, cua da ở sông Cầu (Yên Dũng) được ví là loại đặc sản trời cho, vì chúng có hương vị đậm đà khó quên. Những con cua cái nhiều gạch béo ngậy, cua đực phần thịt nhiều hơn và cực kỳ thơm ngon.
Thế nhưng, không như các loài cua khác thường có quanh năm, cua da chỉ xuất hiện khoảng hơn 2 tháng (từ tháng 9 đến tháng 11 Âm lịch hàng năm). Sau khoảng thời gian này, cua lặn mất tăm, dân vùng chài ở khu vực sông Cầu không tài nào bắt được.
Đến nay, cua da chỉ có ở ngoài tự nhiên, không phải cua nuôi nên nguồn cung ngày càng khan hiếm, trong khi nhu cầu tăng cao khiến loại cua này trở thành mặt hàng thủy hải sản cao cấp với giá đắt đỏ.
“Cua da sông Cầu được giới nhà giàu chuộng ăn như cua lông Thượng Hải. Họ thường mua về hấp hoặc làm lẩu riêu”, chị nói. Hiện giá cua da dao động theo size, từ 540.000-700.000 đồng/kg. Với hàng cùng size, cua cái giá thường cao hơn cua đực 100.000 đồng/kg.
Theo chị Trâm, khách thường chuộng mua cua cái nhiều hơn dù giá đắt đỏ. Nhưng dù là cua đực hay cua cái muốn ăn đều phải chờ khoảng 3 ngày, thậm chí lâu hơn vì lượng khách đặt mua nhiều, trong khi cua gom được ít hay nhiều phụ thuộc hoàn toàn vào dân chài đi đánh bắt.
Trao đổi với PV. VietNamNet, anh Trần Văn Luận, đầu mối bán sỉ và bán lẻ cua da ở Yên Dũng, thừa nhận, mỗi ngày anh gom được khoảng 5-6 tạ cua da các cỡ, song vẫn không đủ hàng để đổ cho các mối sỉ ở Bắc Giang và Hà Nội.
Đánh bắt và buôn bán cua da ở sông Cầu suốt hơn 10 năm nay, theo anh Luận, đây là năm ghi nhận giá cua đắt đỏ nhất. Cụ thể, cua da cái size 5-6 con/kg có giá bán lẻ từ 700.000-800.000 đồng/kg, cua đực size 4-5 con/kg giá 600.000 đồng/kg, các loại nhỏ hơn giá từ 400.000-500.000 đồng/kg. Riêng giá sỉ phụ thuộc vào lượng hàng khách lấy mỗi lần.
Mức giá này so với năm ngoái tăng khoảng 100.000 đồng/kg. Còn so với thời điểm cách đây 10 năm, khi cua da chưa được người biết đến, thì giá đã tăng gấp 6-7 lần.
Dù giá cua này đắt đỏ nhưng khách sỉ và khách lẻ vẫn phải xếp hàng chờ mua do nguồn cung khan hiếm, anh Luận cho hay. Theo đó, lượng cua gom được anh chia đều cho các khách sỉ. Những ngày gom được ít, anh ưu tiên khách sỉ là mối quen, các mối khách sỉ xa đành phải chờ 1-2 ngày, anh Luận cho hay.
Trên thị trường, cua da sông Cầu được rao bán với giá từ 350.000-800.000 đồng/kg tùy size và tùy loại. Giá cua cái luôn cao hơn cua đực khoảng 100.000-150.000 đồng/kg. Một số nhà hàng niêm yết cua da size đại với giá hơn 1 triệu đồng/kg chưa tính công chế biến.