Tối ngày lo đoàn kiểm tra
Tại hội nghị về nông nghiệp diễn ra hôm qua 18/10, ông Trần Văn Thích - Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước An (huyện Bình Chánh, TP.HCM) - cho biết, HTX của ông được chấp thuận sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP năm 2009. Từ đó tới nay, nhiều người tiêu dùng biết đến thương hiệu sản phẩm của HTX thông qua truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Tuy nhiên, bất cập mà HTX đang gặp phải nằm ở cơ chế quản lý đối với nhà sơ chế, đóng gói sản phẩm. Nhà sơ chế của HTX đang chịu “trói” bằng 3 quản lý chứng nhận gồm: chứng nhận nhà sơ chế đạt tiêu chuẩn VietGAP; chứng nhận địa điểm đạt chuẩn cơ sở sản xuất; chứng nhận nhà sơ chế đạt chuẩn cho chuỗi an toàn thực phẩm.
Như vậy, chỉ một nhà sơ chế, đóng gói sản phẩm đã có 3 đơn vị cấp giấy chứng nhận. Trong một năm, HTX tiếp hết đoàn này tới đoàn khác đến kiểm tra, đánh giá quy trình sản xuất, chưa kể lo PCCC vào phạt.
Trái lại, cơ chế cho HTX thì địa phương không hỗ trợ, phải “tự bơi”. Cụ thể, HTX Phước An không được chấp thuận cho dựng nhà sơ chế, đóng gói trên đất nông nghiệp. 15 năm thành lập, HTX nhiều lần phải di chuyển địa điểm sơ chế, đóng gói sản phẩm do chỉ có nhà xưởng tạm bợ, làm được một thời gian lại bị đuổi.
“Làm nông nghiệp thì phải cho bà con sản xuất trên đất nông nghiệp, phải cất được nhà sơ chế trên đất nông nghiệp chứ giờ làm nông nghiệp mà bảo vào chung cư để sơ chế, đóng gói thì quá khó khăn”, ông Thích nói.
Dù HTX Phước An có doanh thu hơn 20 tỷ đồng/năm và được chọn là một trong 7 HTX tiên tiến, hiện đại của TP.HCM nhưng đến nay vẫn không được thí điểm cho dựng nhà sơ chế trên đất nông nghiệp. Theo ông Thích, huyện Bình Chánh nhiều lần tiếp nhận kiến nghị của HTX xong “gật gù”, cho biết sẽ chuyển lên cấp TP mà giờ vẫn chưa thấy hồi âm. Trước đây, HTX cũng từng kiến nghị khó khăn tới nhiều nhiệm kỳ HĐND nhưng đâu vẫn hoàn đấy.
“Hàng chuẩn VietGAP, có nhật ký đồng ruộng theo dõi đầy đủ nhưng khách tới tham quan mà nhìn nhà sơ chế tạm bợ thì sao dám mua hàng. Tới giờ, HTX chúng tôi chưa thể có được nhà sơ chế sản phẩm khang trang trong khi làm việc thì tối ngày lo bị phạt”, Giám đốc HTX chia sẻ tại hội nghị.
Doanh nghiệp tìm cách đối phó
Trong khi đoàn kiểm tra liên tục "ghé thăm" HTX của ông Thích, thì bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam - lại cho biết, các loại giấy chứng nhận cho đơn vị sản xuất thường xuyên bị hết hạn, khi kiểm tra còn nhiều lỗ hổng. Nhiều nhà sản xuất chưa có tính tự giác, khâu chế biến còn chạy theo lợi nhuận trước mắt, cứ thấy rẻ là nhập hàng vào làm, sản xuất theo phong trào, theo đồn thổi, gây thừa thiếu trên thị trường.
Bà Hậu cho hay, nhiều nơi sản xuất, chế biến thực phẩm của bà con còn đơn sơ, nguồn nước chưa được xét nghiệm, nguyên liệu hết hạn sử dụng nhưng vẫn được đưa vào chế biến.
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao - bà Vũ Kim Hạnh khẳng định, doanh nghiệp đang tìm cách đối phó khi làm giấy chứng nhận về tiêu chuẩn. Thỉnh thoảng, lại có doanh nghiệp đề nghị bà Hạnh cho đóng mấy chục triệu để được đơn vị này cấp giấy chứng nhận cho nhanh chóng.
“Cho em đóng tiền mấy chục triệu và cấp giấy cho em đi. Họ nói với tôi những câu như vậy. Trong khi ở các nước khác, tiêu chuẩn là yếu tố quyết định quy trình, kỷ luật sản xuất và tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng. Không có tất cả điều đó, doanh nghiệp sẽ thất bại”, bà Hạnh chia sẻ câu chuyện thực tế về những tờ giấy chứng nhận tại Việt Nam.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Võ Văn Hoan, hàng Việt muốn đi xa thì phải có các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Câu chuyện an toàn thực phẩm ngày nay cần được thực hiện ở tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến cho đến phân phối chứ không thể tách rời riêng lẻ. Sản phẩm đầu vào không sạch thì đừng nói sản phẩm đầu ra tốt.
Ông Hoan nhận định, thực tế hiện nay vẫn có việc chèn ép người nông dân. Có những doanh nghiệp, tập đoàn thu mua nông sản của nông dân để chế biến, phân phối và tạo ra giá trị lớn nhưng không quan tâm, chia sẻ lợi ích. Một khi đã hình thành chuỗi nông nghiệp thì ngoài việc phân công rõ ràng, cần có sự tôn trọng, chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp với bà con nông dân sản xuất.
Đề cập đến mối liên kết trong nền nông nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan nhắc tới khẩu hiệu “Together we win” - “cùng nhau chúng ta sẽ chiến thắng”. Tuy nhiên, trả lời PV. VietNamNet, ông Hoan thừa nhận, có nơi sự gắn kết lên tới 90% nhưng có nơi chưa đạt. Tư duy làm nông nghiệp đang bị cắt khúc.
Thực trạng chung là chuyện ai người nấy lo. Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân không có sự gắn kết. Thực tế, nông nghiệp Việt Nam đang ở trạng thái quá manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Quan tâm tới lĩnh vực này, nhiều tổ chức quốc tế lưu ý rằng, nếu không tổ chức lại các mối liên kết, nông nghiệp của chúng ta sẽ thất bại.