Ngăn "cò đất" lợi dụng bảng giá đất điều chỉnh để "thổi" giá
Liên quan đến bảng giá đất điều chỉnh vừa được UBND TPHCM ban hành và áp dụng từ ngày 31/10 đến hết ngày 31/12/2025, các chuyên gia bất động sản đã đưa ra nhận định về những tác động.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP (HoREA), bảng giá đất điều chỉnh được xây dựng tuân thủ nguyên tắc định giá theo giá thị trường. Cơ quan soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia.
So với dự thảo đưa ra lấy ý kiến vào cuối tháng 7 vừa qua, Chủ tịch HoREA cho rằng bảng giá đất vừa ban hành đã có sự cân chỉnh, thay đổi “hợp tình, hợp lý” theo hướng tích cực.
Đơn cử như tại huyện Hóc Môn, theo dự thảo, giá đất ở có nơi tăng 50,7 lần so với bảng giá năm 2020, nhưng với bảng giá điều chỉnh thì mức này chỉ tăng gần 40 lần.
Về tác động, theo ông Châu, bảng giá đất điều chỉnh đảm bảo công bằng giữa những người đã thực hiện nghĩa vụ tài chính trong 10 tháng đầu năm nay so với các trường hợp kể từ ngày 31/10 trở đi.
“Bảng giá đất điều chỉnh chưa tác động ngay đến thị trường bất động sản do các dự án nhà ở thương mại hiện được định giá đất theo phương pháp thặng dư. Nhưng một thời gian sau, khi các chủ đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để làm dự án thì người dân sẽ có tâm lý muốn giá cao hơn trước đây, dẫn đến làm tăng giá nhà” - ông Châu nói.
Chủ tịch HoREA kiến nghị cơ quan nhà nước cần có biện pháp kiểm soát hoạt động của giới “đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương”, bởi nhóm đối tượng này có thể lợi dụng bảng giá đất điều chỉnh để đầu cơ, “thổi” giá.
Đất nền sẽ tăng 50% sau 1 năm?
Chia sẻ với PV VietNamNet, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho rằng theo Luật Đất đai năm 2024, giá đất phải tiệm cận giá thị trường. Do giá đất hiện nay tại thành phố đã biến động nhiều so với bảng giá năm 2020 nên việc điều chỉnh là cần thiết.
So với bảng giá năm 2020, giá đất tại bảng điều chỉnh tăng bình quân từ 4-35 lần. Điều này tác động đến giá của hầu hết các loại hình bất động sản và mọi ngóc ngách của thị trường.
Tuy nhiên, ông Quang nhìn nhận chịu ảnh hưởng nhiều nhất là loại hình đất nền vùng ven. Bảng giá điều chỉnh theo hướng tăng sẽ dẫn đến giá đất nền tăng theo.
"Đây là điều không thể tránh khỏi" - ông Quang khẳng định.
“Trước tiên, từ 3-6 tháng tới, giá đất nền hiện hữu sẽ tăng từ 20-30% so với hiện nay. Tiếp theo, giai đoạn từ 6 tháng đến 1 năm nữa, giá đất nền sẽ tăng từ 30-50%” - vị chuyên gia này nhận định.
Loại hình bất động sản tiếp theo bị ảnh hưởng là nhà phố liền kề có giá bán dưới 7 tỷ đồng. Cùng với đà tăng giá của đất nền, nhà phố liền kề dự báo cũng sẽ tăng theo.
Đối với các dự án nhà ở thương mại, theo ông Quang, giá đất tăng sẽ khiến cho các chủ đầu tư gặp khó khăn hơn trong việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ người dân bởi khi đó chi phí đền bù sẽ cao hơn. Do vậy, giá nhà tại dự án cũng sẽ leo thang.
“Tác động của bảng giá đất mới lên thị trường bất động sản chưa thật sự rõ nét nhưng vài tháng qua, một số chủ đầu tư khi tung dự án mới ra thị trường đều bán giá khá cao. Không loại trừ các chủ dự án lợi dụng việc điều chỉnh bảng giá đất để đẩy giá bán” - ông Quang phân tích.
Về tâm lý của nhà đầu tư, vị chuyên gia này cho rằng những người đang găm giữ đất nền có thổ cư thì sẽ có xu hướng ghim hàng chờ tăng giá. Còn những nhà đầu tư nếu nắm giữ đất nền nhưng là đất nông nghiệp thì lại bối rối.
Trong khi đó, nhà đầu tư căn hộ chung cư đang được hưởng lợi rất nhiều từ việc điều chỉnh giá đất.
Vị này cũng nhận xét "giao dịch của thị trường hiện nay chủ yếu là căn hộ. Không chỉ các dự án chung cư mới mở bán, giá căn hộ trên thị trường thứ cấp cũng sẽ không ngừng tăng".