Hạn chế đầu tư R&D, không dễ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
Theo các chuyên gia kinh tế, hai động lực chính thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa gồm: Sự phát triển của cách mạng khoa học công nghệ, và việc dỡ bỏ các rào cản trong các hoạt động thương mại, đầu tư ở các lĩnh vực.
Trong thời đại VUCA (Biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ), một quốc gia muốn có đột phá thì phải lấy khoa học công nghệ làm ưu tiên hàng đầu.
Việt Nam đang mất dần lợi thế so sánh khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Lợi thế tuyệt đối có thể được tạo ra qua hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ.
Thế nhưng, “đầu tư cho hoạt động R&D khoa học công nghệ của chúng ta quá thấp. Thay vì cam kết tối thiểu 2% GDP mỗi năm như nhiều quốc gia khác, thực tế tại Việt Nam hiện nay, Chính phủ chỉ chi 0,4% GDP (khoảng 2 tỷ USD). Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì không có khả năng lo vốn đầu tư R&D, khó đầu tư hiệu quả cho khoa học công nghệ khi công nghệ thay đổi quá nhanh. Đầu tư cho R&D khoa học công nghệ như hiện nay thì chúng ta khó bắt kịp thế giới, không nói đến chuyện vượt”, Tiến sĩ Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu Chiến lược – Chính sách Bộ Công Thương phản ánh thực tế đáng quan ngại.
“Tôi vừa có chuyến làm việc với Tập đoàn Hòa Phát. Doanh nghiệp này đang xây dựng nhà máy trong Quảng Ngãi. Để chuẩn bị đáp ứng yêu cầu phát thải carbon thấp các sản phẩm thép, Hòa Phát đã đầu tư quy mô lớn cho hệ thống mới với công nghệ, máy móc hiện đại, thế nhưng ở thời điểm hiện tại vẫn không đáp ứng tiêu chuẩn của châu Âu”, Tiến sĩ Khôi kể câu chuyện có thật, đồng thời nhận định, dường như doanh nghiệp Việt Nam đang chuẩn bị quá muộn cho hoạt động đầu tư công nghệ, đổi mới sáng tạo để có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Tiến sĩ Khôi lưu ý, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới (không còn sự ân hạn cho những quốc gia kém phát triển), những hiệp định đa phương như CPTPP…
Nếu chỉ là hiệp định song phương, hôm nay chúng ta chưa đạt các tiêu chí yêu cầu của đối tác thì có thể phấn đấu dần, mai kia đạt cũng được. Còn với hiệp định đa phương có nhiều đối tác, “nếu chúng ta chưa chuẩn bị kịp trong khi người khác đã sẵn sàng thì họ sẽ “ngồi vào mâm”, sau này rất khó gạt họ ra để mình chen chân vào”, ông Khôi cảnh báo.
Thẳng thắn nhìn nhận hiện trạng, song Tiến sĩ Khôi không đồng tình với cách nhìn quá bi quan, cho rằng doanh nghiệp Việt không thể tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu. Ông khẳng định, doanh nghiệp Việt Nam rất nhanh nhạy, có khả năng làm được nhiều việc.
“Trên thực tế, đã có doanh nghiệp Việt đáp ứng 100% yêu cầu xuất khẩu của châu Âu. Cosmos sau 2 năm đầu tư công nghệ sản xuất bây giờ gần như đã tham gia chuỗi giá trị sản xuất ô tô của Honda tại Việt Nam. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Viettel có thể tham gia chuỗi của Boeing”, ông nêu một số ví dụ chứng minh cho luận điểm của mình.
Liên quan câu chuyện R&D, Tiến sĩ Khôi dẫn thêm một câu chuyện đáng quan tâm: “Samsung sang Việt Nam, hình thành hẳn trung tâm nghiên cứu với tổng số khoảng 3.000 người. Rất nhiều nhân sự người Việt sau khi đi đào tạo nước ngoài về lại hút hết vào đó. Quốc gia bỏ chi phí đào tạo, Samsung sử dụng miễn phí, và tất cả bản quyền sáng chế đều của Samsung”.
Câu chuyện này cho thấy, cần phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động R&D trực tiếp tại Việt Nam, ứng dụng triển khai cho các doanh nghiệp Việt Nam thì mới thực sự đem lại hiệu quả cho sự phát triển của quốc gia.
Cần nâng cao đường biên công nghệ
R&D và các hoạt động đổi mới sáng tạo đang ngày càng mang tính toàn cầu nhờ vào việc thay đổi tổ chức các chức năng bên trong công ty đa quốc gia. Các công ty này đang quốc tế hóa các hoạt động R&D với tốc độ nhanh hơn và trên quy mô lớn hơn trước đây.
R&D và đổi mới sáng tạo được xem như “chìa khóa” giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất chất lượng, đáp ứng các yêu cầu hội nhập, toàn cầu hóa.
Thế nhưng, hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức.
Tiến sĩ Khôi nhận diện 4 vấn đề nổi cộm.
Thứ nhất, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo còn tồn tại nhiều rào cản, chưa có hành lang pháp lý cho các sản phẩm, dịch vụ mới. Việc ứng dụng, phát triển, đổi mới công nghệ và thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ còn yếu; việc liên kết giữa các chủ thể tham gia vào đổi mới sáng tạo còn lỏng lẻo…
Thứ hai, lao động của Việt Nam còn thiếu chuyên môn sâu, thiếu trình độ công nghệ cao và các kỹ năng cần thiết. Năm 2022, thị trường lao động trong nước chỉ có khoảng 11% lao động có kỹ năng nghề cao và hơn 26% người lao động đã qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ.
Thứ ba, các chỉ số về xếp hạng khoa học của Việt Nam còn thấp, phản ánh chất lượng đổi mới sáng tạo của Việt Nam chưa cao.
Thứ tư, đổi mới sáng tạo ở các doanh nghiệp tương đối yếu do phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn ít, nhân lực không đủ, ngành nghề quy mô nhỏ, không có tiềm lực để đổi mới công nghệ. Thực tế này phản ánh tăng trưởng kinh tế, đổi mới ở Việt Nam chưa thực sự bền vững.
“Việt Nam cần phải tận dụng được các cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nhanh, bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát huy nguồn lực Việt Nam, thì mới có thể vượt qua được bẫy thu nhập trung bình mà 12 nước đi trước đã vượt qua”, Tiến sĩ Khôi khuyến nghị, đồng thời đề xuất luôn một số giải pháp cần tập trung triển khai trong thời gian tới.
Trước hết, cần hỗ trợ đổi mới sáng tạo theo hướng Nhà nước tập trung vào nâng cao năng lực của doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ và tình hình tài chính của doanh nghiệp khởi nghiệp (cải cách sâu về thể chế và thị trường).
Đồng thời, tăng cường đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ. Có các chính sách hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp về cách sử dụng công nghệ tốt nhất và những chính sách này sẽ thay đổi khi năng lực công nghệ trong các doanh nghiệp được cải thiện và phát triển.
Đặc biệt, cần thúc đẩy hoạt động R&D và các ngành công nghiệp mới để nâng cao đường biên công nghệ. Trọng tâm hiệu quả nhất là thúc đẩy áp dụng, thích ứng công nghệ trong tất cả các giai đoạn và các ngành.
Cần tăng mạnh kinh phí cho hoạt động R&D trong thời gian tới, trước hết từ ngân sách nhà nước, đồng thời có cơ chế khuyến khích cao cho đầu tư vào R&D của doanh nghiệp nội cũng như doanh nghiệp FDI.
Cần tăng cường sự hỗ trợ của Chính phủ trong đổi mới sáng tạo thông qua các công cụ chính sách, như: Khuyến khích các khoản trợ cấp để phát triển kỹ thuật tiên tiến, thiết kế sản phẩm, đổi mới sản phẩm/quy trình...
Ngoài ra, cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua đa dạng hoạt động như: Giáo dục chính quy, đào tạo nghề, đào tạo tại chỗ, nhập khẩu hoặc chuyển dịch lao động có kỹ năng…
Ông Nguyễn Hoàng Phương, Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu Phát triển Châu Á – Thái Bình Dương “Chúng tôi vừa kết thúc chuyến đi công tác dài ngày ở một số quốc gia, điểm dừng chân cuối cùng là Trung Quốc. Chúng tôi đi thăm 1 tập đoàn Top 3 châu Á, doanh thu 320 triệu USD/năm, tổng số nhân sự toàn tập đoàn là 324 người. Phòng sale của họ bán hàng cho 68 quốc gia trên toàn cầu nhưng chỉ có 8 người. Thăm quan nhà máy thì không thấy nhiều nhân viên, họ quản trị hoàn toàn bằng công nghệ. Riêng Viện nghiên cứu thuộc tập đoàn lại rất đông, hơn 60 người. Tôi tự nhìn lại mình, đang tham gia công ty có doanh thu 50 triệu USD/năm nhưng toàn bộ nhân sự 3 miền lên tới gần 500 người. Có thể thấy, giá trị gia tăng của 1 nhân sự Việt rất yếu. Yếu tố quan trọng nhất để đổi mới sáng tạo thành công phải bắt đầu từ nhân lực. Nếu không thì kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế chuỗi... phần nào vẫn chỉ dừng ở lý thuyết. |
Ông Phạm Minh Đức, Phó Chủ tịch IMCE Global Chúng ta cần quan tâm hơn tới câu chuyện xuất khẩu các sản phẩm “Made by Vietnam” – sản phẩm do những công ty người Việt Nam sản xuất. Phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu của chúng ta hiện nay làm trong các lĩnh vực nông lâm thủy hải sản, còn sản xuất công nghệ cao về cơ bản là ít. Muốn tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu, cần phải thành lập các viện nghiên cứu, phòng R&D. Thế nhưng, thật khó để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tự mình đầu tư nghiên cứu. Giải pháp là ứng dụng đổi mới sáng tạo mở, tận dụng nguồn lực, kiến thức của khách hàng. Phải xây dựng niềm tin và uy tín để họ chia sẻ lõi công nghệ và cho mình tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của họ. Với hướng này, doanh nghiệp vừa và nhỏ hoàn toàn có thể làm tốt việc R&D. |