Đầu tháng 6, nhà văn, nhà báo người Mỹ Scott C. Johnson cho ra mắt cuốn sách Nữ hoàng lừa đảo của Hollywood: Cuộc truy tìm thiên tài tội lỗi. Tác phẩm vạch trần một nhân vật bịp bợm có thật từ những cuộc phỏng vấn với các nạn nhân và điều tra viên.
Đó là Hargobind “Harvey” Tahilramani, 43 tuổi, sinh ra ở Indonesia, học tại Mỹ và sống ở Anh. Hắn có tài khoản Instagram với 50.000 người theo dõi và thường xuyên chia sẻ về ẩm thực.
Từ năm 2015 đến 2020, Harvey đã mạo danh các nhân vật tên tuổi của Hollywood để lừa đảo khoảng 300 người bao gồm diễn viên, nhà biên kịch, nhiếp ảnh gia.
Nhà văn đối đầu với bộ não tội phạm mưu mô
“Tác phẩm này hấp dẫn như bất kỳ cuốn sách nào của Agatha Christie (nhà văn trinh thám người Anh), đáng sợ như tiểu thuyết của Stephen King (tác giả truyện kinh dị người Mỹ)… Tôi không thể nhớ lần cuối cùng tôi đọc bất cứ thứ gì với sự mê hoặc đến nghẹt thở như vậy”, nhà văn người Mỹ Andrew Solomon đánh giá. Ông cũng ca ngợi lòng can đảm của tác giả Johnson với hành trình không ngừng tìm kiếm sự thật đằng sau một loạt hành động tàn ác được che đậy một cách xuất sắc.
Johnson tự truy tìm nguồn gốc của kẻ chủ mưu đồng thời theo dõi cuộc điều tra của thám tử tư Nicole Kotsianas. Vị thám tử này dành nhiều năm để thu thập thông tin, nghiên cứu dấu vân tay, các tài khoản Instagram giả và xác định được nghi phạm dù hắn đổi nhiều danh tính, cố sức không để lại dấu vết nào trên mạng.
Suốt hành trình từ Los Angeles (Mỹ) đến Vương quốc Anh và Jakarta (Indonesia), nhà văn Johnson phải đối mặt với một trong những bộ óc tội phạm nguy hiểm nhất của lịch sử gần đây. Ông phỏng vấn các nạn nhân, liên lạc với người thân của Harvey, nghe họ gọi hắn là “quái vật”.
Khi xác định được nơi ở của Harvey tại Manchester (Anh), Johnson tìm tới chỗ Harvey và cho hắn một cơ hội kể câu chuyện của mình. Ngay sau đó, Harvey không ngừng gọi điện cho ông để tâm sự. Đôi lúc, tác giả cảm thấy đồng cảm với kẻ lừa đảo nhưng sau cùng ông biết "đó là mê cung dối trá không bao giờ kết thúc".
Giả phụ nữ để lừa đảo vì đam mê
Trong mắt các nạn nhân, Harvey là “thiên tài điên rồ, độc ác” đã thực hiện một trong những vụ lừa đảo phức tạp nhất từng xảy ra ở Hollywood. Hắn bị cáo buộc đã giả mạo, bắt chước giọng nói của những nhân vật sừng sỏ khi gọi điện thoại, gửi e-mail và tin nhắn.
Một điểm đặc biệt là Harvey rất thích giả danh làm phụ nữ. Hắn tự nhận là nhà sản xuất phim Jean Pritzker lừa đảo nhà biên kịch Greg Mandarano 80.000 USD. Sau đó, tiếp tục mạo danh Amy Pascal, cựu giám đốc hãng Sony, thuyết phục nhiếp ảnh gia tự do Will Strathman đến Indonesia để làm một loạt phim du lịch của Netflix.
Trong danh sách bị mạo danh còn có Kathleen Kennedy - chủ hãng Lucasfilm; nhà sản xuất phim Megan Ellison; Wendi Murdoch - vợ cũ của tỷ phú Rupert Murdoch; Sherry Lansing - cựu CEO của Paramount.
Nhờ kỹ năng diễn xuất bẩm sinh, Harvey đã thuyết phục các nạn nhân của mình, bao gồm những nhà biên kịch, diễn viên và nghệ sĩ trang điểm, bỏ tiền đến Jakarta tham gia dự án không tồn tại. Sau đó, hắn đột ngột thông báo dự án bị hủy bỏ khiến tất cả "dở khóc dở cười".
Theo Guardian, tổng thiệt hại ước tính 1,5 triệu USD, con số tương đối nhỏ khi xét đến số người mà Harvey lừa đảo lên tới hàng trăm người. Nhà văn Johnson nói: “Bạn có thể tìm thấy những vụ lừa đảo hàng chục hoặc hàng trăm triệu USD. Trong trường hợp này, rõ ràng ngay từ đầu vấn đề không phải là tiền”.
Tác giả cho rằng Harvey say sưa với việc thao túng người khác bằng các kế hoạch của mình, hứng thú đón chờ hy vọng của mọi người bị thổi phồng lên như quả bóng bay rồi nổ tung.
Cơ quan chức năng đã bắt Harvey tại một khách sạn ở Manchester vào năm 2020. Hắn bị Mỹ cáo buộc 8 tội danh và sẽ phải ngồi tù nhiều năm nếu bị kết án.
Trước đó, Harvey cũng có nhiều tai tiếng như đạo văn trong trường đại học, từng ngồi tù vì gọi điện đe dọa đánh bom Đại sứ quán Mỹ ở Indonesia.