Giá cà phê tăng kỷ lục

Trái với nhiều mặt hàng nông sản khác đang giảm giá hoặc về mức thấp do xuất khẩu sụt giảm mạnh, giá cà phê tại thị trường nội địa từ đầu tháng 5 đến nay tăng mạnh.

Theo đó, tháng 5/2023, giá cà phê Robusta trong nước tăng cao so với cuối tháng 4. Ngày 29/5, giá cà phê Robusta tăng 9.400-9.700 đồng/kg so với ngày 28/4, lên mức cao 60.500-61.800 đồng/kg.

Đến ngày 12/6, giá cà phê Robusta tiếp tục tăng, lên mức kỷ lục. Cụ thể, tại Lâm Đồng giá cà phê ở mức 64.400 đồng/kg; Đắk Lắk và Đắk Nông có giá cao nhất 65.000-65.100 đồng/kg; Gia Lai giá cà phê cũng tăng lên 64.500-64.600 đồng/kg. 

Mức giá này được xem là cao nhất từ trước đến nay. Nếu so sánh giá từ đầu niên vụ 2022-2023, giá cà phê trong nước tăng đến 40%. 

Giá cà phê tăng cao kỷ lục (Ảnh: Zing)

Theo ước tính, tháng 5/2023 xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 165 nghìn tấn, thu về 396 triệu USD, tăng 15,7% về lượng và tăng 21,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.399 USD/tấn, tăng 5,3% so với tháng 5/2022. 

Trong 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê ước đạt gần 2,02 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Doãn Hữu Tuệ - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Quốc tế Mỹ Việt (doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cà phê) - cho biết, giá cà phê ở Đắk Lắk có loại lên 67.000 đồng/kg. Theo ông, đà tăng giá cà phê sẽ duy trì trong nhiều tháng tới.

Xét về năng suất trồng, cà phê Việt Nam đứng đầu thế giới; về thị phần xuất khẩu, Việt Nam xếp thứ 2. Tuy nhiên, cà phê Việt chủ yếu là dòng Robusta (chiếm khoảng 75,5% tổng giá trị xuất khẩu cà phê năm 2022), nhưng giá lại thấp hơn so với giá cà phê Arabica.

Trong bối cảnh lạm phát, người dân ở nhiều quốc gia đang thắt chặt chi tiêu, buộc phải tìm đến dòng hàng có chất lượng tương đồng với giá thấp hơn. Cà phê Robusta của Việt Nam được hưởng lợi.

Ngoài ra, sản lượng cà phê tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đang giảm dẫn đến giá cà phê nguyên liệu phục vụ chế biến sâu tăng mạnh.

"Thời điểm này, cà phê nguyên liệu trong kho chỉ đáp ứng được cho các đơn hàng ký trước đó của doanh nghiệp. Những đơn hàng mới phát sinh khoảng 6-7 container doanh nghiệp phải từ chối vì không đủ nguyên liệu sản xuất", ông Tuệ chia sẻ.

Khách hàng lớn nhất áp "luật mới"

Liên minh châu Âu (EU) hiện là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của nước ta. Mặc dù có nhu cầu cao về cà phê, song thị trường EU ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng. 

Đặc biệt, Ủy ban châu Âu vừa ban hành Dự luật Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR), cấm nhập khẩu nông sản sản xuất trên đất có nguồn gốc phá rừng hoặc suy thoái rừng từ sau ngày 31/12/2020. Theo đó, mặt hàng cà phê của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng mạnh khi xuất khẩu vào thị trường EU.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), nhìn nhận, với quy định này của EU, chúng ta không còn cách nào khác là thực hiện nghiêm yêu cầu của họ. Bởi, châu Âu mỗi năm nhập khẩu hơn 60% sản lượng của Việt Nam.

Ngành cà phê Việt đứng trước thách thức khi EU áp Dự luật Quy định chống phá rừng châu Âu (Ảnh: Tâm An)

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho cà phê Việt Nam. Nếu làm tốt sẽ tiến tới sản xuất xanh, bền vững, đồng thời sản phẩm của Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh rất lớn tại EU so với mặt hàng cùng loại từ các quốc gia chưa thích ứng được với EUDR. 

Nước ta hiện có 70% diện tích cà phê không liên quan đến rừng, 20% giáp ranh với rừng và có 10% nằm xen kẽ là thuộc nhóm nguy cơ, ông Tuấn cho hay. 

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), cho biết, hiện giá cà phê trên dưới 70.000 đồng/kg - mức giá cao nhất 30 năm trở lại đây.

Trong nhiều nguyên nhân đẩy giá cà phê lên cao, có nguyên nhân do biến đổi khí hậu khiến sản lượng và chất lượng cà phê suy giảm. Ông Nam cho rằng, quy định trong EUDR của EU thể hiện trách nhiệm với việc bảo vệ môi trường toàn cầu. 

EU là thị trường lớn, nếu không thực hiện tốt EUDR sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu. Ngược lại, đây cũng là cơ hội nâng thị phần cà phê Việt tại thị trường này, ông nhấn mạnh.

Theo ông Nam, tổng diện tích cà phê ở nước ta là 680.000ha, hầu hết đã trưởng thành. Tuy nhiên, nước ta có 1,2 triệu hộ nông dân trồng cà phê, diện tích 0,5 ha/hộ rất nhiều. Truy xuất nguồn gốc đến tận vườn nhỏ rất khó khăn nếu chiếu theo quy định EUDR.

Ông kiến nghị, các bộ ngành phải có cơ sở dữ liệu tạo điều kiện cho truy xuất nguồn gốc. Việc chứng minh nguồn gốc như thế nào theo quy định của EU cũng cần phải bàn. Cần có bản đồ rừng từ 31/12/2020 để xác định rõ truy xuất nguồn gốc cà phê. 

Đồng quan điểm, ông Tuấn cũng cho rằng cần xây dựng một quy trình hướng dẫn, đặc biệt là cách xây dựng và cung cấp thông tin. Từ những dữ liệu đó, doanh nghiệp giảm được chi phí trong việc xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 

Để làm được, cần có sự hợp tác giữa cơ quan chức năng, doanh nghiệp và hộ nông dân với sự hỗ trợ của các tổ chức phát triển trong và ngoài nước. Với bà con ở khu vực có nguy cơ cao, cần có chương trình hỗ trợ để họ chuyển đổi sinh kế hoặc áp dụng được những tiêu chuẩn bền vững theo quy định của EU, ông đề xuất.

Theo Dự luật Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR), 100% một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là cà phê khi nhập khẩu vào thị trường châu Âu, đều cần có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn, dựa trên đó xác nhận về nguy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát viễn thám.

Yêu cầu truy xuất vật lý đến vườn trồng, chứng minh không gây mất rừng bằng các báo cáo giải trình, phân tích nguy cơ và giải pháp giảm thiểu nguy cơ mất rừng, đánh giá và giảm thiểu nguy cơ về vấn đề xã hội (quyền sử dụng đất, lao động, thu nhập... ).

EUDR có hiệu lực từ tháng 12/2024.