1. Vụ tàn sát ngày 21/8/1980 khiến 11 thành viên của đoàn chống dịch hy sinh xảy ra tại địa phương nào?

  • Đắk Lắk
    0%
  • Lâm Đồng
    0%
  • Đồng Nai
    0%
Chính xác

Giai đoạn những năm 1980, Lâm Đồng thường xảy ra các dịch bệnh, đặc biệt là sốt rét. Ngày 21/8/1980, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cử đoàn chống dịch lên đường làm nhiệm vụ, mang theo một cơ số thuốc. Điểm đến là khu vực Đầm Ron (nay thuộc huyện Đam Rông, cách TP Đà Lạt khoảng 100km). 

Đoàn 12 người gồm y bác sĩ, lái xe, kỹ thuật viên của Trạm sốt rét và Trạm vệ sinh phòng dịch, 2 nhân viên của bưu điện tỉnh. Xe đi chống dịch là chiếc Toyota mui bạt của Nhật được UNICEF viện trợ. 

Thời điểm bấy giờ, tổ chức phản động FULRO thường tập kích các đoàn y tế để cướp thuốc. Biết hiểm nguy phía trước nhưng y bác sĩ vẫn lên đường làm nhiệm vụ với bà con. 

Khi đến dốc Cổng trời (thuộc xã Lát, huyện Lạc Dương), xe bị FULRO tấn công, 10 người hy sinh tại chỗ, một người bị thương nặng cũng qua đời trước khi đến kịp bệnh viện. Người duy nhất sống sót là ông Lê Văn Đường (kỹ thuật viên thuộc Trạm sốt rét). Ông Đường trúng 11 phát đạn.

Năm 2011, ngành y tế Lâm Đồng lập nhà bia tưởng niệm ghi danh các liệt sĩ của ngành đặt ngay tại vị trí xe bị tấn công. 

2. Đoàn công tác bị FULRO tấn công năm 1980 khi đang nhận nhiệm vụ chống dịch nào?

  • Sốt rét
    0%
  • Sốt xuất huyết
    0%
  • Tay chân miệng
    0%
Chính xác

Những năm 1980, vùng Nam Tây Nguyên thường xuyên bị các bệnh như sốt rét, tả, lỵ, hạch bùng phát thành dịch. Nhiều đoàn y bác sĩ đi chống dịch phải vượt cả trăm km đường rừng trong điều kiện khó khăn về xe cộ, đường xá, để chữa bệnh cho bà con.

Theo lời kể của ông Lê Văn Đường (người duy nhất sống sót), trước khi xảy ra vụ tàn sát 1 ngày, có công văn báo dịch sốt rét và tả đang diễn ra ở Đam Rông, địa bàn cách Đà Lạt hơn 100 km.

Đoàn chống dịch được thành lập và lên đường. Thành viên của Trạm sốt rét là 5 bác sĩ, y sĩ, kỹ thuật viên là các anh Nguyễn Phú Cường, Nga Ra Đôn, Vũ Công Thìn, K’Téo và Lê Văn Đường.

Trạm Vệ sinh phòng dịch có 4 y sĩ và tài xế gồm Nguyễn Đình Giao, Nguyễn Văn Hải, Trần Mạnh Canh, Phạm Văn Hoàn; Phòng y tế huyện Lạc Dương có y tá Nguyễn Văn Quang.

Ngành bưu điện có 2 người là anh Liêng Jrang Ha Hương và N’Du Ha K’Rang. 

Trong số những liệt sỹ hy sinh, có 6 người chưa lập gia đình.

3. Trên tấm bia tưởng niệm ở dốc Cổng trời (Lạc Dương, Lâm Đồng) có ghi tên bao nhiêu người?

  • 9
    0%
  • 10
    0%
  • 11
    0%
Chính xác

Tấm bia tưởng niệm tại dốc Cổng trời do ngành y tế Lâm Đồng xây dựng, đề tên các liệt sĩ ngành y tế của tỉnh hy sinh ngày 21/8/1980.

Do đó, tấm bia có tên 9 người gồm 3 bác sĩ, 5 y sĩ và y tá, 1 lái xe.

Hai liệt sỹ còn lại là nhân viên thuộc Bưu điện Lâm Đồng, được ghi danh trong nhà bia ngành bưu điện tỉnh này.

4. Trong vụ tấn công trên, người duy nhất sống sót là vì không bị thương? Đúng hay sai?

  • Đúng
    0%
  • Sai
    0%
Chính xác

Ông Lê Văn Đường - người duy nhất sống sót trong vụ tàn sát của FULRO - nghỉ hưu sớm vào năm 1988 do sức khoẻ suy giảm. Nhiều tài liệu ghi lại lời kể của ông Đường.

Theo đó, vụ việc gần như bị quên lãng khoảng 30 năm, cho đến khi nhà bia được thành lập, người đàn ông này mới chia sẻ về sự việc đau lòng trên.

Ông Đường nhớ lại khi xe đến dốc Cổng trời, ông nghe tiếng súng nổ dội vào taluy 2 bên đường. Ông thấy mui xe đã thủng rất nhiều lỗ, anh em trong xe trúng đạn. Ông Đường tuột xuống khỏi mui xe xuống dưới, nằm sát vào taluy.

Khi đó, y sĩ Nguyễn Đình Giao cũng xuống dưới, người đầy máu, bị đạn M79 bắn vào hông. Tiếng súng kéo dài khoảng 15 phút thì xe bốc cháy.

Khi quân FULRO rút đi, ông Đường cố lết đi tìm trại lâm nghiệp gần đó. Tới nơi, ông chỉ kịp nói “cứu anh Giao” rồi ngất xỉu. Ông Đường bị 11 phát đạn trên cơ thể và sống sót.

Ông Giao dù được đưa đi cấp cứu nhưng tử vong trước khi đến bệnh viện. 

5. Việt Nam cam kết loại trừ hoàn toàn bệnh sốt rét vào năm bao nhiêu?

  • 2023
    0%
  • 2030
    0%
  • 2033
    0%
Chính xác

Đầu năm 2023, Việt Nam đã có 42 tỉnh, thành phố công bố loại trừ sốt rét. Đến tháng 12, có thêm 4 tỉnh là Đồng Nai, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Kiên Giang được công nhận loại trừ sốt rét.

Trong 10 tháng đầu năm 2023, số ca sốt rét trên toàn quốc là 394 trường hợp, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2022, tập trung chủ yếu ở Khánh Hòa, Lai Châu, Gia Lai.

Sốt rét là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người. 

Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét do ký sinh trùng sốt rét  P.falciparum năm 2025 và loại trừ hoàn toàn bệnh sốt rét vào năm 2030.

6. Sốt rét và sốt xuất huyết đều do một loại muỗi truyền bệnh. Đúng hay sai?

  • Đúng
    0%
  • Sai
    0%
Chính xác

Sốt rét là căn bệnh gây ra bởi ký sinh trùng đơn bào Plasmodium, lây truyền qua vectơ trung gian là muỗi Anophen. Bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến những khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Triệu chứng của bệnh sốt rét thường xuất hiện sau khoảng từ 8 đến 25 ngày sau khi bị muỗi đốt. Người bệnh sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau bụng, mệt mỏi, thở nhanh, nhịp tim nhanh, ho, mệt mỏi, đau cơ khớp, tiêu chảy.

Thông thường, nguời bệnh trải qua 3 giai đoạn: Rét run – sốt – vã mồ hôi. Sốt rét ác tính nếu không được điều trị kịp thời thì tỷ lệ tử vong rất cao.

Trong khi đó, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra thông qua vectơ trung gian là muỗi cái Aedes aegypti mang bệnh. 

Sốt xuất huyết có thể làm cho người bệnh đau nhức, đặc biệt là vùng cơ và các khớp. Triệu chứng của sốt xuất huyết gồm sốt cao đột ngột, liên tục, khó hạ sốt, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, phát ban, đau cơ, đau khớp, đau hố mắt...

Người bệnh có thể gặp biến chứng nặng như sốc xuất huyết, suy đa tạng dẫn đến tử vong.