Tuần qua, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) phối hợp với P&Q Solutions và ABE Academy (tổ chức giáo dục đào tạo trực thuộc IMCE Global) vừa tổ chức Hội thảo với chủ đề "Đột phá cải tiến giá thành-Mở rộng cạnh tranh toàn cầu" (11/4) nhằm giới thiệu và hướng dẫn cho doanh nghiệp khuôn khổ, phương pháp tiếp cận, công cụ và kinh nghiệm được chứng minh là hiệu quả trong cải tiến giá thành, phát triển năng lực bền vững, mở rộng cạnh tranh toàn cầu.
Hội thảo thu hút hơn 30 CEO, cán bộ quản lý đến từ hơn 20 doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp CNHT. Họ là những đơn vị đang nỗ lực tìm kiếm các cơ hội tối ưu hóa chi phí, tối đa hóa lợi nhuận.
Trong buổi hội thảo, ông Phạm Minh Thắng, giám đốc P&Q Solution, Phó Chủ tịch VASI cho rằng, năm nay lĩnh vực sản xuất diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là ngành CNHT, kịch bản kinh doanh của các doanh nghiệp đều có những điểm rất đáng quan ngại.
“Về phía VASI, chúng tôi đẩy mạnh các chương trình tăng cường nhận thức, thúc đẩy hành động trong các doanh nghiệp hội viên của VASI trong việc cải tiến tạo đột phá mới về giá thành sản xuất tạo đòn bẩy bù lại những nguy cơ về suy giảm chuỗi cung ứng, sản lượng", ông Thắng cho biết.
Từ tháng 1/2023, chúng tôi đã có chuỗi những chương trình đào tạo cải tiến giá thành sản xuất kinh doanh cho khu vực miền Bắc và miền Nam”, ông Thắng nói.
Nói về vấn đề làm thế nào để xúc tiến thương mại, cũng như tác động hiệu quả nhất khả năng tham gia mở rộng cạnh tranh toàn cầu, ông Daniel Phạm, Giám đốc VietNam Outscurcing, Phó chủ tịch IMCE Global đánh giá, một vấn đề khá quan trọng trong bối cảnh hiện tại đó là làm sao đề tăng cường khả năng tiếp cận với các khách hàng tiềm năng, đặc biệt cho lĩnh vực xuất khẩu. Hiện nay các công ty FDI đầu chuỗi trong nước, do có vấn đề về chuỗi cung ứng nên có những tác động nhất định nên để các doanh nghiệp có thể mở rộng, đa dạng hóa đầu ra hướng đến thị trường xuất khẩu là điều vô cùng quan trọng.
Từ cuối tháng 2, khi Trung Quốc chấm dứt chính sách Zero Covid, hàng loạt CEO ở Trung Quốc đã bay sang Mỹ để khôi phục lại những hợp đồng đã mất trước đó. Đáng quan tâm hơn, họ sẵn sàng giảm giá 10% giá thành sản phẩm.
"Làn sóng này quá kinh khủng, quá khó để các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh. Điều đó không chỉ thể hiện ở thống kê vĩ mô của Bộ Công Thương mà từ cá nhân doanh nghiệp cảm nhận thấy khó khăn trực diện", ông Daniel Phạm cho hay.
Theo ông, giá thành sản phẩm là một vấn đề rất "oái ăm" và không tỷ lệ thuận với nhau. Giá sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận, doanh thu công ty. Giá tăng, lợi nhuận có thể tăng cũng có thể giảm. Giá giảm, lợi nhuận của công ty cũng chưa chắc đã giảm.
"Công thức làm thế nào để điều chỉnh giá giúp lợi nhuận công ty tăng thì khẳng định rằng không có một công thức cụ thể nào. Đó là cả một nghệ thuật, sự nhạy bén trong việc tìm hiểu thông tin và đàm phán. Định giá là một nghệ thuật khó mà nó đồng hành trong cả một quá trình, cả một bộ máy", ông nói.
Khi doanh nghiệp của mình không có kiến thức, biết biết cách làm, nghiên cứu thị trường đối thủ như thế nào thì nên áp dụng cách định giá Cost Plus (chi phí và lợi nhuận mong muốn. Ở giai đoạn này thì chúng tôi cần tập trung vào quản lý doanh nghiệp. Cách thứ 2 là định giá cạnh tranh, và cách thứ 3 là định giá dựa trên giá trị.
Theo ông Daniel Phạm, chiến lược cạnh tranh hiện đại thường đi theo quan điểm dựa trên mối quan hệ giữa lợi nhuận và sự chênh lệch giữa lợi ích cung cấp so với chi phí sản xuất.
Một doanh nghiệp được cho là có lợi thế cạnh tranh khi: Thứ nhất, kiếm được lợi nhuận nhiều hơn so với các đối thủ trong cùng thị trường; Thứ hai, sở hữu một số nguồn lực chiến lược mà các đối thủ khác không có và không hề có; Thứ ba, ngoài nguồn lực chiến lược đó cho phép doanh nghiệp cung cấp thêm lợi ích cho khách hàng nhiều hơn so với đối thủ nhưng không làm tăng chi phí. Hoặc cho phép doanh nghiệp cắt giảm chi phí mà không giảm bớt các lợi ích, hoặc có thể thực hiện đồng thời cả hai điều trên.
Chia sẻ về "Đột phá cải tiến giá thành, xúc tiến cạnh tranh", ông Thắng cho biết, trong giai đoạn nhiều “thách thức” như hiện nay, doanh nghiệp nào đột phá về cải tiến giá thành có thể trở thành lợi thế phát triển bền vững.
“Tôi biết một doanh nghiệp toàn cầu, một nhà cung ứng cấp linh kiện cấp 2 cho một số công ty FDI đầu chuỗi trong nước với quy mô doanh số năm 2022 khoảng 300 tỷ đồng, muốn thúc đẩy tăng trưởng thông qua xuất khẩu. Tổng kết năm 2021-2022 cho thấy tỷ lệ thành công trong báo giá các đơn hàng xuất khẩu chỉ đạt tỷ lệ thành công 5%. Chủ yếu cho giá cao hơn các nhà cung ứng từ các nước khác trong khu vực", ông Thắng kể.
Ông nhận xét, khi khó khăn, các công ty sẽ nghĩ đến việc cắt giảm giá thành sản xuất, cắt giảm chi phí, cắt giảm nhân công, thay đổi nhà cung ứng, nói chung là tái cơ cấu nhưng khó khả thi.
Theo ông Thắng, kinh nghiệm từ Mạng lưới chuyển đổi Lean cho thấy các nỗ lực cải tiến giá thành sản xuất đã có thể giúp cải thiện lợi nhuận sản phẩm ở mức hơn 100% thông qua các giải pháp cải thiện hiệu suất thiết bị, nhân công và nguyên vật liệu.
Cải tiến giá thành sản xuất là một chiến lược dài hạn, triển khai kiên trì một cách có hệ thống, tập trung vào liên tục giảm giá thành sản xuất (95%) thông qua loại bỏ lãng phí (85%) và tối đa hóa giá trị tạo cho khách hàng. Cải tiến giá thành sản xuất là một năng lực cốt lõi của doanh nghiệp.
Y Nhụy