1. Dãy phố nào ở Hà Nội có nhiều cửa hàng bán thuốc Đông y?

  • Lãn Ông
    0%
  • Hàng Khoai
    0%
  • Cửa Bắc
    0%
Chính xác

Nhiều năm nay, mỗi khi có nhu cầu dùng thuốc Đông y, người dân Hà Nội lại tìm tới phố Lãn Ông thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm. 

Ban đầu, đây là khu vực buôn bán các mặt hàng thiếc, đồng. Tới những năm đầu thế kỷ 20, phần lớn dân trong vùng mở hiệu bán thuốc bắc. Từ một vài tiệm nhỏ, phố ngày càng tấp nập, lên tới hàng chục cửa hàng thơm lừng mùi thuốc. Người dân có thể mua từ nhân sâm, linh chi, đông trùng hạ thảo đến các loại thảo dược giá rẻ. 

Những người đầu tiên làm nghề thuốc ở phố Lãn Ông đến từ Trung Quốc. Lâu dần, có nhiều lương y người Việt quê gốc ở các làng thuốc như Đa Ngưu, Nghĩa Trai, Ninh Hiệp, Đồng Tâm… 

2. Phố Lãn Ông được đặt theo tên của ai?

  • Một vị quan
    0%
  • Một vị danh y
    0%
  • Một nhân vật truyền thuyết
    0%
Chính xác

Sau năm 1946, tên phố Lãn Ông ra đời bắt nguồn từ biệt hiệu Hải Thượng Lãn Ông của danh y Lê Hữu Trác (1720-1791). Ông sinh ra ở mảnh đất Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương. 

Nhiều người cho rằng, đại danh Hải Thượng Lãn Ông (ông già lười ở Hải Thượng) là kết hợp giữa hai chữ cái đầu tiên của tên tỉnh và tên phủ (tỉnh Hải Dương, phủ Thượng Hồng). Chữ “lười” ám chỉ Lê Hữu Trác chán ghét công danh, không màng mưu lợi, quyền chức. 

3. Lý do Lê Hữu Trác theo nghiệp y học?

  • Nối nghiệp gia đình
    0%
  • Lớn lên ở làng thuốc
    0%
  • Sau một trận ốm
    0%
Chính xác

Ngay từ nhỏ, Lê Hữu Trác đã bộc lộ năng khiếu học hành nên được cha cho lên học trên kinh đô. Ông thi đậu liền Tam trường. Năm 1746, khi người anh cả mất, ông về quê ở Hương Sơn (nay thuộc Hà Tĩnh) để chăm mẹ. 

Bước ngoặt cuộc đời Lê Hữu Trác xảy đến khi ông ốm nặng, 2-3 năm không đỡ. Ông tới điều trị tại chỗ thầy thuốc Trần Độc ở Nam Đàn (Nghệ An). Trần Độc từng thi đỗ cử nhân nhưng quyết định về quê làm thầy thuốc. 

Trong suốt 1 năm chữa bệnh tại đây, Lê Hữu Trác thường nghiên cứu sách y học, nhen nhóm đam mê y thuật và được thầy Trần Độc truyền nghề. Sau đó, Lê Hữu Trác tiếp tục lên kinh đô để học nghề.

4. Danh y Lê Hữu Trác từng chữa bệnh cho ai?

  • Chúa Trịnh Sâm
    0%
  • Thế tử Trịnh Cán
    0%
  • Cả hai
    0%
Chính xác

Năm 1782, khi đã 62 tuổi, Lê Hữu Trác nhận lệnh lên kinh thành chữa bệnh cho Thế tử Trịnh Cán. Bị không ít ngự y ghen ghét, Hải Thượng Lãn Ông cố gắng hoàn thành nhiệm vụ rồi mau chóng rời chốn phồn hoa. 

Không lâu sau đó, Trịnh Sâm lâm bệnh, Trịnh Cán ốm yếu dai dẳng. Lê Hữu Trác lần nữa lên chữa bệnh. Do tuổi cao sức yếu, ít lâu sau Trịnh Sâm băng hà. Con trai là Trịnh Cán lên kế vị. Hải Thượng Lãn Ông viện cớ tuổi già thoái lui về quê.

Vị danh y đã để lại khối di sản đồ sộ. Bộ sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh (gồm 28 tập, 66 quyển) được coi là bách khoa thư y học với các nội dung về nội khoa, sản khoa, phụ khoa, da liễu, nhãn khoa.

5. Mới đây, Hải Thượng Lãn Ông được tổ chức quốc tế nào vinh danh?

  • Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)
    0%
  • Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO)
    0%
  • Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)
    0%
Chính xác

Ngày 22/11, hồ sơ kỷ niệm 300 năm ngày sinh của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã được Tổ chức UNESCO thông qua.

Việc UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông thể hiện đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về những đóng góp của đại danh y đối với xã hội, cộng đồng, nhất là tư tưởng nhân văn “sống vì mọi người” và tinh thần “học tập suốt đời”, là những giá trị mà Tổ chức đang thúc đẩy.

Đến nay, UNESCO đã vinh danh các cá nhân tiêu biểu của Việt Nam gồm danh nhân Nguyễn Trãi (1980), Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990) Nguyễn Du (2015); nhà giáo Chu Văn An (2019); danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (2021); nữ sĩ Hồ Xuân Hương (2021), đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (2023).