Đại biểu (ĐB) Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nêu rõ, sự cần thiết và lợi ích của các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc. Tuy nhiên, ĐB cho rằng, phải chú ý đến phát triển cơ sở hạ tầng giao thông để tạo liên kết vùng và phát huy vai trò dẫn dắt của các đô thị lớn, khu công nghiệp trọng điểm.
Về công tác đền bù, tái định cư, ông nêu rõ, nên cố gắng làm những việc nhìn từ xa, những việc quan trọng thì không nên làm gấp. Nếu việc quan trọng mà làm gấp thì có khả năng “dục tốc bất đạt”.
Qua kinh nghiệm quốc tế, để tránh các tiềm ẩn rủi ro về giải phóng mặt bằng, phát sinh kiện tụng, ngay sau khi quy hoạch được duyệt thì làm báo cáo nghiên cứu khả thi, song hành cùng đấy là báo cáo đánh giá tác động môi trường và báo cáo tái định cư. Ba báo cáo về 3 dự án này được duyệt mới là cơ sở để cho phép khởi công, thi công.
Quan điểm trên đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh rằng không đánh đổi môi trường và an sinh xã hội để phát triển kinh tế đơn thuần. Tuy nhiên, trong các dự án lớn dường như chưa chú ý đến báo cáo xã hội, báo cáo tái định cư. Từ đó có thể là điểm nghẽn và làm lãng phí, những tiến độ mong muốn để đạt được thì lại không đạt.
ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) thống nhất với sự cần thiết đầu tư 3 dự án nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội XIII thông qua.
Về nguồn vốn địa phương đầu tư cho dự án, ĐB cho rằng có những địa phương điều kiện còn khó khăn, không đảm bảo được nguồn kinh phí, nên cần có tính toán, phân tích kỹ để chia sẻ những khó khăn với các địa phương, cần có sẵn phương án ứng phó khi địa phương không thể đối ứng được nguồn vốn để thực hiện dự án.
Ông Hạ dẫn chứng Sóc Trăng và Hậu Giang - những tỉnh rất nghèo "thu 4.000 tỷ một năm, mỗi một năm dự kiến cân đối để bỏ ra có được 300 tỷ để đối ứng với lại dự án này thì liệu có đảm bảo hay không?". Về chỉ định thầu, ông Hạ nói "Chúng ta xin cơ chế. Xin có thể Quốc hội đồng ý nhưng đây không phải là vấn đề phấn khởi đâu". Ông nhắc lại việc lúc nào cũng khẳng định hệ thống pháp luật, hành lang pháp lý đầy đủ, tại sao cứ phải xin cơ chế?
Đồng thời, ĐB đề nghị cần rút kinh nghiệm khi vừa qua chỉ định thầu đã tạo ra những kẽ hở, tạo ra cơ chế xin cho và gây hệ lụy rất lớn.
"Vừa qua do dịch bệnh cho cơ chế chỉ định thầu đã thấy một hệ lụy rất lớn. Tôi xin cảnh báo, đề nghị trong quá trình triển khai làm thật tốt, thật kỹ để tránh chuyện sau này lại tiếp tục phải xử lý hậu quả, đặc biệt đau đớn nhất là làm mất đội ngũ cán bộ do cơ chế", ông Tạ Văn Hạ nói thêm.
Cho ý kiến cụ thể vào thiết kế, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng, việc bố trí điểm dừng xe khẩn cấp thay vì làn dừng khẩn cấp liên tục là chưa hợp lý. Ông đề nghị làm rõ, nếu vì mục đích dừng khẩn cấp nhưng do sự cố nguy hiểm hay tai nạn thì xác suất xảy ra tại các điểm dừng này là rất là thấp, nên là tác dụng của các điểm dừng khẩn cấp là sẽ không phát huy tác dụng.
Bên cạnh đó thì việc bố trí điểm dừng sẽ tạo điều kiện cho một số người chưa có ý thức khi lưu thông trên đường cao tốc sẽ dừng xe để nghỉ ngơi, để chụp ảnh, ăn uống, thậm chí là vệ sinh cá nhân…. ĐB cho rằng việc vào ra điểm dừng khẩn cấp như vậy sẽ có nguy cơ rất cao gây ra các tai nạn nguy hiểm trên đường cao tốc.
Do đó, trong trường hợp không có đủ kinh phí để làm làn dừng xe khẩn cấp liên tục, ông Cảnh đề nghị Bộ GTVT tính toán lại tổng số tiền làm các điểm dừng khẩn cấp này để làm các hạng mục gồm hộ lan nhựa di động và các thùng nhựa chuyên dụng đựng đầy nước; cứ 20 km sẽ là một lối rẽ và có một khu vệ sinh công cộng cho lái xe, hành khách.
Trong một đoạn dài và dựa vào quy hoạch về các đường kết nối với tuyến đường khác thì nếu còn dư vốn sẽ tạo thêm các lối rẽ chờ để sau này thuận lợi cho việc kết nối giao thông với các tuyến đường khác.
Ông cũng phân tích về hướng tuyến của đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột là hướng Đông Đông Nam đến Tây Tây Bắc.
Như vậy hướng buổi chiều đi lên Buôn Ma Thuột sẽ rất chói nắng và tùy theo mùa trong năm hướng mặt trời cũng thay đổi. Ông đề nghị trong thiết kế phải ưu tiên lợi thế tự nhiên của đồi núi, cây xanh để đảm bảo lái xe không bị chói nắng, đặc biệt là qua các đường cong và bảo đảm giữ lại các khu vực mà có cây xanh hiện hữu, có tác dụng che nắng cho các phương tiện. ĐB đề nghị là có kế hoạch trồng cây che nắng.
Thu Hằng - Trần Thường