Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 22/5 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Cụ thể, giá xăng RON 95 là 21.490 đồng/lít. Xăng E5 RON 92 có giá 20.480 đồng/lít. Giá dầu diesel lên mức 17.950 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm xuống mức 17.960 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 22/5 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 21.490 | +490 |
Xăng E5 RON 92-II | 20.480 | +350 |
Dầu diesel | 17.950 | +300 |
Dầu hỏa | 17.960 | -10 |
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay (31/5) tiếp đà giảm từ phiên trước.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h35' hôm nay (ngày 31/5, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent xuống mức 73,41 USD/thùng, giảm 0,13 USD, tương đương 0,18% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 69,22 USD/thùng, giảm 0,24 USD, tương đương 0,35% so với phiên liền trước.
Hôm qua (30/5), giá dầu thế giới tăng nhẹ vào đầu phiên nhưng lại giảm mạnh vào cuối phiên.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 10h19' ngày 30/5 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 77,1 USD/thùng. Còn giá dầu WTI ở mức 72,77 USD/thùng.
Tuy nhiên, sau đó, giá dầu đã giảm mạnh. Vào lúc 20h42' ngày 30/5 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent xuống mức 74,48 USD/thùng, giảm 2,59 USD, tương đương 3,36% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 70,34 USD/thùng, giảm 2,33 USD, tương đương 3,21% so với phiên liền trước.
Theo giới phân tích, giá dầu lao dốc trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại khả năng thỏa thuận trần nợ của Mỹ vẫn gặp trở ngại và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sắp tăng lãi suất.
Vào cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về vấn đề trần nợ của Mỹ (quốc gia sử dụng dầu lớn nhất thế giới). Song thỏa thuận này vẫn phải được Quốc hội thông qua trước ngày 5/6 mới có hiệu lực.
Một số nhà lập pháp theo đường lối cứng rắn của Đảng Cộng hoà cho hay họ sẽ phản đối thỏa thuận nâng mức trần nợ của Mỹ. Điều này cho thấy khó khăn vẫn còn tiềm ẩn và giá dầu khó có đà bứt phá.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng tỏ ra thận trọng trước thềm cuộc họp chính sách của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) diễn ra vào ngày 4/6 tới, nhất là sau khi Saudi Arabia và Nga đưa ra những tuyên bố trái ngược nhau về khả năng thay đổi chính sách nguồn cung của nhóm.
Sự không chắc chắn về việc liệu các nhà sản xuất có đẩy mạnh cắt giảm sản lượng hay không trong khi giá dầu sụt giảm trong thời gian gần đây cũng gây áp lực lên thị trường.
Ngoài ra, những lo ngại về khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất tại cuộc họp ngày 13-14/6 cũng khiến giá dầu đi xuống.
Tại cuộc họp chính sách hồi đầu tháng 5, Fed phát tín hiệu sẵn sàng tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất. Nhưng lạm phát tăng nhanh hơn dự đoán trong tháng 4 đã củng cố khả năng Fed sẽ kéo dài việc tăng lãi suất sang tháng 6.
Các chuyên gia dự báo, các đợt tăng lãi suất tiếp theo của Fed có thể hạn chế nhu cầu năng lượng trong thời gian tới. Lãi suất của Mỹ tăng cao hơn sẽ là một trở ngại đối với nhu cầu dầu thô.