Đại đức Thích Tuệ Nhật, Phó Văn phòng Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương cho biết, các cụ xưa đã dạy rằng 'đầu xuôi đuôi lọt'. Do đó, đi chùa đầu năm là cách hướng tâm đến những giá trị bình an, thì cả năm sẽ an lạc, như ý.
- Đại đức có thể chia sẻ với VietNamNet về nét đẹp của truyền thống đi chùa đầu năm của người Việt?
Đầu năm đi chùa lễ Phật là truyền thống tốt đẹp của người Việt. Mọi người đến với cảnh thiền thanh tịnh cầu nguyện một năm sức khỏe, tốt đẹp, may mắn, thành đạt, hòa bình - thể hiện ước muốn 'chân, thiện, mỹ' đối với mình, người thân, đất nước, đó là điều tốt đẹp, cần gìn giữ.
Đồng thời đi chùa lễ Phật đầu năm cũng là thể hiện lòng kính ngưỡng của Phật tử, người dân đối với những ngôi báu cao quý (Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng). Do đó, khi hướng về Tam bảo, đồng nghĩa hướng về những gì tốt đẹp nhất. Qua đó tiếp cận được những lời hay ý đẹp, lời dạy Đức Phật, sự chúc phúc của chư Tăng Ni - có thể xem là năng lượng tích cực cho khởi đầu một năm mới. Với tâm thế đó, một năm sẽ đạt được sự bình an hơn bởi đã hướng đến điều tốt đẹp trong ngày đầu năm.
- Đi chùa đầu năm người dân cần làm gì, giữ tâm thế ra sao để có lợi lạc cho mình và giữ nét đẹp cho ngôi chùa mình tới?
Đi chùa đầu năm, mỗi người nên giữ ba nghiệp (thân, khẩu, ý) của mình thật thanh tịnh. Khi vào chùa, từ ý nghĩ, lời nói, việc làm đều hợp đạo đức, đó là điều rất quan trọng.
Lễ Phật với một sự thành kính. Ngay cả xin lộc cũng không hái hoa bẻ cành, thay vào đó có thể nhận những lời hay ý đẹp, lời chúc phúc, những gửi gắm của quý thầy cô chuẩn bị.
Có người đi đến chùa tụng được thời kinh, làm điều phước nào đó, biết sửa mình tích cực thì càng tốt hơn. Từ đây gợi mở cho chúng ta hướng đến ý thức sống đẹp, tử tế suốt cả một năm.
Thiết nghĩ, nếu cả một năm mà ai cũng giữ mình thanh tịnh, tốt đẹp từ thân, khẩu, ý chắc chắn người ấy sẽ gặp mọi sự tốt và ai gặp họ cũng thấy bình an.
- Cũng có nhiều người đi chùa mang khá nhiều lời cầu nguyện nhưng không hiểu mọi biểu hiện trên đời đều theo luật nhân quả như thầy nói ở trên. Thầy có lời khuyên nào cho ý niệm đi chùa của người dân, Phật tử?
- Tất nhiên, đi chùa lễ Phật ai cũng có ước nguyện để khấn cầu. Nhưng thành tựu được ước nguyện ấy ngoài tâm thành phải có đầy đủ, phước đức, thuận duyên, may mắn. Tất cả không ngoài nhân quả. Chúng ta không mê tín - cầu là phải được hay cầu mới được. Tuy nhiên cũng nên nhớ, ý muốn đạt được một điều gì đó là sự hướng tâm - cũng là duyên ban đầu thúc đẩy mình nỗ lực đúng để đạt được.
Cầu nguyện là chúng ta đã đi được một bước trong ba bước để thành tựu một việc làm. Đầu tiên nhất là phải có niềm tin, phát nguyện, hướng tâm đến mục tiêu. Bước hai là có kế hoạch, việc làm cụ thể. Rồi bước thứ ba, từng bước đạt được hoa trái, mục tiêu đã phát nguyện, đã hướng tâm, đã làm trước đó.
- Nhà chùa, các ban ngành, trong đó có ngành Hướng dẫn Phật tử cần có thông điệp gì cho sinh hoạt viếng chùa đầu năm của Phật tử, người dân, thưa thầy?
Tết cổ truyền là nét đẹp trong văn hóa người Việt. Mong rằng mỗi người con đất Việt sẽ giữ gìn, phát huy truyền thống, văn hóa, tâm linh tốt đẹp này.
Tết đến chúng ta nên đón Tết bằng tâm hoan hỷ, tâm chia sẻ, tâm yêu thương của mình với những người thân, với những mảnh đời khó khăn, bất hạnh. Nên quan tâm lẫn nhau trong đời sống xã hội để có một cái Tết đoàn viên bên họ hàng, anh chị em; kết nối tình làng nghĩa xóm tốt đẹp hơn.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên đi chùa để tham dự vào các khóa lễ cầu nguyện đầu năm, hướng tâm đến những điều tốt đẹp; đặc biệt là đàn Dược Sư ở các chùa. Đó là hoạt động tâm linh rất ý nghĩa được Phật giáo chuyển tải đến người dân.
Nên nhớ khi đến chùa lễ Phật, cũng nên tránh xa những điều phi pháp, tiêu cực như rượu chè, cờ bạc, say xỉn, cá độ. Đầu năm nên hướng tâm đến điều tích cực, lành mạnh, trong sáng, bình an để có một năm mới an lạc, sức khỏe, thành công. Các cụ xưa đã dạy 'đầu xuôi đuôi lọt', khởi đầu năm mới an lạc cả năm sẽ thành công!
Nên hiểu lộc chùa ra sao? Xin lộc chùa đầu năm cũng là nét đẹp trong văn hóa Tết cổ truyền. Ngày xưa người ta đến chùa thường sẽ xin lộc non trên cây, biểu trưng cho sự sinh sôi, nảy nở, ra hoa kết quả và đâm chồi nảy lộc. Tuy nhiên, ngày nay người đi chùa khá đông, cả trăm, ngàn hoặc chục ngàn người mà xin lộc bằng hình thức hái hoa bẻ cành sẽ làm cây cỏ trong chùa héo úa, hư hoại hết. Do đó, ta phải hiểu lộc chùa đầu năm là bao thư đỏ, một ít tịnh tài, tấm thiệp chúc xuân, xâu chuỗi khuyên niệm Phật… của thầy cô trụ trì. Lộc nên được hiểu nghĩa biểu trưng, lời dạy Đức Phật, sự chúc phúc của Tăng Ni, giá trị an lành, gửi gắm tâm từ bi, hỷ xả, niềm vui lớn, sự đoàn kết, tích cực để đạt được thành công.
Đi chùa đầu năm là nét đẹp truyền thống của người dân Việt Nam, là cách tìm về chốn thanh tịnh. Nhiều người tin rằng đầu năm mới được tiếp chạm với năng lượng bình an thì bản thân sẽ hoan hỷ hơn để cho 365 ngày được tốt đẹp.
Những người thông tuệ “thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa” mỗi năm chỉ đi chùa nhiều nhất là một lần. Và chủ yếu đi chùa nào gần nhà mình, cổ và lâu đời nhất. Bởi chùa nào chả thờ Phật.