Trao đổi với PV. VietNamNet bên hành lang Quốc hội, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, TP Hà Nội cần phải bắt tay vào xây dựng, cải tạo để công viên thực sự là ‘lá phổi xanh’ của Thủ đô.
- Quốc hội vừa thảo luận về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ông cũng có những phát biểu rất tâm huyết về vấn đề này tại hội trường. Vậy theo ông, việc hàng loạt công viên của TP Hà Nội bị xuống cấp, ‘đắp chiếu’, ‘xẻ thịt’… trong hàng chục năm qua có phải là sự lãng phí?
Công viên là điều không thể thiếu của đời sống đô thị. Đây là ‘lá phổi xanh’, địa điểm để người dân hưởng thụ, thư giãn và còn là minh chứng cho sự phát triển của Thủ đô. Rất tiếc suốt một thời gian dài vừa qua, nhiều công viên trên địa bàn TP Hà Nội chậm tiến độ, xuống cấp, không đáp ứng được sự mong mỏi của người dân.
Theo tôi, mọi sự lãng phí đều rất đáng tiếc và chúng ta phải có giải pháp khắc phục ngay tình trạng công viên xuống cấp, chậm tiến độ. Sự lãng phí đó đều có rất nhiều nguyên nhân, như về lịch sử, về nguồn lực tài chính. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất hiện nay là TP Hà Nội phải bắt tay vào xây dựng, cải tạo để công viên thực sự là ‘lá phổi xanh’ của Thủ đô.
- Liệu có phải trong những năm qua chính quyền TP Hà Nội chưa quan tâm đúng mức đến đời sống tinh thần của người dân nên mới dẫn đến sự bê trễ của hàng loạt công viên, thưa ông?
Theo tôi, nếu các cấp chính quyền của TP Hà Nội nhìn thấy rõ giá trị của không gian xanh, sẽ tập trung nguồn lực đầu tư, xây dựng công viên. Nhưng nếu họ chỉ nhìn thấy nguồn lợi trước mắt, đất đai công viên sẽ bị cho thuê làm quán bia, mở các dịch vụ có thể thu tiền ngay.
Từ cái lợi trước mắt đó nó dẫn đến hàng loạt vấn đề như chủ đầu tư các dự án chỉ chạy theo lợi nhuận, xây dựng công trình thương mại thì nhanh, nhưng các công trình công cộng như công viên, vườn hoa thì chậm. Trong khi đó, sự giám sát của chính quyền TP còn hạn chế, điều đó dẫn đến hàng loạt công viên chậm tiến độ.
Nhiều năm qua, ngay cả những công viên trong nội thành của TP Hà Nội cũng bộc lộ nhiều bất cập trong công tác quản lý. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư còn nhăm nhe biến đất vàng công viên thành dự án công trình dịch vụ thương mại. Nếu không có sự ngăn cản của dư luận, ý tưởng đó đã thành hiện thực.
Với nguồn lực của Thủ đô hiện nay, với sự quan tâm của các cấp ngành, với cơ chế đặc thù của Thủ đô và kể cả sự đóng góp bằng tinh thần, trí tuệ của người dân, tôi nghĩ rằng, Hà Nội đủ sức xây dựng các công viên, không gian văn hoá đặc thù thu hút du khách trong và ngoài nước.
- Chia sẻ với VietNamNet, nhiều bạn đọc đề nghị TP Hà Nội nên phá bỏ hàng rào, không bán vé vào công viên. Theo ông, nguyện vọng đó có chính đáng?
Theo tôi, việc khai thác công viên trên địa bàn TP Hà Nội còn chưa đồng bộ. Có những công viên mở cửa cho người dân ra vào tự do. Cũng có công viên dựng rào thu phí. Việc thu phí như vậy dẫn đến bất bình đẳng, người đi tập thể dục mặc quần đùi, áo cộc thì không thu tiền. Còn người ăn mặc chỉnh tề lại phải mua vé vào công viên.
TP Hà Nội không cần phải đi đâu xa, chỉ cần vào TP.HCM sẽ thấy công viên không có cổng, không có cửa và không có cả hàng rào. Bốn phía công viên người dân đều có thể ra vào tự do. Công viên là không gian xanh để người dân hưởng thụ, để người dân cảm nhận sự khoan khoái, thoải mái, chẳng có lý do gì phải xây kín cổng, cao tường.
Các cơ quan chức năng của TP cũng không nên đề cập đến vấn đề an ninh mà phải xây tường rào, cổng vào công viên. Thực sự chúng ta cũng không thiếu gì biện pháp, giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân vào công viên. Theo tôi, công viên càng sáng, càng thoáng, càng đông người ra vào, càng ít tội phạm. Còn ngược lại, công viên càng kín cổng cao tường, ít người ra vào lại là mảnh đất tốt cho các tệ nạn xã hội.
- Phát biểu trước HĐND TP, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội mới đây đặt quyết tâm năm 2023 sẽ làm ‘sống lại’ các công viên. Ông ủng hộ quyết tâm này của lãnh đạo TP Hà Nội như thế nào?
Tôi rất hoan nghênh quyết tâm của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh. Qua đó cho thấy, người người đứng đầu chính quyền thành phố rất quan tâm đến công viên thì mới nhìn ra được những tồn tại, hạn chế để đặt quyết tâm làm ‘sống lại’ công viên.
Chắc chắn quá trình hồi sinh các công viên của TP Hà Nội sẽ gặp không ít khó khăn, từ cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư. Do vậy, theo tôi, trước mắt TP Hà Nội nên tập trung đầu tư một vài công viên cụ thể. Từ đó rút ra bài học kinh nghiệm làm những dự án sau không bị thất thoát, lãng phí và tránh được những điều tiếng không đáng có.