Gần một thập kỷ trở lại đây, các nhà mạng gặp khó khăn trong việc tăng doanh thu dẫn đến lượng tiền mặt suy giảm đáng kể. Điều này khiến doanh nghiệp viễn thông phải cắt giảm nhân sự quy mô lớn song song với tìm kiếm giải pháp gia tăng dòng tiền.
Giám đốc điều hành mới của Vodafone, Margherita Della Valle, đã đưa ra quyết định cắt giảm 11.000 vị trí trên tổng cộng 90.000 nhân viên trong bối cảnh công ty thu hồi vốn đầu tư kém ở châu Âu.
Trong khi đó, CEO của BT, Philip Jansen, người đặt ra kế hoạch cắt giảm 55.000 nhân sự từ giờ đến năm 2030, nhận định công nghệ AI mang lại cơ hội lớn để công ty tối đa hoá nguồn lực. Theo đó, số hoá tự động có thể giúp giảm bớt 10.000 việc làm.
Tụt hậu về AI so với các lĩnh vực công nghệ khác
Không chỉ mỗi BT đặt kỳ vọng lớn vào công nghệ AI. Ahmed Hafez, Phó Giám đốc Chiến lược Công nghệ của Deutsche Telekom, nói rằng “AI là một trong những chuyển động lớn nhất” nhà mạng này từng phải đối mặt. Theo một nghiên cứu của Accenture, AI có khả năng tăng năng suất kinh doanh lên ít nhất 40%.
Giám đốc công nghệ Vodafone nói rằng tốc độ là sự thay đổi lớn nhất mà tự động hoá mang lại cho doanh nghiệp viễn thông này. Song, trong tương lai, tự động hoá nhiều hơn đồng nghĩa các công ty mở rộng quy mô sử dụng AI ra ngoài những trường hợp chuyên biệt, đặt ra thách thức đối với khả năng thích ứng.
“Chúng tôi không chỉ có hàng chục, mà là hàng trăm hoặc hàng nghìn trường hợp có thể ứng dụng AI. Liệu các công ty đã sẵn sàng cho quy mô đó hay chưa? Ngoài ra, tôi cũng không nghĩ rằng chúng ta đang xây dựng AI phù hợp cho điều này”, Hafez cho biết.
Trong khi đó, các công ty công nghệ khác đã triển khai AI sớm hơn và nhanh hơn nhiều, Joe Butler, giám đốc công nghệ của Digital Catapult phát biểu trong một diễn đàn do Telecom TV tổ chức: “Các công ty công nghệ sử dụng AI đang phát triển với tốc độ chóng mặt, cùng với đó các cơ hội kinh doanh và tạo ra giá trị cũng diễn ra nhanh chóng một cách đáng kinh ngạc,”.
Chẳng hạn, “từ năm 2013 đến năm 2016, việc triển khai AI của Google trong toàn công ty được tính theo cấp số nhân,” ông nói. “Vì vậy, khi ngành viễn thông nói về việc bỏ lỡ con thuyền trên AI, thì mọi chuyện đã ngã ngũ rồi”.
AI cho tăng trưởng
Neil McRae, giám đốc chiến lược mạng lưới Juniper Networks và cho đến gần đây là kiến trúc sư trưởng của BT, khuyến khích các công ty viễn thông tập trung vào việc sử dụng AI để mang lại “tăng trưởng hai con số” thay vì cắt giảm chi phí. Nguyên nhân là do nếu không làm vậy, doanh nghiệp sẽ “không đủ khả năng trang trải chi phí AI”, trước khi có thể nghĩ đến việc thực sự phát triển nó đúng cách.
Khả năng đầu tư mạnh tay cho đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp viễn thông đang bị hạn chế bởi hiệu quả tài chính. Brian Potterill, Giám đốc chính sách cạnh tranh tại Ofcom nhận định “chiến lược cắt giảm chi phí không phải dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp phát triển lành mạnh” và sự đầu tư liên tục của công ty viễn thông phụ thuộc vào việc có kiếm đủ lợi nhuận trong ngành hay không.
McRae cho biết các nhà cung cấp dịch vụ nên sử dụng AI để giành lợi thế trước đối thủ cạnh tranh và tránh sa lầy vào những khuôn khổ quy định. Dù vậy, doanh nghiệp viễn thông phải xử lý sự phức tạp của việc vận hành các hệ thống và mạng lưới cũ song song với công nghệ mới.
“Bạn không giải quyết được một vấn đề nhỏ,” Azfar Aslam, Giám đốc Công nghệ Châu Âu, Nokia, chỉ ra trong cuộc thảo luận nhóm về AI tại Diễn đàn Thế giới của các nhà lãnh đạo DSP. Ông giải thích: “Bạn đang xem xét toàn bộ lĩnh vực và tập hợp tất cả lại với nhau. Trong các doanh nghiệp thực tế, bạn đang cạnh tranh để huy động vốn để giải quyết một vấn đề có hàng triệu vấn đề… và số vốn đó luôn là hữu hạn,” Aslam giải thích. “Khi chi phí triển khai AI bắt đầu tăng lên, bạn phải thực sự nhạy bén trong việc chọn giải quyết vấn đề nào trước tiên.”
(Theo Inform)