LTS: Xã hội thay đổi, thời đại công nghệ máy móc thay thế tay chân, các nghề thủ công cũng dần mai một. Thế nhưng vẫn có những người vì yêu nghề, muốn giữ gìn nét đẹp truyền thống mà luôn miệt mài với nghề thủ công được cha ông truyền lại.
VietNamNet giới thiệu tới quý độc giả tuyến bài "Những nghề truyền thống còn sót lại".
Được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, ngôi nhà số 42 phố Hàng Cân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tính đến nay đã hơn 130 tuổi.
Xung quanh, các ngôi nhà được sửa sang, sơn màu hiện đại và cho thuê mặt bằng kinh doanh nhưng ngôi nhà do bà Lê Thị Thanh Tâm (79 tuổi) trông giữ vẫn còn nguyên vẻ cổ kính. Cửa lớn, cửa sổ, trần nhà, bàn ghế, phản… trong nhà đều bằng gỗ lim, phủ rõ dấu vết thời gian.
Nhiều năm về trước, nơi đây là cửa hiệu tạp hóa Ích – An nổi tiếng.
Bà Tâm kể, năm 1992, sau khi chồng mất, bà bắt đầu kinh doanh mặt hàng giấy dó. Dù không có biển hiệu, không quảng bá nhưng mặt hàng của bà vẫn được nhiều người chú ý.
"Khi về hưu, tôi cũng buồn. Tôi chỉ muốn kinh doanh cái gì đó thảnh thơi, nhẹ nhàng. Ở ngôi nhà cổ này, tôi thấy việc kinh doanh giấy dó khá hợp vì nó không ồn ào, xô bồ như những mặt hàng khác. Đây là mặt hàng hiếm hoi, rất hợp với phong cách cổ xưa của ngôi nhà tôi đang sống”, bà Tâm chia sẻ.
Những người yêu thích giấy dó phần lớn đều biết cửa hàng số 42 Hàng Cân. Giấy dó hiện là mặt hàng hiếm, khó tìm vì ít người bán. Nhưng ba, bốn năm trở lại đây, số người sử dụng giấy dó nhiều hơn, đặc biệt giới trẻ thường mua về để vẽ.
Theo bà Tâm, giấy dó được làm từ cây dó rừng, được sản xuất thủ công, không có tác động của hóa chất vào tờ giấy. Vì vậy để làm được loại giấy này cần phải trải qua nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian.
Người làm phải bóc vỏ cây dó rồi ngâm vài tháng. Sau khi ngâm xong phải đun lên liên tục trong vài ngày rồi mới đến các công đoạn khác để tạo ra tờ giấy. Cuối cùng phải mang phơi mới tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. Ngày nay máy móc hiện đại thay thế, ít người làm nghề thủ công truyền thống nên sản phẩm giấy dó cũng dần mai một.
“Ở thời hiện đại, người ta lại thích tìm về những thứ hoài niệm, xưa cũ. Thế nên gần đây, khá nhiều người đến cửa hàng của tôi hỏi mua giấy dó. Nhiều người dùng loại giấy này để vẽ, viết thư pháp. Nhìn màu giấy như vậy nhưng nó rất dai, vẽ hay viết lên rất đẹp", bà nói.
Bà Tâm cho biết, giấy dó có nhiều khổ khác nhau. Tùy vào chiều dài rộng mà giá tiền cũng khác nhau. Khổ to nhất khoảng 50 nghìn đồng/tờ, khổ nhỏ 20 nghìn đồng/tờ. Giấy dó dai, khó rách, độ bền cao, viết vẽ lên mực ăn và đẹp, để nhiều năm không bị phai màu mực. Theo bà, giấy dó càng mỏng sẽ càng dai, càng đẹp.
“Ngoài giấy dó, tôi còn bán giấy bản (loại 2 của giấy dó). Dưới giấy bản là giấy moi. Giấy moi là loại giấy kém chất lượng, dùng để lau chùi đồ dùng. Dù là loại 2 của giấy dó nhưng giấy bản vẫn khá dai. Nhiều gia đình ngày trước dùng giấy này đề lọc cua nấu canh. Có thể tha hồ bóp, ép nước mà giấy không hề bị rách, nát", bà nói thêm.
Nhiều năm gắn bó với nghề, bà Tâm không chỉ coi đó là công việc mưu sinh nữa. Nhớ lại những ngày đầu mở cửa tiệm, bà còn âu lo chưa biết bán hàng thế nào. Nhờ có người đến mách, cứ mở ra rồi khách sẽ dạy bán nên bà thử.
"Và quả thật, tôi được khách 'dạy' cách bán hàng. Có nhiều vị khách đến hỏi một số loại giấy nhưng cửa hàng của tôi không có. Từ nhu cầu của khách, tôi nhập thêm hàng hóa để phục vụ họ", bà Tâm chia sẻ.
Căn nhà hơn 100 tuổi, mặt hàng giấy dó truyền thống là hai thứ tạo nên thương hiệu cổ xưa tại số 42 Hàng Cân. Ai đến phố cổ cũng thích ghé thăm ngôi nhà, thăm tiệm giấy của bà.
Mỗi ngày, khách trong nước thậm chí người nước ngoài đều ghé qua cửa hàng của bà Tâm hỏi mua giấy dó. Đối với bà, việc bán giấy dó ở hiện tại không còn là vì mưu sinh mà bởi tình yêu với nghề, bởi muốn giữ lại những giá trị truyền thống tốt đẹp, những nghề thủ công dần bị mai một.
Nói rồi, bà lấy ra những tập giấy dó, mở từng khổ cho chúng tôi xem. Mùi thơm thoang thoảng của giấy khiến bà lại nao nao nhớ ông bà, bố mẹ, nhớ người bạn đời tri kỉ...