Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết, ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường Vành đai 3 vào giữa tháng 6 vừa qua, thành phố cùng với các địa phương đã khẩn trương phối hợp triển khai các phần việc tiếp theo trong thẩm quyền.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương, mà chủ chốt là TP.HCM, đang đẩy nhanh tiến độ, nỗ lực khởi công dự án vào tháng 6/2023, thay vì đến cuối năm 2023 như dự tính trước đó.
Ông Lâm cho biết thêm, Sở đã tham mưu thành phố chủ động đề xuất với các cơ quan Trung ương nhiều cách làm riêng. Trong đó, đáng chú ý là xin chỉ định thầu rút gọn để rút ngắn thời gian; phân công cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chính của từng dự án thành phần; tổ chức thực hiện song song một số đầu việc. Tuy nhiên, hiện tại dự án vẫn đang chờ Nghị quyết; các ban quản lý phải làm việc với tư vấn, đây lại là điểm nghẽn lớn nhất trên nguyên tắc chỉ định thầu.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, Vành đai 3 TP.HCM là dự án lớn, thời gian thực hiện ngắn nên các địa phương cần và có thể triển khai song song một số công việc, trong khi trình Chính phủ ban hành Nghị quyết. Liên quan đến đề nghị ngày 15/8 bắt đầu giải phóng mặt bằng, lập dự án khả thi là 4 tháng rưỡi, Bộ GTVT đồng tình với ý kiến của TP.HCM và khẳng định là thực hiện được.
Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, vấn đề khó nhất của dự án là công tác giải phóng mặt bằng, cần làm nhanh nhưng phải chắc chắn. Thời điểm khởi công phải có 70% mặt bằng cho ban quản lý dự án triển khai thi công.
Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,34 km (đoạn qua TP.HCM 47,51 km; Đồng Nai 11,26 km; Bình Dương 10,76 km; Long An 6,81 km). Điểm đầu của dự án là nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), điểm cuối là nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành (huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Tổng mức đầu tư của dự án là 75.378 tỷ đồng. Dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào ngày 16/6.
Theo VOV