

Việt Nam và Hàn Quốc đã đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng để tăng cường thương mại và đầu tư. Ngài Đại sứ có thể chia sẻ những biện pháp và chiến lược cụ thể nào để tăng cường quan hệ thương mại, thúc đẩy đầu tư, đồng thời giải quyết những thách thức hiện hữu?
Đại sứ Choi Young Sam: Việt Nam và Hàn Quốc là những đối tác kinh tế trọng tâm của nhau khi hai nước đang duy trì mối quan hệ chặt chẽ trong lĩnh vực hợp tác thương mại và đầu tư. Hai nước là đối tác thương mại lớn thứ 3 của nhau, đồng thời Hàn Quốc đang giữ vị trí là nhà đầu tư có số vốn lũy kế lớn nhất tại Việt Nam.
Kim ngạch thương mại hai chiều vốn chỉ đạt 500 triệu USD ở thời điểm thiết lập quan hệ ngoại giao, đã lần đầu vượt 10 tỷ USD vào năm 2010 và tăng hơn 170 lần vào năm ngoái với giá trị ước tính là 86,7 tỷ USD. Hai nước cũng đã thiết lập mục tiêu chung đạt kim ngạch thương mại hai chiều 100 tỷ USD trong năm nay và 150 tỷ USD vào năm 2030.
Hai nước đang xây dựng mối quan hệ hợp tác bổ sung lẫn nhau trong các ngành công nghiệp đa dạng như dệt may, hóa chất, điện tử, đóng tàu, đồng thời nỗ lực nhằm mở rộng hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ, bao gồm phân phối, tài chính, ICT, nội dung văn hóa, cũng như lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, AI, trung tâm dữ liệu…
Bên cạnh đó, tôi tin rằng việc xây dựng chuỗi cung ứng ổn định cho các khoáng sản quan trọng và hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch như điện hạt nhân và hydro là lĩnh vực hợp tác chiến lược để có thể đạt tới sự tăng trưởng bền vững và nâng cao mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Mặt khác, sự bất định bên ngoài ngày càng cao khi sự cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng gay gắt và xu hướng phi toàn cầu hóa xuất hiện kể từ sau đại dịch COVID-19. Điều này cũng có khía cạnh góp phần củng cố giá trị địa chính trị và vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Ngoài ra, các chính sách và cơ chế ở Việt Nam cũng đang thay đổi như thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, điều chỉnh các ưu đãi đầu tư, sắp xếp lại bộ máy chính phủ và hệ thống thuế, do đó doanh nghiệp hai nước sẽ phải thích nghi tốt với môi trường này để vươn tới sự thịnh vượng và phát triển chung.
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 10 năm ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc, là một năm đầy ý nghĩa đối với quan hệ hợp tác đầu tư và thương mại giữa hai nước. Tôi mong rằng Chính phủ Việt Nam sẽ có những chính sách hỗ trợ đầu tư và thương mại tích cực hơn để hai nước đạt được mục tiêu chung đã đề ra.
Trong năm 2024, Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khẳng định vị thế quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Theo Đại sứ, đâu là những thành tựu nổi bật nhất của Việt Nam trong năm qua, đặc biệt là trong các lĩnh vực tăng trưởng kinh tế, ứng dụng công nghệ và vai trò của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và quốc tế? Ngài có nhận thấy những điểm tương đồng nào giữa những thành công này với kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc hay không?
Đại sứ Choi Young Sam: Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao với 7,09% trong năm ngoái, vượt mức dự đoán bất chấp tình hình kinh tế toàn cầu đầy bất ổn, đồng thời kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 786,3 tỷ USD và thặng dư thương mại đạt 24,8 tỷ USD.
Bên cạnh đó, quy mô giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đạt 25,3 tỷ USD, mức cao nhất kể từ sau năm 2020.
Những thành tựu của Việt Nam trong một năm qua có thể được khẳng định ngay bằng những con số cụ thể nêu trên, tuy nhiên hơn hết thảy, tôi muốn đánh giá cao việc Việt Nam đã nỗ lực tích cực để cải thiện cơ chế và môi trường đầu tư làm nền tảng cho sự tăng trưởng kinh tế như vậy.
Ví dụ, để hỗ trợ các nhà đầu tư đang phải đối mặt với gánh nặng thuế gia tăng do áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu vào năm 2024, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị định quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư vào ngày 31/12/2024, ngày cuối cùng của năm. Điều này đã tạo nền tảng để nhiều doanh nghiệp công nghệ cao Hàn Quốc có thể đầu tư và hoạt động kinh doanh ổn định hơn ở Việt Nam.
Ngoài ra, nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp cũng đã được ban hành vào tháng 7 năm ngoái nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư có thể dễ dàng mua và sử dụng năng lượng tái tạo để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Những nỗ lực này sẽ thúc đẩy hơn nữa đầu tư vào Việt Nam, mở rộng xuất khẩu của Việt Nam và cuối cùng góp phần đạt tăng trưởng kinh tế hai con số của Việt Nam.

Hàn Quốc đã đạt được tăng trưởng kinh tế thông qua phát triển tập trung vào ngành sản xuất và xuất khẩu và mô hình này cũng phù hợp với mô hình tăng trưởng Việt Nam đang theo đuổi. Kinh nghiệm của Hàn Quốc với tư cách là đối tác trọng tâm của Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư và thương mại sẽ có thể góp phần to lớn cho quá trình để Việt Nam vươn mình trở thành nước phát triển trong tương lai...
Đại sứ Choi Young Sam: Hàn Quốc đã có thể khẳng định vị thế là cường quốc khoa học công nghệ, thông tin truyền thông và kỹ thuật số thông qua sự kết hợp giữa các chính sách tích cực và đầu tư táo bạo của Chính phủ và sự đổi mới tự nguyện của doanh nghiệp tư nhân.
Những tri thức và kinh nghiệm đó của Hàn Quốc có thể trở thành tài liệu tham khảo hữu ích cho Việt Nam trong quá trình tập trung đưa đổi mới khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển công nghệ xanh thành những trục chính của quá trình phát triển đất nước.
Trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ, hai nước không ngừng thúc đẩy nghiên cứu chung và giao lưu nguồn nhân lực tập trung vào lĩnh vực khoa học công nghệ tiên tiến, bao gồm công nghệ sinh học (BT), công nghệ nano (NT), công nghệ thông tin (IT), công nghệ khí hậu (CT), đồng thời dự kiến mở rộng hợp tác nghiên cứu trong các lĩnh vực chuyển đổi số, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo trong năm 2025.
Đặc biệt, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) được thành lập theo mô hình Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST) thông qua dự án viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Hàn Quốc, đang đóng vai trò biểu tượng cho sự hợp tác khoa học công nghệ giữa hai nước.
Trong tương lai, Viện VKIST được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu công nghệ tiên tiến và đào tạo nhân tài, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển ngành công nghiệp và đổi mới công nghệ của Việt Nam. Bên cạnh đó, dự án ODA trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển trị giá khoảng 30 triệu USD được thực hiện trong vòng 10 năm kể từ năm 2024 đến 2033 sẽ là nền tảng tăng cường hơn nữa sự phát triển công nghệ ứng dụng và hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học tại Việt Nam.
Sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực chuyển đổi số cũng không ngừng được mở rộng. “Diễn đàn số Việt Nam – Hàn Quốc” được tổ chức hàng năm và các sự kiện về AI của Việt Nam đang góp phần để hai nước chia sẻ chính sách, kinh nghiệm và công nghệ mới nhất trong các lĩnh vực chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo, đồng thời thúc đẩy giao lưu giữa doanh nghiệp hai nước.
Ngoài ra, Hàn Quốc đang chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến cơ chế thử nghiệm (sandbox) nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo công nghệ mới và thiết lập các chuẩn mực và cơ chế mới cho thời đại số, đồng thời hỗ trợ tạo nền tảng pháp lý và thể chế nhằm phát triển ngành công nghiệp số của Việt Nam.
Sự hợp tác này đang diễn ra sôi nổi không chỉ ở cấp Chính phủ mà còn cả ở khu vực tư nhân. Tập đoàn Samsung Electronics đã thành lập Trung tâm R&D quy mô lớn tại Việt Nam và đang hợp tác cùng các trường đại học lớn để đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao như mạng lưới, thiết bị di động, bán dẫn…
Trung tâm R&D của Tập đoàn LG Electronics cũng đang góp phần đào tạo nguồn nhân lực nghiên cứu cho Việt Nam thông qua hợp tác với các trường đại học tại Đà Nẵng để nghiên cứu phát triển và tuyển dụng. Công ty Hana Micron đang nỗ lực hợp tác với các trường đại học tại tỉnh Bắc Giang để cung cấp chương trình đào tạo khâu back-end bán dẫn và phát triển nguồn nhân lực.
Trong lĩnh vực công nghệ xanh, Bộ Môi trường Hàn Quốc và Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam hàng năm tổ chức Hội nghị Bộ trưởng và các diễn đàn, hội thảo liên quan đến công nghệ về môi trường để chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc về năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, phát triển vật liệu thân thiện môi trường, qua đó hỗ trợ sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, có tác động đáng kể đến hệ sinh thái sản xuất và công nghệ. Ngài Đại sứ đánh giá như thế nào về những đóng góp hiện tại và tiềm năng của Samsung đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong việc thúc đẩy chuỗi cung ứng trong nước, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ Việt Nam chuyển dịch sang sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn hơn trong ngành công nghiệp bán dẫn và điện tử?
Đại sứ Choi Young Sam: Hoạt động đầu tư của Samsung đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt sự tăng trưởng của ngành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, cũng như hình thành hệ sinh thái công nghệ.
Từ năm 2008, Tập đoàn Samsung Electronics đã xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động tại các khu vực lân cận Hà Nội là tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên và đang sản xuất khoảng một nửa số điện thoại thông minh trên thế giới.
Ngoài ra, Tập đoàn còn xây dựng và vận hành tổ hợp sản xuất thiết bị điện tử gia dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tổng số người lao động Việt Nam đang làm việc tại các dự án của Samsung tại Việt Nam, bao gồm Samsung Display, Samsung Electronics, Samsung SDI… là hơn 90 nghìn người. Bên cạnh đó, tôi được biết số công ty đối tác Việt Nam liên quan đến hệ sinh thái điện thoại thông minh của Samsung là hơn 300 công ty.
Samsung cũng đang theo đuổi các hoạt động đầu tư cho tương lai để đáp ứng chính sách phát triển công nghệ cao của Chính phủ Việt Nam và phù hợp với định hướng chính sách kinh tế của Việt Nam. Samsung Display đã công bố khoản đầu tư mới trị giá 1,8 tỷ USD vào lĩnh vực OLED tiên tiến sử dụng cho ô tô và công nghệ thông tin, bên cạnh hoạt động sản xuất OLED hiện tại dùng cho điện thoại thông minh. Trong khi đó, Samsung Electronics đang xem xét khoản đầu tư mới trong lĩnh vực đóng gói bán dẫn.
Trung tâm Samsung R&D được thành lập năm 2022 với hơn 2.000 nghiên cứu viên, chủ yếu là người Việt Nam, đang nghiên cứu về thiết bị thông minh, công nghệ mạng, phần mềm… Ngoài ra, Tập đoàn thông qua chương trình Samsung Innovation Campus còn đào tạo những công nghệ tiên tiến nhất cho giới trẻ Việt Nam như vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn…
Hàn Quốc đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển cơ sở hạ tầng và năng lượng của Việt Nam. Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng chú trọng phát triển năng lượng xanh và quy hoạch đô thị bền vững, xin Ngài Đại sứ cho biết các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể đóng góp như thế nào vào những nỗ lực này? Ngài có thể chia sẻ một số dự án hoặc chương trình hợp tác tiêu biểu trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, thành phố thông minh và giao thông bền vững hay không?
Đại sứ Choi Young Sam: Chính phủ và các doanh nghiệp Hàn Quốc đang thể hiện sự quan tâm lớn và hy vọng được tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn được Việt Nam quyết định thực hiện gần đây, như dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, nhà máy điện hạt nhân…
Đặc biệt, Hàn Quốc có kinh nghiệm tiếp nhận công nghệ từ quốc gia khác để tự chủ về công nghệ, do đó có thể nói rằng Hàn Quốc là đối tác tối ưu có thể hỗ trợ thiết thực cho Việt Nam trong việc đạt được sự tự chủ về công nghệ và vận hành.
Ngoài ra, Hàn Quốc cũng quan tâm và đang tích cực tham gia vào các dự án phát triển đô thị tại Việt Nam, như đô thị thông minh. Các dự án đô thị thông minh tiên tiến tiêu biểu được các doanh nghiệp Hàn Quốc xây dựng tại Việt Nam có thể kể đến như Khu đô thị Tây Hồ Tây – Starlake Hà Nội của Daewoo, Khu đô thị Nhà Bè – Thành phố Hồ Chí Minh của GS, Khu đô thị Eco Smart City Thủ Thiêm của Lotte…
Trung tâm Hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc về Đô thị Thông minh và Công nghệ Xây dựng đã được thành lập vào năm ngoái, do đó tôi hi vọng sự hợp tác về đô thị thông minh giữa hai nước sẽ ngày càng được tăng cường trong thời gian tới.
Trong lĩnh vực phát triển năng lượng, sản lượng điện than của Việt Nam tính đến năm ngoái đã chiếm 33% tổng sản lượng điện, do đó hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, bao gồm điện khí LNG và điện mặt trời đang diễn ra sôi nổi.
Đối với Dự án Nhà máy điện LNG Long An và Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng – Quảng Trị, các doanh nghiệp Hàn Quốc là GS Energy và Hanwha Energy đã lần lượt được lựa chọn là nhà đầu tư và đang trong tiến hành đàm phán hợp đồng. Trong khi Dự án Nhà máy điện LNG Quỳnh Lập – Nghệ An và Dự án Nhà máy điện LNG Nghi Sơn – Thanh Hóa đang được các doanh nghiệp Hàn Quốc như Posco, SK quan tâm và tham gia đấu thầu.

Đại sứ có tầm nhìn như thế nào về triển vọng hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam? Đâu là những lĩnh vực tiềm năng mà hai nước có thể mở rộng hợp tác?
Đại sứ Choi Young Sam: Có rất nhiều hoạt động giữa hai nước dự định được triển khai trong năm 2025.
Hội nghị thượng đỉnh P4G dự kiến được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 4 và Hội nghị cấp cao APEC dự kiến diễn ra tại Hàn Quốc vào tháng 11.
Hai nước Việt Nam và Hàn Quốc sẽ tiếp tục củng cố sự tin cậy chính trị và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện thông qua việc tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc giữa các lãnh đạo cấp cao, bao gồm cả lãnh đạo cấp cao nhất. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác, bao gồm thực hiện Sáng kiến Đoàn kết Hàn Quốc – ASEAN (KASI) vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Bên cạnh đó, về kinh tế, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác nhằm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều 150 tỷ USD vào năm 2030, đồng thời nâng cao hợp tác trong từng lĩnh vực, như các ngành công nghiệp tương lai và công nghệ cao, hợp tác phát triển, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm, khởi nghiệm, văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân…
Nhiều người đánh giá mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc hiện tại là mối quan hệ tốt đẹp nhất, tuy nhiên tôi cho rằng thời điểm tốt đẹp nhất của mối quan hệ hai nước vẫn chưa tới. Tôi tin rằng tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong mọi lĩnh vực là vô hạn, và tôi sẽ nỗ lực để phát huy hơn nữa những tiềm năng này.
