"Đại bàng" hướng đến khu công nghiệp xanh
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam tăng dần qua các năm, và đã vượt ngưỡng 38 tỷ USD vào năm 2023. Trước đó, vào năm 2022, dòng đầu tư FDI đổ vào khu vực ASEAN đạt mức kỷ lục 224 tỷ USD - chiếm 17% vốn FDI toàn cầu và gấp đôi so với 4 năm trước.
Malaysia và Việt Nam cũng thu hút được dòng vốn FDI đáng kể. Tính đến thời điểm hiện nay, số vốn FDI đổ vào lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã cao hơn mỗi năm trong ba năm gần đây, theo nghiên cứu của HSBC.
Những chuyển động này cho thấy dòng vốn FDI tìm các địa chỉ đầu tư mới ngoài Trung Quốc, để chuyển sang đầu tư tại khu vực Đông Nam Á - khu vực được đánh giá có chi phí rẻ hơn, đang ngày một rõ nét.
Trong đó, mức giải ngân vốn FDI trong năm 2023 đạt 23,18 tỉ USD - mức cao kỉ lục trong giai đoạn 2018 - 2023, tăng 32,1% so với cùng kì, bao gồm tổng vốn đăng kí cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài. Các quốc gia hàng đầu đang đầu tư vào Việt Nam có thể kể đến như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan…
Đặc biệt, sự kiện ngày 10/09/2023, Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, đã tạo hiệu ứng lan tỏa tới dòng vốn FDI từ Mỹ, châu Âu vào Việt Nam. Tổng số vốn FDI từ Mỹ đầu tư vào Việt Nam năm 2023 cũng tăng so với nhiều năm trước, đạt khoảng 626 triệu USD. Đơn cử, Chủ tịch tập đoàn 1.000 tỉ USD NVIDIA cam kết sẽ đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.
Những tín hiệu trên cho thấy, Việt Nam là một điểm đến an toàn, hấp dẫn và khẳng định niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng kinh doanh dài hạn tại Việt Nam.
Song, một trong những thách thức mới nổi lên trong việc thu hút FDI chính là "tiêu chuẩn xanh".
Ngày 13/12/2022, các quốc gia thành viên châu Âu (EU) đã thông báo thực hiện Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới (CBAM), là một phần thuộc Thỏa thuận Xanh châu Âu (European Green Deal - EGD) được EU khởi động từ năm 2019 nhằm giải quyết các thách thức liên quan đến khí hậu và môi trường.
EU sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.
Theo Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), đối với doanh nghiệp Việt Nam, nguy cơ hiện hữu ngay trước mắt là khó khăn trong xuất khẩu vào thị trường EU nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh đang ngày càng được nâng cao. Do đó cần phải chuẩn hoá từ khâu sản xuất để có thể sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường lớn như EU, Mỹ…
Các khu công nghiệp phải chuyển đổi
Ông Vương Quân Ngọc, Giám đốc tư vấn của FPT Digital chia sẻ, để đón được “đại bàng” FDI, các khu công nghiệp (KCN) của Việt Nam bắt buộc phải chuyển đổi toàn diện, đáp ứng yêu cầu các bên liên quan trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có tiêu chuẩn xanh.
Trước đây, để thu hút các nhà đầu tư lớn trên thế giới, Việt Nam đưa ra nhiều chính sách hấp dẫn như: ưu đãi thuế, cải thiện môi trường kinh doanh, chính quyền địa phương thân thiện, hạ tầng hỗ trợ sẵn sàng, dịch vụ quản lý tốt, tham gia vào các tổ chức thương mại khu vực và quốc tế… Còn hiện nay, cần phải có thêm các chuẩn xanh để đáp ứng yêu cầu chuỗi cung cứng toàn cầu.
Xu thế sẽ là mô hình sinh thái xanh – xu hướng của thế giới; khu công nghiệp đô thị dịch vụ - công nhân có chỗ ở và yên tâm làm việc; khu công nghiệp thông minh là bắt buộc, quản lý, kết nối hệ thống điện, xử lý nước thải cần thông minh; khu công nghiệp tích hợp logistics, nhà kho, bến cảng.
Ông Ngọc cũng cho rằng, tiêu chuẩn xanh cho khu công nghiệp phát triển bền vững bao gồm 3 yếu tố: Môi trường, phát triển kinh tế và hiệu suất tác động xã hội. Trong đó lưu ý một số ưu tiên chuyển đổi như sử dụng năng lượng hiệu quả, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, tối đa hiệu suất, tái sử dụng linh hoạt… Đặc biệt là vấn đề trách nhiệm xã hội và gắn kết cộng đồng nước sở tại.
Ông Ngọc ví dụ, nhà sản xuất Nike đang áp dụng tiêu chuẩn xanh của họ cho các nhà máy sản xuất trên toàn cầu với các tiêu chuẩn sử dụng vật liệu carbon thấp, phi carbon hoá chuỗi cung ứng, sử dụng 100% năng lượng tái tạo … theo tiêu chuẩn của tổ chức chứng nhận công trình xanh LEED. Cam kết của họ đưa ra là giảm 65% phát thải khí nhà kính ở những nơi Nike sở hữu hoặc vận hành và 30% trong toàn bộ chuỗi cung ứng của mình vào năm 2030. Chính vì vậy các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang sản xuất cho Nike cũng buộc phải tuân thủ các điều kiện trên.
“Và khi các nhà máy của Nike phải tuân thủ, thì dần dần các nhà máy khác của Việt Nam cũng phải làm theo để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư và cam kết phát triển bền vững. Nếu không chúng ta hoàn toàn có thể đón “hụt” hàng tỷ USD, dòng vốn thay vì chọn Việt nam có thể sẽ đổ sang các thị trường đáp ứng được tiêu chuẩn xanh như Thái Lan, Indonesia, đặc biệt gần đây là Bangladesh… ”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Theo số liệu của Vietnam Green Building Market, tính đến 31/12/2023, Việt Nam hiện có hơn 3,3 triệu m2 mặt sàn mảng khu công nghiệp đạt chứng nhận xanh, so với tổng số hơn 9,7 triệu m2, chiếm hơn 34%.
Tính đến hết năm 2023, Việt Nam hiện có khoảng gần 400 công trình xanh được đánh giá, chứng nhận bởi các hệ thống, tiêu chuẩn của Lotus (VGBC), EDGE (IFC-WB), LEED (Hội đồng CTX Hoa Kỳ), Green Mark (Singapore) với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng hơn 9,7 triệu m2.
Việt Nam hiện đứng thứ 28 trên thế giới về số lượng công trình xanh được chứng nhận LEED. Tuy nhiên, con số này hiện nay vẫn còn rất ít ỏi so với các nước tiên tiến như Mỹ, hay thậm chí là người hàng xóm Singapore, Thái Lan, Bangladesh…
Ông Vũ Hồng Phong - chuyên gia công trình xanh, Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) - cho hay, tại Việt Nam hiện nay nhắc đến các chủ đầu tư BĐS khu công nghiệp có chứng nhận công trình xanh còn khá ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay như VSIP, Sonadezi, Phú Mỹ Hưng, Deep Industrial, KTG… Đến nay, 397 KCN đã được thành lập, nhưng trong đó mới chỉ có khoảng 7 KCN sinh thái.
Việc phát triển nhiều dự án bất động sản KCN đạt chuẩn xanh, giúp các doanh nghiệp không chỉ thu hút và giữ chân khách hàng, mà còn tối ưu hoạt động do tận dụng được các nguồn tài nguyên, nhiên liệu và công nghệ tích hợp. Đồng thời, việc này giúp DN tiếp cận nguồn vốn và ưu đãi đặc biệt từ các tổ chức quốc tế và chính phủ cho dành cho các công trình xanh. Đơn cử như VIB sau khi đạt tiêu chuẩn xanh của IFC, giữa năm 2023 đã ký hợp đồng vay vốn mới, nâng tổng hạn mức tín dụng với IFC lên 450 triệu đô la Mỹ.
“Công trình xanh đang dần trở thành xu thế trên toàn cầu và là lợi thế cạnh tranh thực sự của các doanh nghiệp, mang lại nhiều giá trị dài hạn, và đang được chính phủ các nước khuyến khích thực hiện để nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, đặc biệt là trong yếu tố duy trì tăng trưởng và thu hút vốn đầu tư từ các “đại bàng” có chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Phong khẳng định.