CNN đưa tin, với 63 phiếu thuận và 36 phiếu chống, Thượng viện Mỹ nằm dưới sự kiểm soát của đảng Dân chủ ngày 1/6 (theo giờ địa phương) đã thông qua dự luật đình chỉ giới hạn nợ 31,4 nghìn tỷ USD của chính phủ tới ngày 1/1/2025.
Theo quy trình, bước cuối cùng hiện sẽ là Tổng thống Joe Biden ký duyệt thành luật. Lãnh đạo Nhà Trắng trước đó khẳng định sẽ ký thông qua dự luật ngay khi văn bản này được gửi tới văn phòng của ông.
Động thái diễn ra khi Mỹ cận kề hạn chót 5/6, thời điểm Bộ Tài chính cho biết đất nước sẽ không còn khả năng thanh toán đầy đủ và đúng hạn tất cả các nghĩa vụ nợ quốc gia. Các chuyên gia cảnh báo, nếu thành hiện thực, viễn cảnh tồi tệ chưa từng xảy ra trong lịch sử này sẽ đẩy xứ sở cờ hoa lâm vào suy thoái kinh tế và gây ra những hệ lụy khôn lường đối với hệ thống kinh tế - tài chính toàn cầu.
Hạ viện Mỹ dưới sự kiểm soát của đảng Cộng hòa hôm 31/5 đã phê chuẩn dự luật đình chỉ trần nợ công nói trên với 314 phiếu thuận và 114 phiếu chống. Đây là kết quả của quá trình đàm phán căng thẳng kéo dài suốt nhiều tuần qua giữa ông Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy.
Theo thỏa thuận đạt được cuối tuần trước, Nhà Trắng sẽ phải cắt giảm chi tiêu chính phủ ít nhất 1.000 tỷ USD để đổi lấy việc đình chỉ trần nợ công tới năm 2025. Trong đó, chi tiêu phi quốc phòng của Mỹ sẽ gần như không thay đổi trong năm tài chính 2024 và tăng thêm 1% vào năm sau. Khoảng 30 tỷ USD tiền cứu trợ đại dịch chưa được sử dụng, dù được Quốc hội phê duyệt trước đó, cũng sẽ bị hủy bỏ.
Cả Tổng thống và Chủ tịch Hạ viện đều mô tả đây là thỏa thuận tốt cho nước Mỹ hiện nay.