Nghị viện Châu Âu chiều hôm 12/02 đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam. Phía Nghị viện Châu Âu đã đánh giá đây được xem là một Hiệp định hiện đại và tham vọng nhất từ trước đến nay được ký kết giữa EU và một nước đang phát triển.
Hiệp định sẽ dỡ bỏ hầu hết các dòng thuế giữa hai bên trong vòng 10 năm tới, bao gồm cả đối với các sản phẩm xuất khẩu của châu Âu sang Việt Nam như: máy móc, ô tô, và hóa chất. Nó cũng được áp dụng với các mặt hàng dịch vụ như ngân hàng, vận tải biển và bưu điện – những lĩnh vực mà các công ty châu Âu sẽ có sự tiếp cận tốt hơn. Các công ty cũng sẽ có cơ hội tham gia vào các gói thầu công của chính phủ Việt Nam và một số chính quyền thành phố, bao gồm cả Hà Nội. Hiệp định cũng giúp bảo vệ 169 các mặt hàng đặc trưng của châu Âu.
Thêm vào đó, Hiệp định cũng là một công cụ bảo vệ môi trường và duy trì sự tiến bộ xã hội ở Việt Nam, bao gồm quyền lao động. Hiệp định cũng giúp Việt Nam áp dụng Thỏa thuận Paris. Việt Nam cam kết phê chuẩn hai dự luật mà Nghị viện châu Âu yêu cầu: xóa bỏ lao động cưỡng bức và quyền tự do lập hội, vào năm 2020 và 2023.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam chiều ngày 13/2/2020- Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Nghị viện cũng đã đồng ý phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư giúp đưa ra một hệ thống tòa án đầu tư với những thẩm phán độc lập giúp giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư và nhà nước.
Báo cáo viên Geert Bourgeois (ECR, BE) cho rằng, những Hiệp định tiên tiến nhất vừa được phê chuẩn này mang đến cơ hội hiếm có để đẩy mạnh hơn nữa mục tiêu của EU trở thành đối tác địa chính trị bảo vệ thương mại đa phương, phản đối bảo hộ và nâng cao các tiểu chuẩn về lao động, môi trường và nhân quyền trên toàn thế giới. Các hiệp định này sẽ thúc đẩy thịnh vượng, tạo thêm nhiều việc làm mới và có mức lương cao hơn, giảm chi phí cho các công ty cả lớn và nhỏ, tạo điều kiện để họ tiếp cận thị trường của nhau tốt hơn.
Chủ tịch Ủy ban thương mại Quốc tế, Nghị viện châu Âu Bernd Lange nhận định: "Lịch sử cho thấy rằng sự cô lập không làm thay đổi một đất nước. Đó là lí do Nghị viện đã bỏ phiếu thuận cho Hiệp định thương mại này với Việt Nam. Với hiệp định này, chúng tôi củng cố vai trò của EU tại Việt Nam và trong khu vực, đảm bảo rằng tiếng nói của chúng tôi có trọng lượng hơn trước. Công việc của chúng tôi từ nay là đảm bảo hiệp định được thực hiện”.
Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuẩn bị tốt, sẵn sàng tâm thế đón đầu cho lợi ích mà Hiệp định mang lại.
Thứ nhất, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và cam kết của EU, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế qua theo Hiệp định này đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.
Thứ hai, việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất… Để tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định, doanh nghiệp cần đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ và về tiêu chuẩn kỹ thuật của EU.
Thứ ba, doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. EVFTA chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào thị trường EU.
Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 của Diễn đàn Kính tế Thế giới (WEF) năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 10 bậc so với năm 2018, ở vị trí 67 trên 141 nước. Đây là mức điểm "nhỉnh hơn" trung bình của toàn cầu (61 điểm).
Trong số 12 nhóm tiêu chí được đánh giá trong báo cáo như thể chế, cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin, ổn định kinh tế vĩ mô, y tế, kỹ năng, thị trường hàng hóa, thị trường lao động, thị trường tài chính, quy mô thị trường... Việt Nam có đến 8 nhóm tiêu chí được cải thiện đáng kể.
Ông Trần Tuấn Anh – Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, Hiệp định EVFTA sẽ có nhiều tác động tích cực đối với Việt Nam trên mọi phương diện chính trị, an ninh quốc gia, chiến lược đối ngoại; cải cách thể chế và phát triển kinh tế. Nhờ đó, chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ cải thiện tích cực.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần có những cơ chế giám sát để thực thi Hiệp định. Theo luật, Quốc hội là cơ quan giám sát hoạt động ký kết, thực hiện điều ước quốc tế, hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang thực hiện giám sát chuyên đề "Việc thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên" với tất cả cơ quan của Chính phủ và địa phương. Quá trình giám sát này sẽ đánh giá kết quả thực thi, xác định các nguyên nhân, hạn chế và đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả thực thi, cũng như tận dụng tối đa ưu đãi mà các FTA này mang lại, trong đó có EVFTA.
Ngoài ra, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương sẽ có cơ chế "tự giám sát" thông qua việc ban hành kế hoạch thực thi hiệp định EVFTA với các nhiệm vụ và lộ trình hết sức cụ thể.
Những bước tiếp theo cần làm để Hiệp định sớm có hiệu lực, đó là Bộ Công Thương đã trình Chính phủ bộ hồ sơ đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định. Chính phủ sẽ trình Chủ tịch nước và Chủ tịch nước xem xét, trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 này.
Nếu Quốc hội thông qua vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 thì EVFTA sẽ có hiệu lực rất sớm, có thể ngay đầu tháng 7, sau khi hai bên thông báo cho nhau về việc đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn. Từ đó sẽ mở ra xa lộ nối Việt Nam và EU.
Lan Anh