XEM VIDEO:
Trong chuyến công tác dự hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ, thăm và làm việc tại Mỹ, Liên Hợp Quốc từ ngày 11-17/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các hoạt động dày đặc, xuyên suốt từ khi đặt chân đến thủ đô Washington đến trước khi rời San Francisco.
Chuyến đi lần này của Thủ tướng đã đạt được những kết quả cụ thể ra sao về mặt đa phương cũng như song phương? Tuần Việt Nam có cuộc phỏng vấn Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper về vấn đề này.
Việt Nam đang đi đầu trong xây dựng quan hệ hợp tác Mỹ-ASEAN
Đại sứ chia sẻ:
Đây là dịp để Mỹ và ASEAN kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ và nhân cơ hội này, tìm cách phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa Mỹ và các nước thành viên nói riêng, với cả ASEAN nói chung.
Chúng ta đã có quan hệ mật thiết trong các lĩnh vực từ hợp tác hàng hải, quan hệ nhân dân, đến giáo dục và y tế, nhưng vẫn mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác.
Đại sứ đánh giá thế nào về những đóng góp, sáng kiến của Việt Nam tại hội nghị lần này?
Chúng tôi đánh giá cao và trân trọng vai trò lãnh đạo mà Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đảm nhận trong nhiều lĩnh vực. Ví dụ, về hợp tác hàng hải, Việt Nam là một đối tác hàng đầu của Mỹ trong việc tăng cường quan hệ giữa lực lượng Tuần duyên của Mỹ và Cảnh sát biển của Việt Nam. Tôi nghĩ mối quan hệ này có thể trở thành một hình mẫu cho các quốc gia khác trong ASEAN.
Hà Nội là nơi đặt trụ sở Văn phòng khu vực của Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật Mỹ, nơi cung cấp sự hỗ trợ cấp khu vực cho việc giải quyết các vấn đề y tế trong khu vực và trên toàn cầu.
Việt Nam đang đi đầu trong việc xây dựng quan hệ hợp tác mạnh mẽ hơn giữa Mỹ và ASEAN.
Mỹ sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam
Qua phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), có thể thấy những gì Việt Nam quan tâm hiện nay. Về đối ngoại, đó là: Đề cao chủ nghĩa đa phương, hòa bình hợp tác phát triển, luật pháp quốc tế, trong đó cam kết Việt Nam là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Về kinh tế là: Tăng trưởng xanh, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng; Về ứng phó biến đổi khí hậu là thực hiện các cam kết theo Thỏa thuận Paris và COP26…
Đại sứ chia sẻ thế nào về những cam kết của Mỹ để giúp Việt Nam đạt những mục tiêu này?
Chúng tôi rất hoan nghênh vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong khu vực và trên toàn cầu. Như chúng ta đã thấy, Việt Nam đăng cai hội nghị APEC năm 2017, là Chủ tịch ASEAN năm 2020, là ủy viên không thường trực của HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.
Chúng ta đã thấy Việt Nam nổi lên với tư cách là một nhà lãnh đạo thực sự trên trường khu vực và quốc tế. Đây là điều chúng tôi vô cùng hoan nghênh và đánh giá cao.
Như Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu, các lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai nước bao gồm chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, tăng cường sức chống chịu của chuỗi cung ứng và đổi mới công nghệ. Chính phủ Mỹ sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong những lĩnh vực then chốt này.
Biến đổi khí hậu đương nhiên là một vấn đề nổi bật trong chuyến thăm của cựu Ngoại trưởng Mỹ, và bây giờ là Đặc phái viên của Tổng thống về khí hậu John Kerry đến Việt Nam tháng 2 vừa rồi và trong cuộc gặp tuần trước của ông với Thủ tướng ở Boston.
Rõ ràng, hai quốc gia chúng ta có vị thế thuận lợi để phối hợp chặt chẽ với nhau và Mỹ rất sẵn sàng hợp tác với Việt Nam, dù là về tài chính khí hậu, hay giúp đáp ứng các nhu cầu về công nghệ, hỗ trợ nguồn nhân lực và chuyên môn giúp Việt Nam đối phó với các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đến việc thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh. Mỹ cam kết 100% đối với việc hợp tác trong các lĩnh vực này, để giúp Việt Nam chuyển đổi xanh và sạch thành công.
Thúc đẩy Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng
Theo Đại sứ, bối cảnh thế giới và khu vực hiện tại, cùng những gì vừa diễn ra tại hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ, mang lại thuận lợi gì cho việc củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ ASEAN - Mỹ nói chung, quan hệ song phương nói riêng?
Tôi nghĩ rằng một trong những điều kiện thuận lợi mà chúng ta có được trong quan hệ với ASEAN là sự hiện diện vững chắc của Mỹ trong khu vực.
Ví dụ, đầu tư của Mỹ vào các nước ASEAN đã đạt hơn một nghìn tỷ USD, nhiều hơn tổng giá trị đầu tư của 3 quốc gia xếp sau Mỹ cộng lại. Chúng tôi có những công ty hàng đầu trên thế giới. Thông qua những khoản đầu tư lớn của Mỹ trong khu vực, chúng tôi hàng ngày đang đóng góp vào những nỗ lực của các quốc gia ASEAN trong chuyển đổi nền kinh tế, ứng phó với các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, đẩy mạnh tự do hàng hải và hàng không, củng cố hợp tác y tế, và nhiều lĩnh vực khác.
Chúng tôi muốn quan hệ vốn đã phát triển mạnh mẽ với ASEAN càng trở nên mạnh mẽ hơn, và trong ASEAN, chúng tôi mong có quan hệ mạnh mẽ với Việt Nam.
Một trong những kết quả quan trọng của hội nghị Cấp cao đặc biệt này là Mỹ và ASEAN đã cam kết nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Chúng tôi hy vọng rằng trong tương lai gần, Mỹ sẽ có thể có được kết quả tương tự với Việt Nam, đó là nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược.
Bởi chúng tôi tin tưởng rằng, các nỗ lực chung của hai nước nhằm thúc đẩy một Việt Nam vững mạnh, độc lập và thịnh vượng đòi hỏi một mối quan hệ đối tác chiến lược.
Tôi muốn đề cập tới một lĩnh vực mà trong cuộc họp báo gần đây, Đại sứ khẳng định sẽ là lĩnh vực hợp tác song phương đầy hứa hẹn. Đó là kinh tế số, chuyển đổi số. Trong chuyến thăm và làm việc tại Mỹ vừa qua của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Mỹ và Việt Nam đã có những cam kết cụ thể nào để thúc đẩy sự hợp tác này?
Một trong những điều kiện thuận lợi mà Mỹ mang đến cho mối quan hệ song phương là khi chúng tôi nói về các lĩnh vực như chuyển đổi số, không chỉ Chính phủ mà cả khu vực tư nhân của Mỹ cũng tham gia vào lĩnh vực này.
Như chúng ta đã thấy qua số lượng các bản ghi nhớ về hợp tác được ký kết giữa các công ty Mỹ và đối tác Việt Nam, tôi nghĩ rằng trong tương lai, các bạn sẽ thấy nhiều công ty Mỹ cam kết thúc đẩy nhận thức về kỹ thuật số, dẫn dắt giáo dục giới trẻ về việc làm thế nào để tìm được hướng đi trong một thế giới số ngày càng kết nối chặt chẽ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc gặp với Microsoft, Google, Intel, Apple. Trong các cuộc gặp tuyệt vời này, tất cả các công ty Mỹ đều muốn tham gia vào quá trình chuyển đổi đang diễn ra ở Việt nam, bởi nền kinh tế số là đầu tàu cho sự thịnh vượng, không chỉ ở Việt Nam, mà còn trên phạm vi toàn cầu.
Đây cũng là một lĩnh vực mà tôi nghĩ rằng Mỹ cũng rất muốn tham gia. Chúng tôi muốn hợp tác và hỗ trợ Việt Nam hết sức có thể.
Đưa người Mỹ và Việt Nam xích lại gần nhau nhất có thể
Đâu là những ưu tiên, trọng tâm mà Đại sứ đặt ra trong nhiệm kỳ này tại Việt Nam?
Đó là một danh sách rất dài. Tôi không chắc có thể đạt được mọi mục tiêu trong nhiệm kỳ của tôi. Nhưng tất nhiên, mục tiêu cuối cùng của tôi là củng cố quan hệ đối tác, làm sâu sắc hơn tình hữu nghị giữa hai quốc gia.
Tôi nghĩ chúng ta có thể thực hiện được điều này thông qua việc tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư; qua việc thúc đẩy hợp tác giáo dục.
Chúng ta cũng có thể tăng cường tình hữu nghị bằng cách làm sâu sắc hợp quan hệ hợp tác giữa hai hệ thống y tế, và tìm cách xây những cây cầu kết nối các bệnh viện của Việt Nam và Mỹ, kết nối các trường đại học, vì mục đích giáo dục, tìm cách đưa nhiều thanh niên Mỹ đến với Việt Nam và ngược lại.
Quan hệ giữa người dân hai nước là nền tảng để hai bên có thể thực hiện mọi hoạt động hợp tác khác. Người dân càng tiếp xúc giao lưu nhiều thì chúng ta sẽ càng hợp tác tốt hơn trong các lĩnh vực như khoa học, công nghệ, an ninh và các lĩnh vực khác.
Mục tiêu của tôi là tìm cách đưa nhiều người Mỹ và Việt Nam xích lại gần nhau nhất có thể nhằm thực hiện các mục tiêu chung của hai nước. Bởi chúng ta thực sự chia sẻ nhiều lợi ích, mục tiêu, và làm thế nào để hiện thực hóa chúng là một trong những ưu tiên hàng đầu của tôi.
Diệu Thúy - Đức Yên - Huy Phúc - Phạm Hải