Làm gì có ai muốn ở trong một căn phòng nhỏ trên lầu bí rìn rịt, muốn lên được phải trèo qua hàng chục bậc cầu thang tối như hũ nút chật ních. Mùa hè phòng nóng hầm hập như phòng xông hơi; mùa đông gió rít lạnh ngắt; mưa gió nước nôi chảy tràn vào nhà; phòng ốc thì mốc meo ẩm thấp cùng với gián và chuột.
Làm gì có ai muốn ở trong một căn nhà chung chủ, bị giới hạn thời gian giờ giấc, chung đụng với người khác từ khoảng sân, cái nhà vệ sinh hay cái hiên nhà. Sống trong nhà nhưng cứ phải nhìn trước ngó sau, cố gắng không ảnh hưởng tới ai mà nín thở mong đừng ai ảnh hưởng tới mình.
Làm gì có ai muốn rời cái nhà ở quê rộng rãi có sân có vườn có con chó con mèo chạy quanh, có khoảng trời cao rất rộng đón lấy nắng mưa, trăng sao mỗi ngày để tới nơi đông đúc, người ta đo với nhau từng mét vuông, nhốt mình trong những cái chuồng cọp kiên cố, vững chãi giữ được của nhưng không hứa giữ tính mạng người?
Tôi đi tìm phòng trọ, lang thang hết cả trên mạng lẫn lê la bao nhiêu con hẻm hẹp đường đông để tìm thấy một cái biển “cho thuê nhà".
Tôi nhanh nhẹn ấn số điện thoại in trên tấm biển hẹn chủ nhà cho gặp xem phòng. Tôi cứ lê la dưới nắng dưới mưa tìm mải mê hàng chục con ngõ, hàng trăm tấm biển như thế.
Gọi điện, hỏi giá, hẹn lịch xem phòng, rồi lại gọi điện hỏi giá…
Tôi đi xem một căn phòng thoáng đãng, có cửa sổ, có hiên nhà, có giếng trời, có ban công, phòng ốc thoáng mát sạch sẽ, có cách âm chống cháy có thoát hiểm có báo động… Tụi tôi hỏi giá rồi tự ngậm ngùi nhìn nhau: "Đẹp nhưng mà mắc quá ạ, em cảm ơn anh, cháu cảm ơn chú, con cảm ơn cô".
Rồi tôi đi vào sâu trong con ngõ hẹp hơn, quẹo qua con hẻm nhỏ hơn, lách người và xe qua những người và xe khác. Tìm thấy một căn nhà nhỏ xíu chồng tầng, bên trong là cả chục hộ cùng chen nhau ở.
- Phòng hơi cũ tí, không có cửa sổ nên hơi bí tí mẹ ạ.
- Khu nấu ăn chung ạ, có mấy nhà cùng nấu ở đấy.
- Không thì con nấu trong phòng cũng được. Một góc là giường, một góc để bàn học với tủ quần áo, gần cửa con để đủ lạnh giá bát với nấu ở đấy luôn. Không sao đâu, mùi một tí thì con bật quạt.
- Nhà vệ sinh này cũng chung, có 3 phòng chung nhau chắc tầm 10 người ạ.
- Chỗ để xe hơi chật một tí, muốn lấy xe hơi khó. Xe con mà để bên trong thì phải dắt 2-3 xe khác mới lấy được đấy.
- Thoát hiểm á? Chống cháy á? Không có đâu, nhà dân mà mẹ. Chắc không sao đâu, mình có làm cái gì đâu mà cháy.
- Hơi xa trường con một tí, nhưng gần trường thì đắt lắm.
- Nói chung là cũng tàm tạm mẹ ạ. Được cái rẻ - tôi nói với mẹ
Tôi đi tìm thêm người ở ghép. Vì dẫu có rẻ thì khi còn là sinh viên hoặc khi mới đi làm, căn phòng hẹp tối om ấy cũng phải chia ra cho vài người.
Tôi viết bài này vì mỗi lần có những sự vụ như này xảy ra, đều có vô cùng nhiều người đứng ngoài vô cảm phán xét “biết là nguy hiểm mà vẫn chui vào, ngu thì chết chứ tội tình gì”; “quê thì không ở cứ lao xuống thành phố đi"; “biết cái nhà ấy sửa xe đạp điện rồi sao còn thuê?”...
Người ta dễ nói ra điều đó vì họ đứng ngoài, họ không phải chịu hoàn cảnh của một người cầm theo một chiếc ví lép kẹp đi tìm trọ, họ càng không phải là người nằm trong đám cháy, bị đám cháy nuốt chửng nên họ không thể hiểu được.
Chung cư mini hay nhà trọ chung chủ chỉ là một trong hàng chục nghìn những ngôi nhà như thế. Những nạn nhân cũng chỉ là một số trong hàng triệu người chung hoàn cảnh sống như vậy.
Người ta có biết sống ở nơi như vậy là rủi ro không? Có!
Có lựa chọn khác tốt hơn không? Có! Nhưng là khi mức sống của họ tốt hơn thì họ mới có được lựa chọn ấy.
Người ta bảo người nghèo hay xui. Không phải tự dưng mà người nghèo dễ xui hơn.
Ai cũng mưu cầu hạnh phúc cả, thế nên người ta chen lên thành phố học tập, lao động để tìm một tương lai tốt đẹp hơn. Trong lúc ấy họ chấp nhận chịu khổ một chút, chịu khó một chút để rồi một ngày ngoi lên.
Có người có ngày ấy, có người thì không.