Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
(Phát biểu tại Diễn đàn Báo chí toàn quốc diễn ra chiều ngày 15/3 trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2024, tổ chức tại TP. HCM).
Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, chia sẻ với độc giả VietNamNet nhiều thông tin thú vị liên quan tới câu chuyện đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực báo chí.
Đổi mới sáng tạo số giúp báo chí tăng sức hấp dẫn Với góc nhìn của một nhà quản lý báo chí, ông đánh giá thế nào về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo số của các cơ quan báo chí tại Việt Nam hiện nay?
Một số cơ quan báo chí như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam… đã đi khá sớm trong việc ứng dụng công nghệ. Chẳng hạn, VTV 24 có cách thức triển khai một số kênh mạng xã hội rất chuyên nghiệp. Hoặc Thông tấn xã Việt Nam năm 2018 đã làm Chatbot và đạt giải Nhất Giải thưởng của Hiệp hội Các hãng thông tấn châu Á Thái Bình Dương.
Có thể nói, các cơ quan báo chí lớn đã có những bước tiến nhất định trong việc chuẩn bị sẵn sàng cho nền kinh tế số, chuyển đổi số.
Nhưng với đa số cơ quan báo chí khác thì những bước đi còn khá chậm chạp. Lo ngại nhất là thái độ chờ xem cơ quan báo chí khác làm thế nào, có thành công hay không…, rồi chần chừ, không biết bắt đầu từ đâu.
Đáng mừng là một số cơ quan báo Đảng địa phương như Báo Nghệ An, Báo Hà Tĩnh, Báo Hải Dương… đã bắt đầu có những chuyển biến. Một “điểm sáng” gần đây là Báo Đăk Nông, dù quy mô nhân sự khá nhỏ, hoạt động ở địa phương không có nhiều điều kiện thuận lợi về kinh tế, nhưng nhờ chuyển đổi số, ứng dụng cách làm mới, nhiều tuần nay, lượng truy cập của Báo Đăk Nông đứng cao nhất trong hệ thống báo Đảng.
Điều đó cho thấy, nếu mạnh dạn chuyển đổi số thì không cứ phải cơ quan báo chí lớn có tiềm lực kinh tế, đông nhân sự, mà kể cả cơ quan báo chí nhỏ, nếu đi đúng hướng, có sự quyết tâm của lãnh đạo, cũng như truyền được nhiệt huyết đến toàn thể tòa soạn thì cũng sẽ đạt hiệu quả tức thời.
Mới đây, Báo Nhân Dân vừa tạo một “cơn sốt” với ấn phẩm phụ trương báo in nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Có vẻ như báo in cũng có thể tạo dấu ấn đặc biệt về đổi mới sáng tạo số?
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kiện rất lớn. Nhiều câu chuyện đã được khai thác suốt 70 năm qua. Nếu lại tiếp tục kể những câu chuyện như vậy bằng cách thức tuyên truyền kiểu truyền thống thì rất khó thu hút công chúng độc giả.
Chúng tôi quyết định sẽ phải làm theo cách đặc biệt. Lúc đầu cũng chỉ định làm 1 chuyên đề khoảng 6 – 8 trang. Nhưng khi làm cuốn sách “Báo cáo toàn cầu về đổi mới sáng tạo trong báo chí năm 2023” để phục vụ Hội Báo toàn quốc 2024, trong phần nói về đổi mới sáng tạo cho báo in, chúng tôi để ý thấy có 1 tờ báo ở Đức, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Tháp truyền hình Berlin đã in 1 trang báo khổ 2,35m, thể hiện hình ảnh của tháp kèm theo đồ họa mô tả, thông tin giải thích. Chúng tôi nảy ý tưởng in phụ trương báo giấy là 1 bức tranh panorama về Chiến thắng Điện Biên Phủ, có gắn QR Code để công chúng tương tác với chuyên trang dienbienphu.nhandan.vn; và ứng dụng thực tế tăng cường (AR) để biến những hình ảnh liên quan tới Chiến thắng Điện Biên Phủ như lửa cháy hoặc chiến sĩ phất cờ trên nóc hầm Đờ-cát… thành hình động .
Và rồi chúng tôi đã tạo nên bức tranh với độ dài 3,21m, có lẽ dài kỷ lục về độ dài của báo in.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
(Phát biểu tại Diễn đàn Báo chí toàn quốc diễn ra chiều ngày 15/3 trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2024, tổ chức tại TP. HCM).
Đặc biệt, khi tờ phụ trương lan truyền trên mạng xã hội đã gây “cơn sốt” trong giới trẻ. Chúng tôi phải in thêm 5.000 tờ mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Sau gần 3 tuần, “cơn sốt” không giảm. Chúng tôi huy động kinh phí xã hội hóa và in tiếp 100.000 bản nữa, phát tại trụ sở Báo Nhân Dân ở 63 tỉnh, thành.
Lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến hàng trăm người, hàng nghìn người xếp hàng tại trụ sở Báo Nhân Dân để đón nhận phụ trương báo in. Mặc dù khi ứng dụng công nghệ mới, chúng tôi nhắm đến người trẻ, nhưng không ít người lớn tuổi cũng rất kiên nhẫn tải bằng được ứng dụng mobile về trải nghiệm AR.
Chúng tôi còn đưa sản phẩm sang hội chợ sách ở Saint Petersburg, rất nhiều bạn Nga thích thú trải nghiệm. Phụ trương này còn nhiều phiên bản tiếng nước ngoài khác nữa để người nước ngoài có thể trải nghiệm.
Tính tổng cộng, Báo Nhân Dân đã in gần 300.000 bản phụ trương đặc biệt. Mức độ tiếp cận trên mạng xã hội lên đến 20 – 30 triệu người, ở nhiều quốc gia chứ không chỉ riêng ở Việt Nam.
Có thể nói đó là sự đột phá đặc biệt khi một ấn phẩm báo in của một tờ báo Đảng lại được xã hội và nhất là gen G đón nhận, hào hứng chia sẻ, giúp cho thương hiệu Báo Nhân Dân lan tỏa mạnh mẽ.
Không có giới hạn với đổi mới sáng tạo báo chí
Công nghệ số tạo tính tương tác có phải là “chìa khóa” tạo ra sự bất ngờ đối với một ấn phẩm báo in như vậy?
Ứng dụng công nghệ tạo sự tương tác là yếu tố đặc biệt quan trọng dẫn đến thành công. Dù có in một bức tranh đẹp đến mấy, viết bài hay đến mấy thì báo in thông thường vẫn khó thu hút công chúng.
Nhiều năm trước, báo chí thế giới và báo chí Việt Nam đã thử nghiệm sự tương tác rồi. Chúng ta cũng từng gắn mã QR để công chúng có thể xem video minh họa cho nội dung. Nhưng việc đầu tư này không được ổn định và không kéo dài. Có những tờ báo thử nghiệm một thời gian xong không làm nữa vì khá tốn kém và quy trình khá phức tạp…
Tuy nhiên, giờ đây, để có sản phẩm độc đáo, nhất là trong các sự kiện đặc biệt, thì chỉ viết bài hay, chụp ảnh đẹp thôi chưa đủ. Phải kết hợp công nghệ tạo ra được sự tương tác, khiến công chúng, nhất là những người trẻ, cảm thấy thú vị khi trải nghiệm thì mới đạt hiệu quả cao.
Qua những gì Báo Nhân Dân đã làm, có thể nói chúng tôi đã thay đổi tư duy Báo Nhân Dân chỉ dành cho chi bộ, Đảng viên, người lớn tuổi. Thực tế cho thấy Báo Nhân Dân vẫn có cách để thu hút người trẻ. Cũng không dám nói rằng chúng tôi tạo nên xu thế người trẻ mua báo in Nhân Dân, nhưng ít nhất đã có những người trẻ như vậy tìm đến Báo Nhân Dân.
Như vậy là, dù báo in, báo điện tử, hay phát thanh – truyền hình thì đều có thể tạo những dấu ấn riêng về đổi mới sáng tạo. Có biên giới nào không khi nhắc tới đổi mới sáng tạo báo chí, thưa ông?
Đổi mới sáng tạo không có giới hạn, không có biên giới, không hạn chế chỉ lĩnh vực này, thể loại này, tờ báo này, hay con người này mới làm được.
Báo chí vốn là loại hình sáng tạo, từ công nghệ tới nội dung. Đổi mới sáng tạo trong báo chí là điều vốn có từ xưa. Nhưng cách đổi mới sáng tạo ngày xưa khác với cách đổi mới sáng tạo ngày nay.
Môi trường, thiết bị, công nghệ ngày nay cho phép chúng ta làm rất nhiều thứ mà ngày xưa không thể làm được.
Nhìn ra thế giới, các cơ quan báo chí có rất nhiều ý tưởng mới, từ báo in đến báo điện tử, phát thanh – truyền hình. Những tờ báo lớn luôn giữ vị thế dẫn dắt trên hành trình đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực báo chí.
Ví dụ, New York Times được coi là một trong những tòa soạn đổi mới sáng tạo nhất thế giới hiện nay. Họ làm ra rất nhiều thứ, không chỉ là những tờ báo truyền thống, mà còn lập ra studio chuyên sản xuất nội dung rất độc đáo, rồi làm cả thương mại điện tử…
Có một ý tưởng sáng tạo thú vị của 1 tờ báo ở Pháp mà Báo Nhân Dân vừa rồi cũng đã mày mò thử bắt chước. Đó là vào một ngày nhất định trong năm, sẽ phát hành nội dung hoàn toàn do trẻ em làm (tất nhiên có hướng dẫn trẻ em cách làm, từ chụp ảnh, quay phim, viết bài…).
Ấn phẩm báo tuần của Báo Nhân Dân số ra ngày 1/6 vừa qua cũng dành 1 chuyên đề do trẻ em viết. Thử nghiệm này không chỉ để cho vui. Báo Nhân Dân mong muốn sẽ mở rộng ý tưởng, không chỉ 1 chuyên đề 4 trang mà có thể sẽ phát hành cả 1 số báo do trẻ em thực hiện.
Thêm một lần nữa nhắc lại, sáng tạo báo chí không có biên giới. Kể cả những tờ báo in hay bị đánh giá là khô khan, dễ mất độc giả trong thời buổi số hóa, nếu đổi mới thì vẫn có người xem.
Những kỹ năng cần có của người làm báo hiện đại
Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt mục tiêu: 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên nền tảng số; 90% sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo). Theo ông, những mục tiêu này có khả thi?
Nghe thì có vẻ là những con số khó đạt được. Nhưng thực tế, đến năm 2025 mà các tòa soạn không làm được điều này thì sẽ mất độc giả.
Các cơ quan báo chí bắt buộc phải lên nền tảng số, phải ứng dụng công nghệ và đi xa hơn là sử dụng AI.
Nhiều người khi nhắc tới chuyện báo chí ứng dụng AI chỉ nghĩ đến chuyện máy viết hộ cho người. Tuy nhiên, hiện nay, rất nhiều tòa soạn đã sử dụng AI vào đa dạng hoạt động khác nữa.
Mỗi cơ quan báo chí nên xác định rõ xem mình thực sự muốn gì, độc giả mà mình hướng đến thực sự muốn gì, để ứng dụng AI phù hợp. Có khi chỉ cần có hệ thống AI giúp gắn kết, tương tác với độc giả nhiều hơn cũng là đủ rồi, chưa cần phải triển khai những hệ thống AI viết tin bài thay cho con người.
Về câu chuyện viết báo, hiện AI cũng chưa đủ hoàn hảo. Đã có trường hợp như CNET âm thầm sử dụng AI để viết tin nhưng 40% tin bài có lỗi, bị sai. Nguy hiểm là hệ thống AI có thể ngụy tạo ra những nội dung không có thực.
Bởi thế, các chuyên gia khuyến nghị, nếu ứng dụng AI vào quy trình sản xuất tin bài, chỉ nên sử dụng ở một số khâu nhất định mà thôi. Chẳng hạn, các khâu phát hiện thông tin, phát hành, phân phối thông tin, theo dõi người dùng, hoặc xử lý những thông tin như kết quả thể thao… thì AI làm rất tốt.
Nếu lạm dụng AI trong quá trình sản xuất thông tin, sẽ đối diện với nhiều vấn đề: Dữ liệu đầu vào cho AI cũng là của con người nên dữ liệu đầu ra cũng có thể có định kiến (một số thử nghiệm cho thấy AI viết ra những nội dung thiên kiến về phụ nữ, người da màu, người thu nhập thấp…); Vấn đề vi phạm bản quyền; Vấn đề đạo đức trong sử dụng AI…
Đội ngũ những người làm báo, nhất là phóng viên trẻ, cần tiếp cận và ứng dụng các thành tựu công nghệ như thế nào?
Ngày trước, chúng ta có vài trăm tờ báo thì chỉ cạnh tranh với nhau trong vài trăm tờ báo đấy thôi. Nhưng bây giờ, chúng ta đang phải cạnh tranh với khoảng 7 tỷ kênh thông tin trên mạng bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Nhiều nội dung do cá nhân làm rất sáng tạo, thú vị, thu hút công chúng, nhiều khi không cần hiểu ngôn ngữ gì. Sự cạnh tranh này vô cùng lớn.
Điểm giúp cho báo chí có thể tồn tại, phát triển bền vững chính là phải đổi mới sáng tạo hơn nữa, trở nên chuyên nghiệp hơn nữa, tạo ra những sản phẩm báo chí chất lượng cao hơn nữa.
Có rất nhiều cách tận dụng công nghệ, tạo sự khác biệt để giữ chân người dùng và kéo người dùng mới đến với các cơ quan báo chí.
Đâu là những kỹ năng cần phải có đối với người làm báo hiện đại?
Tuy cũng là một nghề trong xã hội nhưng nghề báo là một nghề mang tính phụng sự. Làm báo không thể giàu có. Nếu đến với nghề báo chỉ vì mục tiêu giàu có thì không thể làm báo được.
Bây giờ, 1 cây bút, 1 máy ghi âm, 1 máy ảnh là không đủ, người làm báo cần phải trang bị nhiều kỹ năng khác.
Kỹ năng sử dụng mạng xã hội là một kỹ năng rất cần thiết, song chưa nhiều cơ quan báo chí chú ý, kiểm soát điều này.
Người làm báo hiện đại còn phải có kỹ năng biết làm thương hiệu cho bản thân và cho tờ báo của mình. Điều này tôi thấy ít cơ quan báo chí ở Việt Nam quan tâm.
Kỹ năng lập trình cũng là kỹ năng cần có của những người làm nội dung số. Không nhất thiết phải trở thành nhà lập trình giỏi nhưng phải biết những kiến thức cơ bản về lập trình.
Đồng thời, người làm báo bây giờ phải biết cách sử dụng những công cụ bổ trợ cho sản phẩm báo chí. Ví dụ, trên mạng có những công cụ hỗ trợ làm infographic, nếu không có nghiệp vụ, kỹ năng thì không thể làm được.
Những kỹ năng như vậy rất cần thiết cho báo chí hiện đại. Quan trọng hơn nữa, cần phải có tư duy báo chí kiểu mới. Người làm báo phải có tư duy của ngày hôm nay và thậm chí còn phải đứng cả ở ngày mai để tư duy trước xem xã hội sẽ tiến bước về phía nào để còn làm tốt việc dự báo, cảnh báo.
Nhóm phóng viên