Đó là chia sẻ của Giám đốc Công ty TNHH Pun Coffee Lương Ngọc Trâm khi nói về hành trình thay đổi trên những đồi cà phê đặc sản ở Khe Sanh (Hướng Phùng, Hướng Hoá, Quảng Trị) mà chị và chồng cùng thực hiện.
Công thức G+5 để bà con thay đổi thói quen canh tác
Kết thúc cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2024 cuối tháng 4 và giành giải nhất, chị Trâm cùng chồng lại quay về với công việc thường nhật trong căn nhà trên đỉnh đồi Pun đầy nắng và gió. Ngồi phân loại hạt cà phê Arabica, chị nhớ bản thân mình gắn bó với loại cây đặc sản có lịch sử hơn 100 năm ở Khe Sanh đã vài năm nay.
“Mình bắt đầu rời TP HCM về đây từ tháng 9/2019. Còn anh Phan Hồng Phong - chồng mình đã về trước đó một thời gian”, chị nói. Lúc đó, bị nói là “hơi điên”, song vợ chồng chị muốn tiếp nối sự nghiệp mà ba chồng đã đeo đuổi mấy chục năm nay.
Ngày xưa, ba chồng chị là một trong những người đi tiên phong phát triển cây cà phê Arabica ở Hướng Phùng. Ông làm theo cách truyền thống, mua xô quả xanh chín nên chất lượng hạt không cao. Đến khi chồng chị về chỉ tập trung mua cà phê chín đỏ 100% về chế biến.
Thực hiện được một thời gian, cả hai người đều nhận thấy như thế là chưa đủ để xây dựng thương hiệu cho hạt cà phê đặc sản của quê hương mình.
Cú knock-out đầu tiên chị Trâm nếm trải là đại dịch Covid-19. Hàng hoá bán không được, vợ chồng chị phải xoay sang thu mua bồ hòn, bồ kết và bán nông sản khác để nuôi cà phê. Cũng chính thời điểm đó, chị cùng chồng ngồi tính toán lại con đường phát triển bền vững.
“Tụi mình có cây cà phê nào đâu, chỉ thu mua rồi chế biến thôi”, chị cười nói. Song, thay vì chỉ tham gia công đoạn cuối như bao năm vẫn làm, cả hai đều xác định giờ phải liên kết sản xuất thành chuỗi để đảm bảo từ khâu đầu vào đến đầu ra sản phẩm. Bởi, sản phẩm cà phê ngon bắt nguồn từ thổ nhưỡng, phương pháp canh tác, hái lượm và chế biến.
Chồng chị có thế mạnh về kỹ thuật rang xay và trồng trọt nên xây dựng một quy trình về vùng sản xuất nguyên liệu. Các vườn trồng liên kết phải thực hiện theo tiêu chuẩn loại bỏ hoá chất (phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hoá học) trong quá trình canh tác; khi có sâu bệnh sẽ được khuyến cáo sử dụng các chế phẩm sinh học với thời gian cách ly theo đúng chuẩn; phân vi sinh bón cho cây được ủ từ vỏ cà phê và rác thải nông nghiệp… Bà con nông dân còn phải ghi nhật ký canh tác, công ty sẽ thường xuyên đi kiểm tra ngẫu nhiên.
Chị Trâm tâm sự, ở đây bà con đều là người dân tộc Vân Kiều, canh tác cà phê độc canh theo thói quen lạm dụng hoá chất đã mấy chục năm. Sau một thời gian, đất đai không chỉ bạc màu, cây yếu, nhiều sâu bệnh mà môi trường cũng bị ảnh hưởng. Thế nên, vợ chồng chị phải đi gõ cửa từng nhà, thuyết phục cho được bà con thay đổi tập quán trồng truyền thống sang phương thức canh tác thuận tự nhiên.
“Ôi khó lắm đấy. Bà con cũng sợ rủi ro mà. Song Pun Coffee cam kết giá thu mua G+5, tức giá thị trường cộng thêm 5.000 đồng/kg cà phê tươi thì bà con gật đầu đồng ý làm theo”, chị nói.
Làm thế này, cà phê hái chín 100% không chỉ giúp sản lượng mà giá bán cũng cao hơn thị trường. Có hộ dân chỉ bán cà phê chín đã được 10 tấn/ha, thu về 150 triệu đồng. Ngoài ra, họ còn có thêm tiền khi bán cà phê xô nên thu nhập rất khá.
Trong liên kết sản xuất, bà con là người được hưởng lợi đầu tiên. Theo thời gian, mọi người nhận thức tốt hơn nên hành trình của vợ chồng chị cũng nhẹ nhàng hơn. Cứ thế, từ vài hộ, giờ đã vài chục hộ liên kết. Vùng nguyên liệu cà phê cũng lên tới gần 200ha và mục tiêu là 300ha.
Mang rừng về vườn cà phê
“Tụi mình ươm cây giống tặng cho bà con, hỗ trợ một phần phân bón… Còn hạn hán, thiếu nước thì cả tụi mình và bà con đành cam chịu. Rừng mất nhiều, đất đai thoái hoá, các mạch nước trong lòng đất ít đi, đất đai khô cằn”, chị chia sẻ. Do đó, vợ chồng mình nhận ra có hạt cà phê ngon thôi là chưa đủ.
Trên facebook của Pun Coffee thường xuyên nói về việc cây cà phê sinh ra quá nhiều CO2 trong khí quyển gây hiệu ứng nhà kính, nóng lên toàn cầu. Vậy nên, doanh nghiệp phải có trách nhiệm với xã hội, chung tay cải tạo môi trường. Đây cũng là lý do Pun Coffee quyết định triển khai dự án “đem rừng về vườn cà phê” từ năm 2021, nhằm quy hoạch và thiết lập cấu trúc đa dạng sinh học trên những đồi cà phê.
Khi bắt đầu hành trình “trồng 1 triệu cây xanh che bóng” vào các đồi cà phê ở Khe Sanh, bà con đồng bào Vân Kiều chỉ thích trồng cây ăn quả, còn đối tác nước ngoài đưa ra tiêu chí trồng cây lâm nghiệp bản địa (cây gỗ lớn). Đội ngũ của Pun Coffee một lần nữa phải thuyết phục người nông dân, vì bà con nghĩ trồng cây lâm nghiệp thì rất lâu mới được khai thác, trồng bây giờ chưa chắc đã còn sống để bán gỗ.
Vợ chồng chị Trâm phải sát sao hơn, cam kết thu mua giá cao hơn giá thị trường, thường xuyên tổ chức các lớp để chia sẻ lợi ích khi biến những quả đồi cà phê độc canh thành rừng xanh bát ngát. Chị muốn môi trường tốt hơn, để con cháu mai sau biết đến màu xanh của cây cỏ, núi rừng sẽ như thế nào.
Các cây lâm nghiệp như sưa đỏ đang được trồng xen trên đồi cà phê liên kết của Pun Coffee. Còn chuyển đổi phương thức canh tác thì bà con đã thực hiện đến nay là mùa thứ 5.
“Giờ này, những đồi cà phê đã thay đổi rõ rệt. Đi chân không vào vườn cảm nhận được đất rất mát, cảm nhận được mùi thơm của đất, thấy cây cà phê sau khi khai thác quả vẫn khoẻ mạnh, lá xanh tốt, không khí trong lành…”, chị hào hứng chia sẻ.
Bản thân chị tin đất là thực thể sống nên nếu đất không sống thì không sinh ra được sản vật cho mình. Và với vợ chồng chị Trâm, đây đã là một thành công trong hành trình thay đổi những đồi cà phê độc canh sang đa dạng sinh học và thuận tự nhiên.
Đích đến là cà phê nhãn xanh và bán tín chỉ carbon
Cầm trên tay ly cà phê nguyên chất đậm màu hổ phách, chị Trâm trầm ngâm nói, Khe Sanh không phải là nơi lý tưởng để trồng Arabica vì độ cao ở đây chỉ khoảng 550-600m so với mực nước biển. Hạt cà phê nơi đây cũng khá “xấu xí”, tuy nhiên chất lượng lại rất đáng gờm. Các nốt hương rất phong phú, khi uống 1 ly cà phê nóng hay lạnh sẽ cảm nhận được chút vị gừng, tuyết tùng, sả, mắc khén rồi hương ổi hồng, mít, chanh leo, hậu vị rất ngọt.
Đến nay, thương hiệu cà phê Khe Sanh Quảng Trị được lan toả. Pun Coffee cũng nhiều lần giành giải nhất và nằm trong top đầu cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam, đồng thời xếp top 5 cà phê đặc sản toàn cầu. Nhưng với vợ chồng chị Trâm, đích đến cuối cùng là “cà phê nhãn xanh” và bán tín chỉ carbon.
Chị tiết lộ, có vài đối tác ở nước ngoài đang song hành với mình trong việc làm tín chỉ carbon từ cây cà phê. Thế nhưng, để đến được đích bán tín chỉ carbon, vợ chồng chị và bà con đồng bào Vân Kiều còn phải đi chặng đường rất dài. Bây giờ mới là điểm khởi đầu của hành trình.
“Mọi người thường nghĩ cứ trồng cây xanh hấp thụ carbon là giảm được phát thải, bán được tín chỉ. Bản thân mình cũng từng có suy nghĩ là thế. Song, thực tế không phải vậy”. Chị Trâm giải thích, muốn tham gia thị trường hàng hoá vô cùng mới mẻ này, đầu tiên cần đo lường lại vùng nguyên liệu trước khi nông dân tác động đa dạng sinh học. Hiện trạng vùng nguyên liệu đó như thế nào phải có báo cáo, cập nhật bằng hình ảnh. Thực hiện cải tạo chất lượng đất, cây trồng ra sao…
Toàn bộ dữ liệu cần cập nhật, đối tác sẽ cùng đồng hành. Làm được 1-3 năm, các tổ chức sẽ vào đánh giá vùng nguyên liệu, tính toán giá trị cho mỗi tín chỉ carbon. Một số đối tác của Pun Coffee đã làm thành công và bán tín chỉ carbon với giá 5-7 USD tuỳ khu vực và mức độ cải thiện môi trường.
“Pun Coffee đang làm theo hướng dẫn của các nhà rang xay lớn ở nước ngoài vì họ đã có kinh nghiệm”, chị nói. Các nhà rang xay cũng động viên vợ chồng chị nếu làm đúng quy trình, họ sẽ tham gia mua số lượng lớn. Bây giờ chưa tính được tín chỉ carbon, họ có thể hỗ trợ cho 1ha vài trăm USD để nông dân có động lực thực hiện.
Chị Trâm cho biết, hạt cà phê Pun Coffee hiện nay trong tình trạng cung không đủ cầu. Với người làm kinh doanh, như vậy đã là kết quả tốt. Song, vợ chồng chị vẫn quyết tâm chuyển đổi theo hướng sản xuất bền vững và có trách nhiệm. Bởi, mình làm việc gì hôm nay cũng sẽ là tiền đề cho ngày mai, để thế hệ sau kế thừa.
Thế nên, ở bất cứ hành trình nào, kinh nghiệm đúc kết được chỉ là một phần, phần còn lại là dám đi, dám làm và dám thay đổi. Với vợ chồng chị Trâm, phải làm mới biết đâu là đúng, đâu là sai để đi đến thành công.
Bà Nguyễn Hồng Phương - Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, cho biết, Khe Sanh là vùng trồng cà phê Arabica nổi tiếng ở nước ta. Diện tích cà phê nơi đây chỉ khoảng 5.000ha, khá khiêm tốn so với các vùng trồng cà phê ở Tây Nguyên hay Sơn La. Phần lớn cà phê được canh tác theo phương thức độc canh. Thời gian gần đây, bà con đang chuyển dần từ canh tác độc canh sang đa dạng sinh học, cà phê cảnh quan để làm tín chỉ carbon. Chuyển đổi sản xuất sẽ giúp bà con thu được tiền từ bán cà phê và tiền bán tín chỉ carbon. |