Không có tiềm năng phát triển nông nghiệp như ở Việt Nam, nhưng nhờ ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, một người nông dân Nhật trung bình xuất khẩu nông sản thu được 40.000 USD năm 2019, trong khi Việt Nam là 1.000 USD.
Phong cách mới
Với mô hình kinh doanh mới mẻ, các cửa hàng của Nhật đang thu hút giới trẻ. Quầy ẩm thực tự chọn, tập trung vào thức ăn chế biến đặc trưng như bánh mì, bánh ngọt, cà phê, sushi và đồ Nhật... phục vụ học sinh, sinh viên lân cận, có chỗ ngồi rộng rãi đi kèm tiện ích trạm sạc, wifi.
Người trẻ cũng có thể trải nghiệm máy chọn món tự động, mua nhanh và dễ dàng thanh toán mà vẫn được áp dụng đồng thời nhiều ưu đãi từ ví điện tử, ngân hàng... Mô hình này nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, ăn uống nhanh gọn, đi lại thuận tiện mỗi ngày của người tiêu dùng ở thành thị.
Sau 2 năm ảnh hưởng của dịch, nhiều hệ thống bán lẻ gặp khó khăn, các doanh nghiệp Nhật Bản lại tận dụng cơ hội bứt phá. Đầu tháng 5, Aeon chính thức khai trương mô hình trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị tinh gọn tại Cầu Giấy (Hà Nội). Với lĩnh vực siêu thị vừa và nhỏ, Aeon phát triển chuỗi siêu thị MaxValu tại Hà Nội, hiện có 7 siêu thị và sẽ đạt 20 siêu thị trong năm nay.
Theo kế hoạch, Aeon Việt Nam sẽ tiếp tục tìm địa điểm, chuẩn bị cho kế hoạch mở mới một trung tâm mua sắm lớn vào năm 2024. Aeon dự tính mở 30 trung tâm mua sắm, tập trung vào những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế và Hải Phòng. Sau đó, nhà bán lẻ Nhật Bản sẽ tiến đến các địa phương lân cận.
Ở lĩnh vực bán lẻ thời trang, Uniqlo liên tiếp mở cửa hàng mới. Osamu Ikezoe, Tổng Giám đốc Uniqlo Việt Nam, cho hay, từ nay tới cuối năm, đơn vị này sẽ mở thêm 3 cửa hàng mua sắm tại Hà Nội. Hiện, Uniqlo đang vận hành chuỗi cửa hàng tại các trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng.
Năm 2019, Uniqlo khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM. Đây là thị trường thứ 6 của công ty ở Đông Nam Á, và cũng là một trong những thị trường được đánh giá là tiềm năng nhất trong khu vực.
Thương hiệu Muji đã có mặt tại Việt Nam với danh mục hơn 5.000 mặt hàng. Tính đến nay, Muji vận hành 3 cửa hàng, trong đó 2 tại Hà Nội và 1 tại TPHCM.
Soc&Brothers, chuỗi bán lẻ đồ dùng cho mẹ và bé, đã mở tới cửa hàng thứ 5 tập trung hầu hết tại các trung tâm thương mại lớn. Từ một cửa hàng chuyên cung cấp sản phẩm Nhật Bản, Soc&Brothers đã mở rộng hệ thống ra cả nước cung cấp những mặt hàng cao cấp cho các mẹ và bé.
Chuỗi bán lẻ mỹ phẩm lớn nhất Nhật Bản, Matsumoto Kiyoshic khai trương cửa hàng tại Việt Nam. Ông Hiroki Miyaoka, Giám đốc điều hành Matsumoto Kiyoshi Việt Nam, khẳng định trong 5 năm tới có thể mở thêm 10-15 cửa hàng.
Hàng loạt thương hiệu bán lẻ khác của Nhật Bản như Ministop, FamilyMart, 7-Eleven,… vẫn đang tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Thị trường hấp dẫn
Với thị trường được định giá 170 tỷ USD và dự báo tăng trưởng 10% trong vòng 5 năm tới, lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam đang là đích ngắm của các nhà bán lẻ, trong đó có Nhật Bản. Dự báo, trong 5-10 năm tới, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu về tỷ lệ tăng trưởng tầng lớp trung lưu trong khu vực Đông Nam Á. Báo cáo của Jetro cho thấy, gần 60% doanh nghiệp Nhật quan tâm đến lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ, tiêu dùng.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp Nhật Bản, cấu trúc dân số trẻ, năng động, và quy mô thị trường gần 100 triệu dân, Việt Nam là thị trường rất có tiềm năng. Kim ngạch xuất khẩu hàng Nhật vào thị trường Việt Nam tăng lên đến 17%, nằm trong top 10, đưa Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ hàng Nhật rất quan trọng.
Báo cáo gần đây của McKinsey với tiêu đề “Góc nhìn đa diện về người tiêu dùng Việt” cho thấy, người tiêu dùng Việt đang mua sắm ngày càng nhiều ở các cửa hàng hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích, đại siêu thị… cũng như qua kênh trực tuyến.
Ông Tadashi Yanai, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của Fast Retailing, công ty mẹ của thương hiệu Uniqlo, từng chia sẻ, Việt Nam có tiềm năng to lớn và sẽ là một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới.
Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam cho biết, trong năm 2022, mục tiêu lớn nhất của nhà bán lẻ Nhật Bản này là làm sao quay lại đà tăng trưởng như thời gian trước dịch.
Lợi thế của các nhà bán lẻ Nhật không chỉ về độ phong phú của hàng hóa mà còn gây ấn tượng khách hàng với bộ quy tắc hoạt động tuân thủ chính xác đến từng ly trong việc lựa chọn hàng hóa, bày biện, bảo quản và phục vụ…
Trước bối cảnh doanh nghiệp bán lẻ Nhật liên tục đẩy mạnh chiến lược mở rộng thị phần, điều này đang ra tạo sức ép lớn cho các doanh nghiệp Việt, nguy cơ thua ngay trên sân nhà.