Các bác sĩ Bệnh viện E (Hà Nội) vừa phẫu thuật lấy một chiếc kim dài 8cm từ đốt sống cổ do biến chứng từ ca phẫu thuật 3 năm trước.
Nữ bệnh nhân L.T.L.H (25 tuổi, trú Phú Xuyên, Hà Nội) đến Bệnh viện E khám vì có dị vật ở cột sống cổ. Cách đây 3 năm, chị H. làm phẫu thuật dùng đinh và chỉ thép để cố định chấn thương xương đòn. Sau phẫu thuật, bác sĩ tư vấn bệnh nhân cần tái khám để lấy đinh ra khỏi cơ thể khi xương liền. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên chị H. chủ quan không đi tái khám.
Khoảng 1 năm trước, chị H. đột nhiên thấy đau nhói ở vùng vai gáy kèm khó thở trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, chị H. cho rằng do ảnh hưởng sau sinh.
Một tuần trước, chị đến kiểm tra tại một bệnh viện tư. Bác sĩ phát hiện chiếc đinh dài 8cm đã di chuyển từ xương đòn vào cột sống cổ. Bệnh nhân không có biểu hiện khác thường nào. Các bác sĩ đã làm hướng dẫn chuyển bệnh nhân về Bệnh viện E mổ lấy đinh.
Trên kết quả chiếu chụp, bác sĩ xác định được vị trí kim găm là ở giữa gai sau của C6 và C7 của cột sống cổ.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Hiếu, Phó trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình và y học thể thao - Bệnh viện E, người trực tiếp mổ cho chị H., chia sẻ bệnh nhân may mắn khi kim mới chỉ găm vào phần cứng của cột sống cổ. Nếu không phát hiện và xử lý sớm, chiếc kim có nguy cơ tiếp tục trôi vào các bộ phận khác của cơ thể như tủy sống cổ, hoặc đâm vào màng phổi, gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
Trong ca mổ, gần 1 tiếng ở vị trí mổ đầu tiên các bác sĩ vẫn chưa tìm được dị vật do bị che lấp bởi các bó cơ. Ê-kíp phải mổ phần cột sống cổ để tiếp tục tìm kiếm, nguy cơ nhiễm trùng rất cao.
Sau hơn 2 giờ phẫu thuật, chiếc kim găm ở phần cột sống cổ và những dụng cụ phẫu thuật kết hợp xương còn lại từ ca phẫu thuật trước đã được lấy ra.
Bác sĩ Hiếu cho biết đây một tai biến hiếm gặp sau phẫu thuật nhưng nếu bệnh nhân đi khám theo tư vấn của bác sĩ sẽ tốt hơn.
Qua trường hợp này, bác sĩ khuyến cáo những bệnh nhân sau phẫu thuật có sử dụng các dụng cụ kim loại như đinh, kim, chỉ thép để cố định xương cần tái khám mỗi tháng 1 lần trong 3 tháng đầu. Sau đó, khi xương bắt đầu liền, bệnh nhân cần tiếp tục tái khám 3 tháng/lần và nên đến bệnh viện để xử lý, rút dụng cụ kim loại khi xương đã liền hết, tránh trường hợp các dụng cụ này có thể di trú sang bộ phận khác của cơ thể.
100 trẻ nhập viện vì viêm phổi ở Quảng Ninh, số lượng gia tăng bất thường
Hai lần rạch bụng mẹ để đón bé trai 3,2kg