Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ đã và đang triển khai các giải pháp tổng thể thông qua các gói hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN hàng không vừa chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, lại thêm các yếu tố khách quan khác như giá nhiên liệu leo thang, chiến sự Nga - Ukraine... Những hỗ trợ này cần được tiếp tục duy trì, nhất là khi các hãng hàng không Việt Nam đang chật vật, xoay xở sau 2 năm chống chọi với dịch bệnh, để có nguồn tiền hoạt động.

Theo báo cáo tài chính, Vietnam Airlines năm 2021 lỗ 13.337 tỷ đồng, năm 2020 lỗ 10.056 tỷ đồng. Quý 1/2022, báo cáo tài chính hợp nhất Vietnam Airlines ghi nhận lỗ 2.700 tỷ đồng.

Đáng chú ý, vốn chủ sở hữu của hãng Hàng không quốc gia Việt Nam đã âm sau 9 quý thua lỗ liên tiếp. Nếu tình trạng này vẫn kéo dài, tới cuối năm, hãng hàng không quốc gia sẽ có nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc.

Cần kiểm soát số lượng hãng hàng không mới cho đến khi thị trường phục hồi trở lại (ảnh minh họa)

Trong khi đó, Vietjet Air năm 2021 lỗ 3.088 tỷ đồng, năm 2020 lỗ 3.134 tỷ đồng; lỗ lũy kế hai năm là 6.222 tỷ đồng. Bamboo Airways, dù không phải công bố báo cáo tài chính, nhưng khi hãng này nộp đơn xin bay thẳng tới Mỹ (năm 2020) đã đề cập khoản lỗ 156 triệu USD, tương đương gần 3.600 tỷ đồng.

Đề xuất cơ chế chính sách, nguồn lực phù hợp để phục hồi và phát triển hàng không trong bối cảnh mới, GS. Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần đẩy nhanh gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp.

Ông cho rằng, hàng không - du lịch và một số ngành dịch vụ liên quan cần được coi là những ngành ưu tiên hàng đầu vay với mức lãi suất ưu đãi, thời hạn ít nhất trong 2-3 năm, để vực dậy. Đồng thời, cần cân nhắc việc xem xét giảm một số chi phí để hạn chế phần nào tác động của việc tăng giá xăng dầu, nhiên liệu bay thông qua việc điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không; tháo gỡ một số ràng buộc về chính sách giá như điều chỉnh giá trần vé máy bay; cho phép hãng hàng không được phụ thu nhiên liệu cho các chặng bay nội địa; hỗ trợ giá dịch vụ hàng không… 

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, mong rằng Bộ GTVT cần có các giải pháp quản lý quy mô thị trường hàng không trong nước. 

Theo đó, cần kiểm soát số lượng hãng hàng không mới cho đến khi thị trường phục hồi trở lại; trong ngắn hạn, hạn chế cấp phép bổ sung đội tàu bay cho đến khi các hãng bay trong nước khai thác hết số tàu bay hiện có, quy mô khai thác trở về tương đương năm 2019 để tránh dư thừa nguồn cung. 

Về dài hạn, Bộ cân nhắc đề xuất số lượng tàu bay được cấp tăng không quá tốc độ tăng năng lực tiếp nhận của hệ thống cảng hàng không và phù hợp với tốc độ tăng trưởng và năng lực quản lý thị trường; mở cửa có lộ trình với các hãng hàng không nước ngoài đến khi thị trường hàng không phục hồi để điều tiết, hạn chế số chuyến bay.

Đồng quan điểm, PGS-TS. Phạm Thị Giang Thu (Đại học Luật Hà Nội), cho rằng, ngoài sự hỗ trợ tài chính, nên tạm dừng việc cấp phép, thành lập những hãng bay mới vào thời điểm này để phục hồi và phát triển các hãng hàng không hiện hữu. 

Đối với các khoản nợ hiện nay của các hãng hàng không, bà nêu quan điểm: có đặt ra vấn đề mua lại nợ, chứng khoán hóa các khoản nợ đó, bởi các hãng bay trong nước hiện khó có thể tiếp cận được với các tổ chức tín dụng, còn bản thân các ngân hàng không thể cho vay nữa vì đã kịch trần. 

Thông tư 04/2021 của Ngân hàng Nhà nước cho phép xử lý, cơ cấu lại nợ cho Vietnam Airlines, vậy câu hỏi đặt ra là có nên áp dụng với các hãng còn lại hay không? 

Ngoài ra, về chính sách giá cước và vận chuyển hàng không, ông Phạm Ngọc Cảnh kiến nghị Chính phủ cần có biện pháp kiểm soát, điều tiết giá trong giai đoạn bất thường để hạn chế sự cạnh tranh đối đầu và đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của ngành thông qua ban hành giá tối thiểu (giá sàn) dịch vụ vận tải hàng không, dịch vụ vận chuyển hành khách cơ bản cho các chuyến bay.

Tiếp tục triển khai hỗ trợ ngành hàng không theo Nghị quyết 43 của CP cho đến khi thị trường phục hồi, như giảm phí cất hạ cánh, điều hành bay; miễn phí bảo lãnh Chính phủ; tăng mức giảm thuế bảo vệ môi trường cho các hãng. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đề xuất miễn giảm 100% thuế bảo vệ môi trường cho các hãng hàng không Việt Nam trước sức ép của giá nguyên liệu.

Ng.Hà

Vắng khách quốc tế, hàng không Việt chưa thể phục hồiMặc dù thị trường nội địa có sự bứt phá mạnh mẽ, song hàng không Việt Nam phục hồi chưa được như kỳ vọng do thị trường quốc tế gặp nhiều khó khăn.