dinh-co.JPG
Đình Phong Phú đã có gần 200 năm lịch sử, nhưng vẫn giữ được nét đẹp kiến trúc xưa. Ảnh: Hà Nguyễn

Đình cổ trăm tuổi

Tranh thủ giờ nghỉ trưa, ông Lâm Đệ, Thư ký Hội đình Phong Phú (quận 8, TPHCM) chất thêm những chai nước lọc vào thùng đựng đá lạnh. Đây là số nước lọc dùng để phục vụ miễn phí khách đến tham quan ngôi đình.

Mỗi ngày, ngôi đình nhỏ đón nhiều người trong vùng đến hương khói, cầu xin sức khỏe và đời sống an lạc.

Các thông tin tại đình ghi nhận, đình Phong Phú được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XVIII. Thời điểm đó, đình nằm bên bờ kênh Đôi. Năm 1917, đình được dời về đường Phong Phú như hiện tại.

Đến nay, ngôi đình đã có lịch sử gần 200 năm. Tuy vậy, đình vẫn giữ được nét kiến trúc cổ của đình Nam Bộ. Chính điện là ngôi nhà gỗ 5 gian với mái ngói toát nên màu xưa cũ.

W-ky la 2.JPG.jpg
Chính điện thờ các vị thần theo tín ngưỡng của người dân trong vùng. Ảnh: Hà Nguyễn

Đình thờ phụng các vị thần theo tín ngưỡng của người dân trong vùng như: Thần thành hoàng bổn cảnh, Chú sinh nương nương, Quan thánh đế quân, Phúc đức chính thần...

Tháng 4/2009, đình Phong Phú được UBND TPHCM xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật.

Ông Lâm Đệ cho biết, ngoài xin sức khỏe, khách còn đến đình Phong Phú thực hiện tục lệ cúng “thí hòm”. Theo ông, đây là tục lệ của người Hoa gốc Triều Châu.

Hướng mắt về những người phụ nữ gốc Hoa đang ghi danh tại chiếc bàn có đặt tấm bảng nhỏ ghi chữ “Tổ thí hòm”, ông Đệ cho biết, tục lệ này hình thành tại đình từ những năm 1980. Thí ở đây có nghĩa là cho đi, bố thí, giúp đỡ người khó khăn.

Thí hòm được hiểu là hình thức quyên góp tiền để mua những chiếc áo quan tặng cho gia đình nghèo, không đủ điều kiện lo hậu sự cho người đã mất.

W-ky la 3.JPG.jpg
Những cỗ quan tài có được từ tục thí hòm của đình Phong Phú. Ảnh: Hà Nguyễn

Ông chia sẻ: “Đình Phong Phú có cách đây gần 200 năm, nhưng tục thí hòm chỉ hình thành từ năm 1981. Tục lệ này được các bô lão của đình lập ra.

Ban đầu, những người khá giả, làm việc trong đình tự bỏ tiền túi để làm quỹ mua áo quan. Sau này, người dân biết và thấy tục lệ này nhân văn nên tình nguyện tham gia, đóng góp. Tục thí hòm tại đình hình thành từ đó và kéo dài đến bây giờ”.

Trước đây, chỉ có cộng đồng người Hoa gốc Triều Châu, Quảng Đông và Phúc Kiến tại địa phương đến đình cúng thí hòm. Tuy nhiên, hiện nay, khách đến thăm đình hoàn toàn có thể tham gia cúng thí hòm tùy theo lòng hảo tâm của mình.

Chăm lo cho người đã khuất

Đại diện ban quản lý đình Phong Phú cho biết, mỗi cỗ quan tài có giá gần 2 triệu đồng. Người “thí hòm” có thể đóng góp 50.000, 100.000, 200.000 đồng, thậm chí vài triệu đồng tùy theo khả năng.

Khi có đủ kinh phí, đình sẽ mua khoảng 180 chiếc áo quan. Số áo quan này được xếp thành 2 dãy tại gian phòng nằm phía bên phải chính điện. Một số khác được bố trí tại căn nhà nằm đối diện đình.

Đình thuộc địa bàn quận 8 (TPHCM), nhưng việc tặng áo quan cho người nghèo được thực hiện rộng khắp các tỉnh. Cá nhân, tổ chức đến xin áo quan chỉ cần trình giấy chứng tử và xác nhận hoàn cảnh khó khăn của địa phương, đình sẽ hỗ trợ.

W-ky la 4.JPG.jpg
Mỗi ngày đều có nhiều người đến đình Phong Phú cúng thí hòm. Ảnh: Hà Nguyễn

Ngoài tặng quan tài, đình còn thành lập tổ mai táng để hỗ trợ miễn phí các thủ tục khác như: Khâm liệm, mai táng…người quá cố.

Ông Đệ nói: “Không chỉ tặng áo quan cho người quá cố thuộc gia đình khó khăn, khi được chính quyền liên hệ lo quan tài cho người mất không nhân thân, đình cũng hỗ trợ.

Đình cũng hỗ trợ áo quan cho người dân ở các địa phương nghèo ngoại tỉnh. Một năm, chúng tôi tặng khoảng 400 cỗ áo quan.

Tuy nhiên, khi cho áo quan, chúng tôi cũng thực hiện công tác xác minh, tìm hiểu kỹ lưỡng hoàn cảnh người được nhận. Bởi, có trường hợp cá nhân, tổ chức đứng ra nhận áo quan miễn phí rồi đem bán lại để thu lợi”.

Gắn bó với đình Phong Phú và tục thí hòm lâu năm, ông Đệ nhớ không hết những hoàn cảnh đáng thương đến đình xin áo quan. Có người vì quá nghèo khó, khi người thân mất đi, việc tổ chức đám tang, mua quan tài trở thành gánh nặng.

W-ky la 5.JPG.jpg
Ông Lâm Đệ cho biết, đình Phong Phú cũng hỗ trợ áo quan cho người dân các địa phương nghèo ở các tỉnh miền Tây, miền Trung. Ảnh: Hà Nguyễn

Dù cố gắng chạy vạy, nhưng họ vẫn không đủ sức lo cho người quá cố chiếc áo quan. Khi biết tin đình có tục thí hòm, sẵn áo quan tặng cho người nghèo đã khuất, họ đến xin trong tâm trạng tha thiết, biết ơn.

Nhiều người trong số họ sau khi lo chu toàn cho người thân quá cố, liền đến đình tạ ơn bằng cách cúng thí hòm vào những dịp đặc biệt trong năm. Một số khác khi đến và nhận thấy đình có tục lệ độc đáo, nhân văn cũng tình nguyện tham gia.

“Có nhiều người không phải là người Hoa đến đình xin sức khỏe, cầu bình an. Họ vô tình thấy tại đây có nhiều quan tài. Họ hỏi và được chúng tôi cho biết đình có tục cúng thí hòm.

Sau đó, họ tin tưởng, thấy đình làm việc thiện nên cũng tình nguyện tham gia. Năm nào họ cũng đến cúng, góp tiền mua hòm để chăm lo cho những người đã khuất nghèo khó”, ông Lâm Đệ chia sẻ.