"Đây sẽ trở thành biểu tượng và vật chất của sự hiện diện ngoại giao đầu tiên của Mỹ tại đây trong một phần tư thế kỷ qua'', bà Albright nói. Bà tránh đề cập trực tiếp đến cuộc chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của gần 58.000 quân nhân Mỹ cũng như khoảng 3 triệu người lính và dân thường Việt Nam, tờ New York Times đăng tải trong bài viết ngày 29/6/1997.

Hai dân tộc trên hành trình chung

Bà Albright là Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến TP.HCM kể từ khi quân giải phóng nắm giữ thành phố (tên gọi lúc đó là Sài Gòn), Đại sứ Mỹ di tản và chiến tranh kết thúc. Bà nói, Lãnh sự quán mới tượng trưng cho ''hai dân tộc trên hành trình chung từ xung đột đau thương đến tôn trọng lẫn nhau",  New York Times cho biết.

{keywords}
Bà Albright là Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến thăm TP.HCM kể từ sau 1975

Tuy nhiên, trong khi tất cả những nỗ lực của nữ Ngoại trưởng tập trung vào tương lai của mối quan hệ Việt - Mỹ, chẳng hạn như gặp gỡ các doanh nhân Mỹ và các tổ chức từ thiện giúp đỡ người Việt Nam, thì cuộc chiến trong quá khứ vẫn phủ bóng lên chuyến thăm của bà.

Nhấn mạnh nhu cầu phải có thêm các cải cách ở Việt Nam và đề cập đến đầu tư của Mỹ, bà luôn thận trọng khi nói rằng ''ưu tiên quốc gia cao nhất của Mỹ'' vẫn là tìm kiếm 1.584 người Mỹ mất tích trong chiến tranh.

Theo bà Albright, nhu cầu có được tài liệu thống kê đầy đủ nhất có thể rất quan trọng, ''để quá khứ có thể được bỏ lại sau lưng chúng ta". 

Khi đó, phe đối lập chính trị ủng hộ việc cử ông Pete Peterson làm Đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Việt Nam, bất chấp việc ông từng là phi công hải quân tham chiến đồng thời là cựu tù binh chiến tranh (POW) ở Việt Nam. Nhưng phe đối lập chính trị gần như phản đối việc thiết lập Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM trong khi bà Albright và ông Peterson muốn đặt viên đá nền móng trong chuyến công du của bà ở đây.

Hai lần đến Việt Nam

Ông Ngô Quang Xuân - người từng giữ trọng trách Đại sứ Việt Nam tại LHQ về quá trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ trong bài viết đăng tải năm 2016 kể lại:

Một ngày đầu tháng 7/1995, giữa mùa hè nhưng thời tiết New York khá dễ chịu, tiếng điện thoại phòng làm việc của tôi trên tầng 29 rung lên rộn rã. Tôi nghe giọng hồi hộp bất thường của cô thư ký Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ: “Thưa Đại sứ, Phái đoàn Mỹ vừa gọi báo là Đại sứ Madeleine Albright muốn nói chuyện điện thoại trực tiếp với Đại sứ”.

Từ đầu dây bên kia, tôi nghe giọng bà Albright rất trịnh trọng, nhưng bà không giấu niềm vui của mình: “Tôi rất hân hạnh và trân trọng thông báo với ngài Đại sứ, vào ngày 11/7 này, Tổng thống Bill Clinton sẽ tuyên bố chính thức bình thường hóa quan hệ với Việt Nam!”.

{keywords}
Bà Albright trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức Ngoại trưởng Mỹ, ngày 23/1/1997 tại Nhà Trắng. Ảnh: AP

Là nữ Đại sứ đầu tiên của Mỹ bên cạnh LHQ từ tháng 2/1993 đến hết năm 1997, bà Madeleine Albright nổi tiếng là một nhà ngoại giao nữ khá rắn. Tôi từng cảm thấy Tổng thư ký LHQ Boutros B. Ghali và Đại sứ một số nước rất ngại “va chạm” với bà. Vài người bạn hỏi tôi hình như có “bí quyết” gì đó khi thấy quan hệ thân thiện giữa chúng tôi, họ thường thấy Madeleine nở nụ cười những khi tôi gặp, bắt tay chào bà. 

Bà M.Albright, nữ Ngoại trưởng đầu tiên của Mỹ, đã qua đời hôm 23/3 ở tuổi 84. Bà làm Ngoại trưởng từ 1997 - 2001 dưới thời Tổng thống Bill Clinton.

Tôi còn nhớ, bên hành lang cuộc gặp tham vấn Việt Nam được mời dự lần đầu tiên giữa Đại sứ Mỹ và các Đại sứ ASEAN, bà Madeleine có kể với tôi rằng, sau khi tham gia một dự án từ thiện ở Việt Nam, cô con gái của bà trở nên rất yêu thích đất nước và con người Việt Nam.

Bước ngoặt lịch sử

Ngày 11/7/1995 ở Washington D.C. và ngày 12/7/1995 ở Hà Nội đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong quan hệ Việt - Mỹ khi Tổng thống Bill Clinton và Thủ tướng Võ Văn Kiệt tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 6/1997, bà Albright đã ký Hiệp định về thiết lập quan hệ quyền tác giả với Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm.

Ngày 11/3/1998, Tổng thống Clinton tuyên bố miễn áp dụng đạo luật bổ sung Jackson Vanik đối với Việt Nam. Sau đó, hằng năm Tổng thống Mỹ ra quyết định gia hạn miễn áp dụng đạo luật này đối với Việt Nam. Luật bổ sung Jackson Vanik được Quốc hội Mỹ đưa ra năm 1974 với nội dung chủ yếu là cấm dành quy chế tối huệ quốc trong buôn bán với các nước XHCN và không cho phép các quốc gia này tiếp cận những chương trình của Chính phủ Mỹ.

Từ ngày 30/9 - 2/10/1998, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm lần đầu thăm chính thức Mỹ. Gần 1 năm sau đó, từ 6-7/9/1999, nữ Ngoại trưởng Mỹ Albright thăm Việt Nam lần thứ hai…

Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, người đảm nhận cương vị Đại sứ Việt Nam tại Mỹ từ 2014 - 2018 trong lần trả lời phỏng vấn của Tuần Việt Nam cuối tháng 8/2021 đã nhấn mạnh, đây là lúc cần rà lại quan hệ Việt - Mỹ, tính chuyện đặt tên quan hệ như thế nào nếu nhìn vào danh sách gần 20 nước có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Đã tới lúc phải suy nghĩ, có lộ trình sớm, vì lợi ích của Việt Nam, và để xứng với tầm quan hệ hai nước.

Quỳnh Anh - Thái An tổng hợp 

Quan hệ Việt - Mỹ mang cả tính toàn diện và chiến lược

Quan hệ Việt - Mỹ mang cả tính toàn diện và chiến lược

Đây là lúc cần rà lại quan hệ Việt - Mỹ, tính chuyện đặt tên quan hệ như thế nào, vì lợi ích của Việt Nam, và để xứng với tầm quan hệ hai nước.