Ám ảnh những khu trọ “chuồng cọp”

Thông tin về vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) khiến cộng đồng mạng đau xót, tiếc thương cho những nạn nhân xấu số. Đồng thời, mọi người chia sẻ kỷ niệm từng sống trong nhà trọ có kết cấu tương tự.

Bạn trẻ D.T.D. chia sẻ: “Mình nghe tin mà đau lòng quá. Mình từng sống ở Hà Nội 8 năm, cũng vào trong ngách để tìm một căn phòng nhỏ chung chủ, rẻ nhất nhưng vẫn phải ghép với bạn để chia tiền thuê. 

Ngày ấy cũng nghĩ nếu cháy thì xoay xở như nào trong cái 'chuồng cọp' này?

Rồi cũng chuyển được tới nơi tốt hơn, nhưng vẫn sợ bầu không khí ngột ngạt của Hà Nội nên về quê. Nhưng bạn bè, em gái, gia đình của mình vẫn nhiều người ở Hà Nội”.

ảnh 1   cháy nhà trọ.jpg
Một đoạn ngách 8, ngõ 82, phố Yên Lãng, quận Đống Đa. Ảnh: Đức Vũ

Bên dưới bình luận của D., Nguyễn Ngọc Anh nhắc đến một sự việc khiến cô quyết định chuyển chỗ trọ. 

Ngọc Anh kể, ngày trước cô từng sống ở một khu trọ nằm trong ngóc ngách tối tăm với mong muốn giảm chi phí. 

Rồi một ngày, trụ điện ngay trước nhà trọ cháy to, cả khu trọ hoảng loạn tìm cách thoát ra ngoài. May mắn, vụ cháy được khống chế nhanh chóng, không lan đến khu trọ. 

Sau hôm đó, Ngọc Anh nghĩ đến cảnh nếu cháy xảy ra thì cô chỉ có thể nằm im chờ chết. Vì vậy, cô quyết định chuyển chỗ trọ dù phải mất tiền thuê nhiều hơn trước.

Tương tự Ngọc Anh, Phương Thảo cũng trải qua 4 năm sống trọ trong căn phòng rộng 10m2 với 2 người khác. Căn phòng ở tầng 1, không có cửa sổ, chỉ có lỗ thoáng khí bằng 2 viên gạch. 

“Phòng nào cũng dùng bếp gas, còn chỗ để xe chật ních, có khi còn phải trèo lên xe để mở cửa. Đó cũng là lối thoát nạn duy nhất của khu trọ”, Thảo cho biết.

Có lần, trụ điện trước nhà trọ bốc cháy, lửa hừng hực. Dập lửa xong, cả ngõ như một bãi hoang tàn, mùi khét xộc vào phòng, bám mùi đến mấy ngày.

Vậy mà ngày đó, Thảo thấy bình thường, không biết sợ, bởi bạn bè xung quanh cũng giống như mình. Bây giờ, nghe tin cháy chết người, Thảo thấy buồn, xót xa và thấy mình may mắn. 

Tài khoản Nguyễn Thanh Tâm diễn tả bản thân đã hạnh phúc đến nhường nào khi có đủ tiền chuyển sang chỗ trọ tốt hơn. 

Trước đó, Tâm thường tìm thuê phòng ở những khu trọ dành cho người bán hàng rong. Ở đó có mấy căn phòng trọ ọp ẹp và ngột ngạt.

“Đi làm vài năm, mình chuyển sang một căn trọ mới tốt hơn, sạch sẽ hơn. Lúc đó, mình hạnh phúc đến mức không có từ ngữ nào có thể diễn tả. 

Nhiều người chê trách những người như mình tại sao thuê chỗ trọ chật hẹp, tự đưa bản thân vào chỗ nguy hiểm. 

Mấy ai hiểu khi bản thân không tiền, gia đình không có khả năng hỗ trợ, lương tháng về không kịp, đôi lúc phải nhịn đói thì có chỗ để ngủ đã là ổn rồi. 

Ai cũng mong được an toàn. Nhưng sự an toàn không miễn phí”, Tâm chia sẻ.

IMG_3814.JPG
Ảnh: Đức Vũ

Về quê, chuyển chỗ trọ

Bên dưới một bài đăng tin vụ cháy, Hoài An bình luận: “Ở căn nhà ấy, các bạn phần lớn trạc tuổi mình, đều từ quê lên Hà Nội học đại học. 

Mới hôm nào, chúng mình còn ngồi trêu nhau bảo sau này về Sầm Sơn tắm biển. Vậy mà, các bạn ấy dừng lại rồi. 

Mình chuyển đi không lâu trước khi vụ cháy xảy ra. Điều mình không ngờ chính là không bao giờ gặp lại các bạn nữa”.

Cũng bên dưới bài đăng này, nữ sinh Thu Thủy "tag" bạn thân Lan Thy vào xem và kèm theo lời nhắn: 

"Hai đứa mình tìm thêm việc làm, cố gắng kiếm tiền chuyển chỗ trọ càng nhanh càng tốt. Nhà trọ của mình cũng giống như căn nhà này, nếu có cháy thì chỉ có cách nằm chờ chết".

Tài khoản Lan Thy đồng tình với tâm sự của bạn cùng phòng. Cô cũng tỏ ra lo lắng nhưng chưa biết phải làm sao. 

"Sáng sớm (24/5), bố gọi cho tớ, điều mà ông chẳng làm bao giờ. Ông hỏi tớ có nghe tin gì chưa, tớ hỏi tin gì thì ông nhắc đến vụ cháy. Ông căn dặn mình cẩn thận hơn, cần thiết thì chuyển chỗ trọ", Lan Thy chia sẻ.

w day thep gai copy 2082.jpg
Một khu trọ bị quây kín thép gai. Ảnh: Đình Hiếu

Trong khi đó, chị Trang Thiêm đau xót và đồng cảm với các nạn nhân của vụ cháy. Bởi, vợ chồng chị và 2 con nhỏ từng sống trong căn phòng bé xíu. Mọi sinh hoạt như nấu ăn, rửa bát, tắm gội… đều diễn ra trong nhà vệ sinh.

Trước cảnh sống ngột ngạt, vợ chồng chị quyết định chuyển về quê, cho các con có môi trường sống tốt hơn. Mặc dù, cả nhà chị vẫn ở nhà thuê nhưng rộng rãi và thoải mái hơn ở Hà Nội.

Bạn trẻ Đinh Quỳnh Anh tâm sự, trước đó, cô cũng học tập và làm việc ở Hà Nội. Cô cùng 4 người khác sống trọ trong căn phòng 25m2 tù túng, có cửa sổ bằng khung sắt.

Sau vài năm, Quỳnh Anh suy nghĩ, nếu có bám trụ mãi ở Hà Nội thì tiền lương cũng chỉ đủ trả tiền phòng và chi phí sinh hoạt. Đổi lại, môi trường sống bí bách, ồn ào, mệt mỏi. 

Thế nên, cô quyết định về quê, chấp nhận mức lương thấp, cơ hội việc làm ít hơn. Nhưng, cô được gần bố mẹ, tự do, tâm lý thoải mái… 

Đọc kinh nghiệm của những người từng trải, Kiều Diễm băn khoăn: "Mình cũng muốn về quê nhưng về quê thì làm gì? Làm gì có ai muốn xa nhà? Làm gì có ai muốn sống ở nơi chật chội và nguy hiểm như thế".

Động viên Diễm, tài khoản An Trà viết: "Thật ra, ở đâu cũng sẽ có cơ hội việc làm nếu mình kiên trì và cố gắng. Trước, vợ chồng tôi ở Hà Nội làm công nhân, sống trong căn trọ bí bách, thu nhập khá chật vật. 

Sau khi chuyển về quê, chồng làm thợ hồ hoặc làm thuê, tôi bán hàng qua mạng rồi thay đổi nghề liên tục. Ban đầu, cả nhà 4 người vất vả lắm nhưng giờ ổn rồi. Bạn đừng sợ về quê sẽ khổ. Mọi thứ rồi cũng ổn thôi".

Đồng quan điểm với Trà, chị Bảo Mi bày tỏ lo lắng cho người em trai không chịu về quê sinh sống. Chị Mi nói: "Em trai tôi chê về quê buồn chán, không có việc làm, bon chen sống ở Hà Nội cho bằng bạn bằng bè. 

Mỗi lần nghe tin ở Hà Nội có cháy, tôi và mẹ tay chân rụng rời, gọi điện cho em liên tục. Tôi vừa gọi cho em ấy, kêu chuyển trọ hoặc về quê sống nhưng có vẻ em còn chủ quan lắm".

Thanh Thảo xúc động: “Chúng ta rời quê nhà đến nơi khác tìm kiếm tương lai tốt hơn. Nhưng rồi, vài người có tương lai tốt hơn thật, nhưng lại có những người mãi mãi nằm lại.

Tôi từng sống trong những căn phòng như thế nhưng may mắn, bố mẹ dứt khoát bắt tôi chuyển đi nơi khác. 

Dẫu biết, mỗi người gặp phải những khó khăn khác nhau, có người không có cơ hội để chọn môi trường sống tốt hơn. 

Tuy nhiên, chúng ta có thể cảnh giác, lên phương án dự phòng để đối phó với những tình huống nguy hiểm khi cháy nổ”.