Guồng phục hồi nhanh
Một dây chuyền may mới sắp được lắp đặt tại Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (TP.HCM). 40 nhân sự gồm tổ trưởng, tổ phó, thợ ủi, thợ phụ, các công nhân may được bổ sung vào nhà máy để kịp đáp ứng tiến độ các đơn hàng xuất khẩu đã được đặt tới hết năm 2023.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng Tổ chức của DN may này, từ khi mở cửa “bình thường mới” tới nay, lượng công nhân cũ quay lại làm việc nhiều. Đây là những người từng xin nghỉ khi dịch Covid-19 còn phức tạp. Hiện, năng suất và tiền lương cho người lao động ổn định. Mức lương trung bình của công nhân đạt 11 triệu đồng/tháng, thậm chí, thợ phụ nhận 15-18 triệu là bình thường. Công nhân còn muốn làm thêm giờ để có thêm thu nhập, bản thân công ty cũng muốn nhưng vì sức khỏe người lao động nên DN phải cân đối kế hoạch sản xuất, không để người lao động tăng ca quá nhiều.
Khối DN ngoại cũng cảm nhận rõ sự phục hồi kinh tế. Đại diện MM Mega Market đánh giá, phục hồi kinh tế trên địa bàn TP.HCM diễn ra nhanh, có những chuyển biến mang tính tích cực, rõ nét. Các hoạt động kết nối cung - cầu giữa địa phương này và các tỉnh, thành khác nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo cầu nối giữa DN và các nhà bán lẻ, nhà cung cấp đã thúc đẩy sản xuất hàng hóa, góp phần tăng tốc độ phục hồi.
Ông Furusawa Yasuyuki - Tổng Giám đốc AEON Việt Nam - thông tin, lượng khách hàng dần quay trở lại các trung tâm mua sắm và siêu thị tại TP.HCM cũng như cả nước nhiều hơn. Do đó, hoạt động kinh doanh của đơn vị từ đầu năm tới nay khả quan. Vị này tin rằng, nửa cuối năm nay kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng bình thường trở lại và siêu thị đang cố gắng lấy lại mức tăng trưởng như thời điểm trước dịch. Năm 2022 được xem như dấu mốc quan trọng để lấy lại mức tăng trưởng đó.
Đại diện AEON khẳng định, việc đầu tư vào thị trường Việt Nam, so với khó khăn, thách thức thì tiềm năng và thuận lợi nhiều hơn. Tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế nhanh. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tích cực hỗ trợ những chính sách đầu tư vào thị trường.
“Xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ hai chỉ sau Nhật Bản, chúng tôi có nhiều dự định để phát triển tại đây và kế hoạch đó sẽ không có gì thay đổi”, ông Furusawa Yasuyuki nói.
Thống kê tại TP.HCM cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2022 ước tăng 6,5% so với tháng 4/2022 và tăng 9% so với cùng kỳ; kết quả 5 tháng đầu năm ước tăng 2,6% so với cùng kỳ, trong đó, bốn ngành công nghiệp trọng yếu tăng 5,6%. Tổng thu NSNN ước 5 tháng đạt 209,8 nghìn tỷ đồng, đạt 54,28% dự toán năm và tăng 19,52% so với cùng kỳ.
Phó Chủ tịch TP.HCM - ông Võ Văn Hoan cho hay, kết thúc dịch Covid-19, TP đã có chiến lược hồi phục và phát triển kinh tế. Theo đó, năm 2022 là giai đoạn hồi phục; giai đoạn 2023-2025 là tăng tốc, phát triển. Đến thời điểm này, kinh tế TP.HCM đang hồi phục rất nhanh, thể hiện qua các con số biết nói. Nếu cuối năm 2021, GRDP của TP.HCM là -6,78% thì quý I/2022 là 1,88%. Theo đánh giá, 6 tháng đầu năm GRDP sẽ tăng từ 2,5-3%, dự kiến đến cuối năm tăng từ 6-7%.
Chi phí leo thang, sức ép lên doanh nghiệp
Tín hiệu tích cực là vậy nhưng biến động tăng cao của chi phí xăng dầu đang khiến các DN “đứng ngồi không yên”. Đây có thể là yếu tố cản nhịp phục hồi.
Bà Ong Thị Kim Ngân, Phó TGĐ Công ty TNHH Nước mắm Thanh Hà, cho biết, các DN giai đoạn 2020-2021 đã phải gồng mình duy trì sản lượng bằng cách chấp nhận bào mòn lợi nhuận. Sang năm 2022, giá nguyên vật liệu lại tăng chóng mặt, chưa bao giờ trong lịch sử có mức tăng mấy trăm % như vậy.
Là đơn vị sản xuất tới 2 triệu lít nước mắm/năm, 60% phục vụ xuất khẩu nên DN hiểu rất rõ sức ép của chi phí đầu vào tăng từ cá nguyên liệu, muối, bao bì, nhân công; giá xăng dầu tăng kéo theo cước tàu biển cũng tăng phi mã. DN đã phải điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm khoảng 12-15%. Đại diện DN mong muốn các chính sách của nhà nước cần tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, bởi giá xăng dầu tác động trực tiếp và rất nhanh lên mặt bằng giá. Sự phục hồi của DN cần có thời gian và còn kéo dài tới nhiều năm sau nữa.
TS. Nguyễn Mạnh Hùng, quyền Chủ nhiệm cấp cao Bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT, cho rằng, hai vấn đề lớn có thể cản trở sự phát triển kinh tế của TP.HCM gồm: gián đoạn hoạt động và lạm phát.
Báo cáo gần đây của DPWorld chỉ ra, 29% công ty xuất khẩu lo ngại về nguy cơ lạm phát gia tăng do gián đoạn chuỗi cung ứng; 30% công ty dự đoán chi phí vận tải tăng sẽ hạn chế tăng trưởng trong năm 2022. Việc tăng chi phí hoạt động bao gồm: vận chuyển, điều phối, chi phí kho bãi và hàng tồn kho sẽ tác động đến người tiêu dùng, làm tăng lạm phát trên quy mô lớn.
Khi các công ty đang mắc kẹt giữa nỗi lo chi phí hoạt động cao hơn và sức ép lạm phát, các chuyên gia lưu ý DN hãy nên loại bỏ một phần các lĩnh vực không hiệu quả, sáp nhập hoặc phát triển liên minh chuỗi cung ứng với các đối tác khác.
Cũng theo TS. Hùng, trong hai năm Covid-19, hầu hết nguồn cung bị ảnh hưởng, hoạt động sản xuất gián đoạn. Vài tháng gần đây, việc nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam gia tăng đáng kể để phòng ngừa rủi ro này. Ví dụ, kim ngạch nhập khẩu từ các thị trường chính tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022 là Trung Quốc, tăng 57%; ASEAN tăng 44%; EU tăng 16,4%, theo Tổng cục Thống kê.
Còn Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - ông Trần Quốc Phương cho biết, mức độ phục hồi của nhiều nền kinh tế sẽ bị chậm lại do yếu tố về giá cả, lạm phát, đặc biệt giá xăng dầu tăng cao. Về phần mình, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước, điều chỉnh giá một số mặt hàng lương thực thực phẩm liên quan đến rổ hàng hóa trong tính chỉ số CPI cũng như đảm bảo an ninh lương thực. Mục tiêu chung là duy trì ổn định, tạo triển vọng cho tăng trưởng kinh tế trong nước và trên thế giới.
Trần Chung