Ngày 26/3, theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), điều dưỡng Đặng Thị Hạ (29 tuổi, làm việc tại Trung tâm Cấp cứu A9) đã cấp cứu ngừng tim ngoại viện cho nam du khách người Ấn Độ tại Đà Nẵng. Nhờ cấp cứu kịp thời, nam du khách đã may mắn thoát khỏi nguy cơ tử vong.
Chia sẻ với VietNamNet, điều dưỡng Hạ cho biết tối 24/3, cô cùng bạn bè tới một nhà hàng ở Sơn Trà, Đà Nẵng dùng bữa. Bạn cùng bàn nhìn thấy một du khách đi loạng choạng, khó thở nên gọi cô tới xem cùng. Lúc này người đàn ông trung niên đã gục vào vợ. Hạ nhanh chóng quàng tay qua cổ bắt mạch.
Cô kể lại: “Lúc đó, mạch của chú đã chậm, khó bắt. Sau đó, hai mắt chú trợn ngược, ý thức mất dần, vệ sinh không tự chủ. Tôi thấy có dấu hiệu ngừng tim nên phải kéo mạnh chú khỏi tay người vợ đang ôm chặt, để đặt chú xuống sàn. Khi bệnh nhân nằm ra, tôi không bắt được mạch ở cổ nên nhanh chóng cấp cứu ngừng tuần hoàn bằng cách ép tim liên tục”.
Đồng thời, điều dưỡng Hạ nhờ bạn bè gọi trung tâm cấp cứu 115. Sau nhiều chu kỳ ép tim, bệnh nhân đã có dấu hiệu tim đập trở lại và được đưa vào viện điều trị.
Điều dưỡng Hạ cho biết hiện tại, sức khoẻ của nam bệnh nhân đã ổn định và trở về nước điều trị. Người đàn ông này có tiền sử mắc bệnh mạch vành, từng phải phẫu thuật. Trước khi xảy ra sự cố, bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa, đang ăn tối cùng vợ thì bị ngừng tim.
Điều dưỡng Hạ cho biết tại Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, hằng ngày nhân viên y tế đều gặp nhiều bệnh nhân nguy kịch, thậm chí tử vong. Tuy nhiên, trường hợp cấp cứu ngoại viện ngừng tim như trên là lần đầu tiên cô thực hiện. “Khoảnh khắc nhanh như trong phim, tôi không có thời gian cân nhắc được - mất, chỉ nghĩ tới kỹ năng cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân”, nữ điều dưỡng chia sẻ.
Theo lãnh đạo Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn có thể tử vong nhanh chóng hoặc để lại di chứng nặng nề, đặc biệt là di chứng trên hệ thần kinh trung ương nếu không được sơ cứu ban đầu đúng cách. Do vậy, cấp cứu ngừng tuần hoàn là một cấp cứu “sống còn”.
Khoảng thời gian từ khi gọi cấp cứu đến khi kíp cấp cứu chuyên nghiệp có mặt thường trên 5 phút nên khả năng cứu sống được bệnh nhân ngừng tuần hoàn phụ thuộc chủ yếu vào kỹ năng cấp cứu tại chỗ. Hồi sinh tim phổi kết hợp với sốc điện sớm trong vòng 3 đến 5 phút đầu tiên sau khi ngừng tuần hoàn có thể đạt tỷ lệ cứu sống lên đến 50-70%...
Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện đào tạo thực hành cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản cho hầu hết nhân viên từ bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, bảo vệ, nhân viên hành chính, để mọi người có thể nhận biết nhanh, đúng và sử dụng khi cần thiết.