Sing, Nhật, Hàn, Thái dồn dập đổ tiền
Theo nguồn tin từ Reuters, quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC và một số nhà đầu tư Thái Lan muốn mua 20% cổ phần của chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn thứ 3 Việt Nam - chuỗi Bách Hóa Xanh với định giá khoảng 1,5-1,7 tỷ USD.
Thương vụ gần đến giai đoạn cuối và dự kiến sẽ sớm kết thúc, có thể trong quý I/2024.
Bách Hóa Xanh được thành lập năm 2015 và là thành viên của ông lớn bán lẻ Thế Giới Di Động (MWG) do ông Nguyễn Đức Tài làm Chủ tịch.
Các tập đoàn nước ngoài gần đây dồn dập mở rộng mạng lưới bán lẻ tại Việt Nam.
Hôm 22/9, ông Shin Dong-bin, Chủ tịch Tập đoàn Lotte Hàn Quốc, cùng con trai cả Shin Yoo-yeol - Giám đốc điều hành Lotte Chemical - đã sang Việt Nam khai trương Lotte Mall Hồ Tây 643 triệu USD. Đây là tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng và căn hộ du lịch, cao 23 tầng trên diện tích 7,3ha. Tổng diện tích bán lẻ 82.550m2.
Tại đây, xuất hiện nhiều thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, gồm: Marks & Spencer, Uniqlo, Zara, Massimo Dutti, Pull & Bear, Fred Perry, Lagerfeld, Maison Margiela, Foot Locker, Rockport, Camper, Marimekk...
Trong nửa đầu năm 2023, Central Retail của tỷ phú Thái Chirathivat đã liên tiếp khai trương Trung tâm thương mại và Đại siêu thị GO! tại Hà Nam và Đồng Nai, đồng thời ra mắt thương hiệu nội thất riêng Home Come.
Ngay từ đầu năm, ông lớn bán lẻ Thái đã công bố khoản đầu tư trị giá 1,45 tỷ USD trong 5 năm tới vào Việt Nam.
Tới giữa năm 2023, Central Retail sở hữu 38 đại siêu thị Go! tại Việt Nam và 39 cửa hàng thuộc các thương hiệu Tops market, Go! và LanChi Mart, cùng với 52 cửa hàng Nguyễn Kim kinh doanh trong lĩnh vực điện máy gia dụng và một lượng lớn cửa hàng buôn bán thực phẩm.
Theo kế hoạch, tới năm 2027, Central Retail trở thành nhà bán lẻ đa kênh số một ở ngành thực phẩm và số hai ở mảng bất động sản - trung tâm thương mại tại Việt Nam.
Cũng trong nửa đầu năm 2023, Uniqlo của Nhật mở thêm 4 cửa hàng tại Việt Nam. Hãng bán lẻ Muji của Nhật Bản cũng khai trương thêm các cửa hàng tại TP.HCM và Hà Nội.
AEON của Nhật cũng vừa khai trương siêu thị AEON Bình Dương New City tại thành phố mới Bình Dương. Theo kế hoạch đề ra, AEON dự sẽ mở mới 2-3 siêu thị quy mô 5.000m2 tại Việt Nam trong năm nay.
Không chỉ các ông lớn ngoại đổ tiền vào mảng bán lẻ, các tập đoàn trong nước cũng đẩy mạnh mở rộng mạng lưới bán hàng trên khắp cả nước.
WinCommerce của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang mở thêm hơn 150 cửa hàng Winmart+ và 2 siêu thị Winmart trong 6 tháng đầu năm 2023, nâng tổng số điểm bán lên hơn 3.500 địa điểm toàn quốc cho cả siêu thị và siêu thị mini. Đây là chuỗi bán lẻ hiện đại lớn nhất về số lượng điểm bán.
Bách Hóa Xanh cho đến nay đã sở hữu hơn 1.700 cửa hàng với doanh thu trong nửa đầu năm nay tăng 7% lên 13.670 tỷ đồng nhưng vẫn đang lỗ lũy kế 8.000 tỷ đồng.
Ngành bán lẻ Việt Nam hấp dẫn, cạnh tranh ngày càng khốc liệt
Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực Đông Nam Á với quy mô hiện khoảng 140 tỷ USD và dự báo sẽ lên 350 tỷ USD vào năm 2025.
Tuy nhiên, quy mô của kênh bán lẻ hiện đại còn rất khiêm tốn, mới chiếm khoảng 25% trên tổng quy mô thị trường, thấp hơn nhiều so với mức 80% của Singapore hay 48% của Thái Lan... Quy mô dân số Việt Nam lớn và nền kinh tế rộng mở với hầu hết đối tác lớn trên thế giới.
Đây có thể là lý do khiến dòng vốn nội, ngoại vẫn dồn dập đổ vào.
Thời gian gần đây, cho dù nền kinh tế đối mặt với nhiều sức ép lạm phát, chi tiêu của người dân sụt giảm nhưng thị trường bán lẻ vẫn tăng trưởng khá tốt.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2023 tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước lên gần 4,57 triệu tỷ đồng. Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2023 ước đạt 3.572 nghìn tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong nửa đầu năm, Bách Hoá Xanh (của MWG) và Wincommerce (của Masan) ghi nhận doanh thu tăng trưởng dương. WinCommerce đạt doanh thu hơn 14.500 tỷ đồng trong 2 quý đầu năm. Trong khi đó, ông lớn ngoại Central Retail thu về hơn 17.000 tỷ đồng.
Sự hồi phục của ngành bán lẻ Việt Nam sau đại dịch Covid-19 dựa trên tăng trưởng thu nhập bình quân cũng như thu nhập khả dụng của người dân. Bên cạnh đó, còn việc dịch chuyển thói quen mua sắm song hành với doanh thu từ sự trở lại của lượng khách quốc tế đến Việt Nam và lượng khách du lịch nội địa.
Thị trường bán lẻ của Việt Nam không chỉ hấp dẫn về quy mô dân số lớn mà còn về triển vọng thu nhập dân cư tăng theo những tín hiệu kinh tế tích cực về trung và dài hạn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước một đợt tăng trưởng mạnh kéo dài thập kỷ.
Ngay ở thời điểm hiện tại, dù kinh tế vẫn khó khăn sau đại dịch Covid-19, ảnh hưởng cuộc xung đột Nga - Ukraine và sự suy yếu của nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, châu Âu... nhưng Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng dương (quý III đạt 5,33%) và hàng đầu thế giới.
Theo công ty vấn đầu tư FIDT, tín hiệu vĩ mô hiện khá tích cực. Triển vọng FDI mới tăng cao; thặng dư xuất nhập khẩu cao kỷ lục.
Còn theo ông Vicente Nguyen - Giám đốc đầu tư (CIO) của AFC Vietnam Fund, triển vọng kinh tế Việt Nam trung và dài hạn rất tốt. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden và quyết định nâng cấp quan hệ hai nước lên chiến lược toàn diện có thể là bước đệm tuyệt vời cho nền kinh tế Việt Nam trong 10 năm tiếp theo sau khi dòng vốn từ Mỹ vào Việt Nam và xuất nhập khẩu tăng nhanh trong 10 năm qua.
Tăng trưởng kinh tế kéo theo thu nhập của người dân tăng lên và du lịch bứt phá sẽ thúc đẩy thị trường bán lẻ Việt Nam. GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2022 đạt 4.110 USD và dự kiến sẽ đạt 4.700-5.000 USD vào năm 2025
Dù vậy, sự cạnh tranh trên lĩnh vực này ngày càng khốc liệt với cuộc chiến giữa các ông lớn bán lẻ nội hồi quý II - quý III vừa qua. Nhiều ông lớn liên tục kích hoạt các chương trình giá rẻ, mở rộng cuộc chiến ra nhiều mảng: điện thoại, laptop, điện máy, hàng gia dụng... khiến lợi nhuận tụt giảm.