KT sẽ đầu tư khoảng 7.000 tỷ won từ nay đến năm 2025 để củng cố khả năng cạnh tranh AI và vạch ra kế hoạch mở rộng trên toàn cầu. Kế hoạch được đưa ra trong bối cảnh các doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước đang chạy đua nắm bắt nhu cầu AI ngày một lớn.
Hãng viễn thông Hàn Quốc đặt mục tiêu thu về ít nhất 1.000 tỷ won mỗi năm từ bộ phận AI vào năm 2025. Họ cho biết đã nhận được các đơn đặt hàng tổng giá trị hơn 800 tỷ won trong lĩnh vực AI nhờ vào trung tâm liên lạc AI (AICC) và hậu cần. AICC là trung tâm chăm sóc khách hàng tích hợp thuật toán AI và máy học để tự động hóa một số khía cạnh trong tương tác và hỗ trợ khách hàng.
KT đặt ra kế hoạch lớn để trở thành nhà cung cấp dịch vụ AI dựa trên khách hàng. Trong ngân sách 7.000 tỷ won, 4.000 tỷ won dùng để mua lại công nghệ phục vụ AI quy mô lớn, 2.000 tỷ won dành cho nâng cấp hạ tầng AI và dịch vụ đám mây liên quan, 1.000 tỷ won để khám phá mô hình mới cho dịch vụ AI trong robot, giáo dục, sức khỏe. Năm lĩnh vực mà công ty tập trung là AICC, logistics, robot, y tế và giáo dục.
Song Jae-ho, Phó Chủ tịch bộ phận AI/DX Convergence, tiết lộ mục tiêu phân bổ doanh thu của KT vào năm 2025. Cụ thể, AICC sẽ đóng góp một phần đáng kể với doanh thu 350 tỷ won, logistics đóng góp 500 tỷ won, 200 tỷ won từ giáo dục và 50 tỷ won từ y tế. Tổng cộng, 1,3 nghìn tỷ won sẽ do bộ phận AI mang về, chưa bao gồm doanh thu từ mô hình ngôn ngữ lớn Mi:dm mà KT sẽ tiết lộ trong nửa sau năm nay.
KT muốn trở thành trung gian giữa AI và người tiêu dùng, cung cấp các dịch vụ tùy chỉnh phù hợp với nhu cầu của mỗi khách hàng thông qua dữ liệu thu thập được sau nhiều năm làm viễn thông. Theo ông Song, nhiệm vụ của họ là mang đến trải nghiệm trọn vẹn, từ xác định loại dịch vụ, chức năng mà mọi người thực sự cần đến cung ứng, nâng cấp và điều chỉnh để vừa vặn với các nhu cầu khác nhau.
KT sẽ đa dạng hóa dòng robot AI thông qua mở rộng các mẫu robot giao hàng hoạt động ngoài trời, robot hậu cần vận chuyển hàng hóa trong nhà máy và trung tâm logistics, robot tải nặng trong nông nghiệp. Nhà mạng còn trình diễn công nghệ “AI Food Tag”, có thể xác định giá trị dinh dưỡng và calo của 1.000 thực phẩm khác nhau chỉ bằng ảnh chụp. Công nghệ giúp các bệnh nhân mãn tính theo dõi chế độ ăn uống. Với sự trợ giúp từ AI quy mô lớn, nó tiến tới cung cấp thông tin dinh dưỡng của 2.000 loại thực phẩm.
KT cũng đưa bộ phận chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số ra nước ngoài mà Việt Nam là điểm đến đầu tiên thông qua chi nhánh thành lập hồi tháng 1/2023. Kết hợp với các bệnh viện địa phương, nhà mạng Hàn Quốc sẽ cung cấp dịch vụ y tế AI như thu thập, phân tích dữ liệu từ các lần khám bệnh đối với bệnh nhân mãn tính. Tại quê nhà, công ty đang phát triển dịch vụ mà trong đó, AI phân tích dữ liệu bệnh án cũng như ghi chú của bác sỹ, chuyên gia dinh dưỡng để thiết kế kế hoạch ăn uống, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.
Về giáo dục, KT hợp tác với phòng giáo dục tỉnh Gyeonggido để triển khai nền tảng AI cuối năm nay. Nó sử dụng AI để chuẩn bị học liệu cho giáo viên và dùng kết quả học tập của học sinh để đưa ra nội dung phù hợp.
(Theo Korea Joongang Daily, Korea Times)