Cạnh tranh khốc liệt, cổ phiếu tăng chóng mặt
Trong 2 tuần qua, cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động tăng mạnh, từ 45.000 đồng lên ngưỡng 49.000 đồng/cp. Trong gần 2 tháng qua, MWG tăng hơn 22% từ mức 38.000 đồng/cp lên mức giá hiện tại.
Vốn hóa công ty của ông Nguyễn Đức Tài tăng vọt thêm hơn 16.000 tỷ đồng (670 triệu USD) lên khoảng 72.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 3 tỷ USD).
Vốn hóa của Thế Giới Di Động tăng mạnh bất chấp doanh thu những tháng đầu năm, trong đó có tháng 5 khá thấp so với cùng kỳ. Doanh nghiệp này đang trong một cuộc chiến giảm giá để vực dậy doanh thu. Cuộc chiến giảm giá áp dụng với rất nhiều mặt hàng và dự báo sẽ ảnh hưởng mạnh tới lợi nhuận của doanh nghiệp. Giá cổ phiếu MWG đi theo một chiều hướng ngược lại, liên tục tăng giá.
Đây cũng là tình trạng của một số doanh nghiệp bán lẻ khác như FPT Retail hay Vàng bạc đá quý PNJ. Sức cầu tiêu thụ giảm mạnh trong những tháng đầu năm gây ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp nhưng dường như giai đoạn khó khăn nhất đã qua.
Cổ phiếu FRT của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) thậm chí còn tăng mạnh hơn MWG. Trong vòng chưa tới 2 tháng, FRT tăng vọt từ mức 54.000 đồng/cp lên 79.500 đồng/cp (hôm 17/7), tương đương mức tăng 32%. Vốn hóa FPT Retail của Chủ tịch Nguyễn Bạch Diệp tăng thêm gần 3.500 tỷ đồng.
Cổ phiếu Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) nơi bà Cao Thị Ngọc Dung làm chủ tịch cũng bứt phá từ mức 71.800 đồng hôm 7/7 lên 80.300 đồng/cp hôm 17/7, tương đương mức tăng gần 12%.
Các cổ phiếu bán lẻ bứt mạnh trong gần 2 tháng qua cho dù kết quả kinh doanh trong quý I cũng như trong tháng 5 vừa qua rất kém tích cực. Các doanh nghiệp đồng loạt giảm giá sản phẩm để cải thiện doanh thu, thậm chí lao vào cuộc chiến “khô máu”, giảm giá sâu hàng loạt các sản phẩm.
Người khởi sướng cuộc chiến là Đầu tư Thế Giới Di Động. Nhiều dự báo cho rằng, lợi nhuận các doanh nghiệp bán lẻ sẽ giảm mạnh.
Cuộc chiến "sát ván"
Hiện, các doanh nghiệp bán lẻ chưa công bố kết quả kinh doanh tháng 6 và 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, hầu hết các công ty chứng khoán dự báo lợi nhuận của công ty bán lẻ sẽ tụt giảm sau cuộc chiến về giá do MWG phát động.
Trước đó, MWG thường xuyên cập nhập doanh thu và lợi nhuận theo tháng. Nhưng doanh nghiệp của ông Nguyễn Đức Tài đã không công bố lợi nhuận trong 4 tháng gần nhất. Việc giảm giá mạnh sản phẩm để “chiến” với các doanh nghiệp bán lẻ khác được cho là yếu tố có thể kéo lợi nhuận của MWG giảm sâu và không công bố chi tiết số liệu.
Sắp tới, các doanh nghiệp sẽ công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm và có soát xét của cơ quan chức năng. Kết quả cuộc chiến “khô máu” do MWG phát động có thể được phơi bày rõ nét.
Trong vài tháng qua, thị trường bán lẻ chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt khi sức cầu trong nước ở mức rất thấp, trong khi Thế Giới Di Động liên tục kích hoạt các chương trình giá rẻ, mở rộng cuộc chiến ra nhiều mảng: điện thoại, laptop, điện máy, hàng gia dụng... Chủ tịch MWG có những tuyên bố rất mạnh.
Cuộc đua hạ giá bắt đầu ngay thềm nghỉ lễ 30/4 khi MWG rầm rộ phát động chiến dịch “Giá rẻ quá”: trong đó Tivi, hàng điện gia dụng giảm sốc đến 50%. Thậm chí, một số mặt hàng được bán với “giá rẻ như cho”, bao gồm hàng chục nghìn chiếc chảo và sạc dự phòng, giá 10.000 đồng/chiếc...
Đây là chiến dịch giảm giá sâu và đồng loạt hiếm hoi mà Thế Giới Di Động thực hiện trong nhiều năm qua. Nó trái ngược với những gì mà người tiêu dùng thường thấy ở MWG là giá hàng hóa thường khá cao so với mặt bằng chung và dịch vụ tốt.
Cú “quay xe” bất ngờ của đại gia số 1 trong lĩnh vực bán xe các sản phẩm điện thoại, điện tử, hàng gia dụng làm rúng động thị trường và khiến các đối thủ ngay lập tức có các chương trình giảm giá phản đòn.
Gần như ngay lập tức, FPT Shop khiêu chiến bằng khẩu hiệu “Ở đâu rẻ quá ở đây rẻ hơn”. Di động Việt gây chú ý với chiến dịch “Rẻ hơn cả các loại rẻ”….
Tới đầu tháng 6, Thế Giới Di Động tiếp tục đại chiến hạ giá, tung một loạt chương trình trong đó có lời khẳng định “Hoàn tiền nếu ở đâu rẻ hơn” và sau đó là chiêu bài mới mang tên “mở bán đặc biệt” với hàng loạt mẫu smartphone mới…
Cuộc chiến hạ giá sản phẩm có thể khiến các doanh nghiệp bán lẻ chứng kiến lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm tụt giảm. Tuy nhiên, nó giúp doanh thu hồi phục và doanh nghiệp có dòng tiền lớn hơn trong bối cảnh thanh khoản eo hẹp.
Các doanh nghiệp bán lẻ cũng được hưởng lợi từ quyết định hạ thuế giá trị gia tăng (VAT) giảm từ 10% xuống còn 8% với nhiều mặt hàng thiết yếu từ khâu nhập khẩu, sản xuất cho đến gia công, tiêu dùng… từ đầu tháng 7.
Trong bối cảnh lãi suất cao và cộng đồng doanh nghiệp thiếu tiền, cuộc chiến giảm giá để tăng doanh thu được xem là giải pháp hợp lý.
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2023 cả MWG và FRT đều cho rằng, trong ngắn hạn, các doanh nghiệp này hạ giá để bán được hàng.
Trên thị trường, MWG vẫn là doanh nghiệp bán lẻ lớn. Trong năm 2022, MWG ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (tất cả các mảng) đạt hơn 134.722 tỷ đồng (hơn 6 tỷ USD) và lợi nhuận sau thuế hơn 4.100 tỷ đồng. Trong khi đó, FPT Retail ghi nhận doanh thu hơn 30.276 tỷ đồng.