Hãng bay đồng loạt báo lãi

Báo cáo tài chính quý I/2024 của các hãng hàng không nội địa ghi nhận mức doanh thu tăng trưởng ấn tượng so với con số thua lỗ của cùng kỳ năm ngoái. 

Đáng lưu ý, hai “ông lớn” hàng không là Vietnam Airlines (mã: HVN) doanh thu hợp nhất đạt hơn 31.700 tỷ đồng, tăng 32,8% so với cùng kỳ; Vietjet Air (mã: VJC) cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt lần lượt 17.792 tỷ đồng và 539 tỷ đồng, tăng 38% và 212% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, sự hồi phục ấn tượng của mảng khai thác bay quốc tế cùng với yếu tố mùa vụ cao điểm là các nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng của với Vietnam Airlines.

Cụ thể, trong quý I vừa qua, doanh thu từ mảng vận tải hàng không quốc tế mang về cho Vietnam Airlines hơn 13.800 tỷ đồng, tăng 30,4% so cùng kỳ năm 2023; đóng góp 65% vào doanh thu vận tải hàng không của hãng hàng không quốc gia, tăng gấp 3 lần so với vùng đáy năm 2021. 

W-img-3891-2.jpg
Hàng không nội địa đồng loạt báo lãi trong quý I/2024. Ảnh: Hoàng Hà

Ngoài ra, tăng trưởng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty mẹ đạt hơn 22.000 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, các công ty con kinh doanh có lãi cũng đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng. Vietnam Airlines tạm “thở phào” với gánh nặng nợ Pacific Airlines khi công ty này đã đàm phán trả lại toàn bộ tàu bay đang thuê, xử lý được khoản nợ lên tới 220 triệu USD (gần 5.600 tỷ đồng), góp phần đáng kể vào lợi nhuận hợp nhất quý I/2024 của hãng.

Với việc đạt doanh thu kỷ lục trong quý đầu năm nay, Vietnam Airlines lần đầu tiên báo lãi sau 16 quý liền thua lỗ. Thậm chí, đây còn là mức thu một quý cao nhất từ trước đến nay (31.700 tỷ đồng trong quý I/2024 so với 25.500 tỷ đồng trong quý I/2019). 

3 tháng đầu năm, Vietnam Airlines ghi nhận lãi hợp nhất sau thuế hơn 4.440 tỷ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lãi gần 1.500 tỷ đồng.

Hàng không tư nhân Vietjet Air cũng ghi nhận lãi sau thuế gần 540 tỷ đồng trong quý I/2024, gấp 3 lần quý I/2023 - mức lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2020.

Trước đó, Vietravel Airlines báo lãi trong quý I/2024 hơn 10 tỷ đồng. Doanh thu của Vietravel Airlines đạt trên 491 tỷ đồng, tăng gần 42% so với cùng kỳ 2023.

Doanh thu các hãng bay nội địa tăng trưởng mạnh vào những tháng đầu năm diễn ra trong bối cảnh giá vé máy bay nội địa ở mức cao chót vót đối với một số chặng “nóng”.

Việc tăng giá trần vé máy bay, (từ 1/3, với mức 3,75-6,67% trên hầu hết các chặng nội địa) cộng với thiếu tàu bay do phải bảo dưỡng động cơ và có hãng phải thu hẹp đội tàu bay do tái cơ cấu, khiến vé máy bay càng trở nên khan hiếm và đắt đỏ. Giá vé cao ngất ngưởng không chỉ trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn, mà còn kéo dài đến cả tháng sau đó mới dần hạ nhiệt.

Cụ thể, trên đường bay nhộn nhịp nhất là TP.HCM - Hà Nội và ngược lại, giá vé phổ thông thấp nhất đã lên tới 6-7 triệu đồng/vé khứ hồi. Năm qua, giá vé chặng này thường xuyên duy trì ở mức cao, hành khách hầu như phải trả 3-4 triệu đồng/vé khứ hồi, đắt gấp rưỡi so với trước.

Những mức giá 0 đồng, 9.000 đồng, 14.000 đồng hay 19.000 đồng,... để kích cầu đi lại hay du lịch gần như biến mất từ năm 2023, khi du lịch hồi phục và hàng không cần tăng trưởng về nguồn thu để bù đắp thua lỗ hậu Covid-19. 

W-hang-khong-san-bay-noi-bai-nghi-le-30-4-1-5-13-1.jpg
Trong những dịp cao điểm lễ tết, tỷ lệ khách quốc tế đi bằng đường hàng không tăng trưởng mạnh, trong khi khách nội địa lại giảm. Ảnh: Thạch Thảo

Giá vé chưa thể hạ nhiệt

Trong khi các hãng đồng loạt báo tin doanh thu tăng trưởng dương vào quý I/2024 thì Bamboo Airways vẫn chưa tiết lộ thông tin. Hãng bay Tre Việt đang trong quá trình tái cơ cấu, thu hẹp chỉ còn 7-8 tàu bay, dừng khai thác các chặng bay ít hiệu quả. 

Pacific Airlines cũng trả hết tàu bay từ cuối tháng 3.

Vietravel Airlines, với 3 tàu bay, hầu như chỉ tập trung khai thác nguồn khách du lịch trong hệ sinh thái. Mới đây, từ đầu Hà Nội hãng đã dừng khai thác các chặng bay đi Nha Trang, Đà Lạt, Quy Nhơn,... chỉ duy trì 3 chặng, ngay cả trong mùa cao điểm hè. 

Do đó, vận tải hàng không nội địa, trước mắt trong cao điểm hè này, phụ thuộc phần lớn vào Vietnam Airlines và Vietjet Air. Trong khi bản thân hai hãng này cũng thiếu hụt hơn 40 tàu bay dòng chủ lực A321 do bảo dưỡng nên nguồn cung vé máy bay chưa thể dồi dào, giá chưa thể hạ nhiệt ngay.

Điển hình, đại gia đình nhà bà Phùng Thị Sinh ở Đống Đa (Hà Nội) gồm 10 người đặt vé đi Nha Trang bay trong tuần, vào giữa tháng 6. Giá đặt qua đại lý từ cách đây 3 tuần là 3,76 triệu đồng/vé khứ hồi (đã gồm thuế, phí), nhưng nếu bây giờ mới đặt (cùng giờ bay, ngày bay) đã tăng lên 4,2 triệu đồng/vé. 

Trong bối cảnh thiếu hụt tàu bay, hàng không quốc tế phục hồi nên các hãng bay trong nước đang dồn lực tăng tần suất đường bay hiện có, tập trung mở rộng mạng bay quốc tế. Tỷ trọng số chuyến bay và doanh thu vận tải quốc tế tại Vietnam Airlines đã tiệm cận mức trước đại dịch, đang rất gần với mức của quý I/2019. Tại Vietjet Air, vận tải hành khách quốc tế trong quý I/2024 tăng trưởng hơn 53% và 61% về số lượng chuyến bay và lượt khách so với cùng kỳ 2023.

Hàng không quốc tế mang lại nguồn thu đáng kể song các hãng lại phải điều chỉnh giảm tần suất bay hoặc tạm dừng khai thác với các chặng bay nội địa kém hiệu quả, cũng góp phần đẩy giá vé máy bay nội địa tăng cao. 

Điều này thể hiện rõ qua cao điểm nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua khi có một số chặng bay như Hà Nội - Nha Trang, giá vé lên tới 6-7 triệu đồng/vé khứ hồi, Hà Nội - Phú Quốc có thời điểm hơn 8 triệu đồng, Hà Nội và TP.HCM đi Đà Nẵng từ 4-3,5 triệu đồng,.. khiến một lượng lớn khách nội địa chuyển sang đi đường bộ, đường sắt và các phương tiện cá nhân khác. 

Bộ Giao thông Vận tải ngày 3/5 vừa yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam thanh tra, kiểm tra ngay công tác bán vé máy bay, thực hiện kê khai, niêm yết giá của các hãng hàng không, tuyệt đối không để tình trạng tăng giá vé trái quy định.